Chuyển S-300 đến Syria, Nga có thể thực sự giải quyết được khủng hoảng khu vực?

Vũ Thu Hương |

Giới quan sát nhận định cho rằng, hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 mà Nga chuyển cho Syria không góp phần giải quyết khủng hoảng ở Syria hay giúp ổn định khu vực mà đơn giản chỉ là một cách để “cứu vãn danh dự và phô diễn sức mạnh”.

Theo Sputnik, Đại sứ Saudi ở Jordan Khalid bin Turki Saud nhận định rằng hệ thống phòng thủ tân tiến S-300 mà Moscow chuyển cho Syria sau sự cố máy bay của Moscow IL-20 bị bắn hạ tại quốc gia Trung Đông này không góp phần giải quyết khủng hoảng ở Syria hay giúp ổn định khu vực.

"Tôi tin rằng điều quan trọng không nằm ở sự hiện diện của hệ thống S-300 mà ở chính chính quyền Syria. Những vũ khí mà quân đội Nga chuyển sang Syria không giúp giải quyết khủng hoảng cho người Syria", vị Đại sứ cho hay.

Theo nhà ngoại giao này, chính quyền năng động có thể giải quyết các bất đồng giúp Trung Đông ổn định hơn mọi loại vũ khí.

Hôm 2/10, Nga đã hoàn tất việc chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Syria như là động thái nhằm tăng cường an ninh cho các nhóm quân Nga ở Syria. Động thái này diễn ra trong bối cảnh máy bay IL-20 của Nga bị không quân Syria bắn nhầm. Moscow đổ lỗi cho Israel trong vụ việc trên.

Các máy bay Israel đã dùng máy bay Nga như lá chắn trước hệ thống phòng không Syria, quân đội Nga cho hay.

Moscow và Damascus đã ký thỏa thuận cung cấp hệ thống S-300 cho Syria từ năm 2010 nhưng Điện Kremlin tạm dừng thỏa thuận này vì những lo ngại an ninh từ phía Israel.

Tuy nhiên, sau vụ máy bay IL-20 bị bắn hạ khiến 15 quân nhân Nga thiệt mạng, Moscow quyết định triển khai luôn thỏa thuận chuyển S-300 cho Syria. Động thái này được xem là cách nhằm kiềm chế lực lượng không quân Israel và nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người Nga ở quốc gia Trung Đông này.

Leonid Nersisyan, một chuyên gia quân sự và đồng thời là tổng biên tập tạp chí New Defence Order Strategy lập luận rằng việc triển khai 3 tiểu đội tên lửa S-300 tới Syria vừa phục vụ mục tiêu chính trị lẫn quân sự của Moscow.

"Đây là sự thể hiện lập trường cứng rắn của Nga với vụ tấn công của Israel ngay trong vùng ảnh hưởng của Moscow", ông Leonid Nersisyan cho hay.

"Latakia lần đầu bị tấn công. Điều này mang đến một thông điệp rằng việc bỏ qua cơ chế thông báo qua lại trên bầu trời Syria là không thể chấp nhận. Cho đến nay, yếu tố quân sự rất đáng quan ngại và 3 hướng dường như là chưa đủ để che phủ mọi vùng trên lãnh thổ Syria mà chỉ đủ để bảo vệ vùng bờ biển.

Các hệ thống này sẽ gây khó cho các hoạt động của lực lượng không quân Israel, khiến họ phải hoạt động khoảng cách xa hơn và điều này đồng nghĩa với việc hạ thấp hiệu quả của các đợt tấn công", ông Leonid Nersisyan nhận định.

Các dữ liệu kỹ thuật cho thấy S-300 có thể khắc chế các máy bay tân tiến tuy nhiên theo ông Nersisyan: "Điều này không có nghĩa Israel bất lực trước hệ thống này. Một khi Israel đã quyết định chặn vũ khí này họ sẽ làm được tuy nhiên sẽ phải trả giá mà thôi".

Nhà phân tích cũng khẳng định thêm rằng dù mối quan hệ Nga-Israel hiện có thể căng thẳng hơn nhưng cả hai nước đều chưa nghĩ tới chuyện đối đầu bởi điều này có thể sẽ làm mất ổn định khu vực theo cách khó lường.

Andrei Frolov, nhà phân tích quân sự đồng thời là tổng biên tập tờ Arms Export tin rằng việc chuyển S-300 cho Syria của Nga đơn giản chỉ mang tính tượng trưng và là một cách để "cứu vãn danh dự và phô diễn sức mạnh".

Khó có thể sao chép?

Mỹ và Israel sẽ không thể sao chép thành công công nghệ S-300 bởi hệ thống bảo vệ dữ liệu của tổ hợp phòng không và công tác phản gián của Nga sẽ không cho phép điều này xảy ra, Giám đốc trung tâm Phân tích Thương mại Thế giới Igor Korotchenko nhận định sau khi xuất hiện những nghi vấn cho rằng Mỹ và Israel có thể sao chép hệ thống phòng không S-300 của Nga.

Hệ thống phòng không S-300 hiện đang có trong biên chế quân đội Hy Lạp và Cyprus, hai quốc gia là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Giám đốc Trung tâm Phân tích Thương mại Thế giới cũng lưu ý, Belarus từng chuyển giao hệ thống phòng không S-300 cho Mỹ từ những năm 1990.

"Hệ thống bảo vệ dữ liệu và các biện pháp an ninh , bảo mật ở tất cả các khâu thiết kế, sản xuất và cung cấp đảm bảo rằng Nga, với tư cách chủ sở hữu thiết kế S-300, sẽ tiếp tục độc quyền phát triển hệ thống phòng không này.

Tất cả những suy luận ở Israel và Mỹ về rò rỉ công nghệ S-300 chỉ là những thông tin nhảm nhí", ông Igor Korotchenko tuyên bố.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại