Hồi đầu tuần qua, chính phủ Trung Quốc đã đưa vào vận hành một tuyến đường sắt chở hàng, khởi hành từ thị xã Nghĩa Ô thuộc tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc đến thủ đô London (Anh), và mất 18 ngày để vượt qua quãng đường gần 12,000km.
Theo Forbes (Mỹ), đây là tuyến đường sắt đầu tiên trực tiếp kết nối Trung Quốc và Anh. Tuy vậy, nó lại là một phần của Con đường Tơ lụa cũ, nơi các lữ đoàn Trung Quốc đưa nhiều hàng hóa sang Châu Âu và Châu Phi từ năm 200 trước công nguyên.
Tuyến đường sắt trên đi qua nhiều nước châu Âu như Kazakhstan, Nga, Belarus, Ba Lan, Đức, Bỉ và Pháp, trước khi đến London. Bloomberg (Mỹ) ghi nhận, Anh là quốc gia thứ tám tham gia vào chặng Trung Quốc - châu Âu này, và London là thành phố thứ 15.
Hiện có 39 tuyến đường sắt kết nối 16 thành phố Trung Quốc với 12 thành phố Châu Âu, sau khi sáng kiến "Một vành đai, một con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình được công bố vào năm 2013.
Forbes nhận định, một tuyến tàu hỏa nối trực tiếp Bắc Kinh và châu Âu sẽ giúp cho các nhà sản xuất Trung Quốc tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa sang thị trường này, từ đó hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh dễ dàng hơn so với phương thức chuyển hàng qua đường thủy hoặc đường hàng không.
Tờ Standard (Anh) cho biết, tuyến đường sắt mới này có khả năng giảm một nửa thời gian vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới Anh nếu so với vận tải bằng đường biển và chi phí chỉ bằng một nửa vận tải hàng không. Chuyến tàu đầu tiên gồm 34 toa mang theo số hàng hóa có giá trị lên tới 4 triệu bảng Anh, xuất phát từ các nhà máy tại Nghĩa Ô - một trong những đầu mối sản xuất lớn nhất Trung Quốc.
Tuyến đường này dự kiến sẽ dùng để vận chuyển các hàng hóa như phụ tùng ô tô, hàng điện tử, thực phẩm... từ Trung Quốc đến Anh và thị trường Tây Âu.
Theo tạp chí Telegraph (Anh), cựu Thủ tướng Anh David Cameron từng khiến các đồng minh quan ngại khi tiến cử Anh làm "cửa ngõ đặc biệt" cho Trung Quốc đầu tư vào phương Tây, và còn đề xuất lấy thủ đô London làm trung tâm giao dịch chính của đồng nhân dân tệ ở nước ngoài.