13 tuổi đã lập gia đình
Gần 3 tiếng đồng hồ vượt quãng đường hàng trăm kilomet qua những con đường ngoằn ngoèo, trơ sỏi đá với những con dốc cao vút, chúng tôi mới tìm được về thôn Giang Đông (xã Ea Đah, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk).
Nơi đây những mái nhà tranh, vách nứa nằm lẩn khuất sau những rặng cây. Vừa bước chân đến đầu thôn, chúng tôi đã gặp nhiều tốp trẻ con ý ới gọi nhau, đầu trần, chân đất “phơi mình” giữa cái nắng Tây Nguyên.
Giữa bạt ngàn cây cối, thấp thoáng hình ảnh những cô gái chỉ tầm khoảng 13-15 tuổi địu trẻ trên lưng.
Mới nhìn ai cũng nghĩ là chị địu em, tuy nhiên khi chúng tôi hỏi đến, anh Giàng A Nụ - Trưởng thôn Giang Đông cho biết, đa phần những cô gái ấy là mẹ của những đứa trẻ đang địu trên lưng.
Bởi ở nơi đây, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều em gái nghỉ học giữa chừng rồi ở nhà lập gia đình.
Anh Nụ cho hay, thôn Giang Đông có 168 hộ, 913 khẩu, trong đó có đến 160 hộ nghèo, 4 hộ cận nghèo. Do đó, điều kiện kinh tế và nhận thức của người dân vẫn còn thấp. Bên cạnh đó, thôn cũng là khu vực nóng của tệ nạn ma túy.
Cũng chính vì điều kiện sống, hoàn cảnh và nhận thức nên một số học sinh chỉ học hết cấp 1 đã nghỉ học, đi làm ở TPHCM để lo cho cuộc sống gia đình.
Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên đến các hộ gia đình vận động phụ huynh và các em nhưng “bất thành”.
Ngoài ra, một số em gái khoảng 13-14 tuổi đã nghỉ học, ở nhà lập gia đình và sinh con. Theo anh Nụ, chỉ trong năm 2017-2018 đã có 2 trường hợp ở lứa tuổi này lập gia đình, ở nhà làm nương rẫy.
Bên cạnh đó cũng có các trường hợp kết hôn cận huyết thống, hoặc tảo hôn khi còn rất nhỏ nhưng các gia đình đa phần giấu, đến khi đủ tuổi mới đưa đi đăng kí kết hôn.
Mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên đi tuyên truyền nhưng tình trạng này cũng chỉ thuyên giảm chứ không giải quyết được triệt để.
Trong căn nhà nhỏ rộng chừng 15m2, vợ chồng ông Chảo Sái Vừ (SN 1962) cùng gần chục người con và cháu chen chúc nhau. Ông Vừ cho hay, ông có 9 người con, trong đó con lớn 34 tuổi, còn con út chỉ mới 13 tuổi.
Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một người con chưa lập gia đình, còn lại các con đã yên bề gia thất và sinh sống gần đó.
Ông Vừ cho hay, con gái út của ông cũng đã lập gia đình gần 1 năm nay và đang mang thai được 5 tháng. Hiện vợ chồng con gái ông đang ở nhà làm nương rẫy nên cuộc sống vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
“Tôi khuyên con cố gắng đi học rồi kiếm công việc gì làm nhưng nó không nghe. Rồi nó qua nhà trai chơi, ở lại, xong nhà người ta qua nhà tôi hỏi cưới thì tôi đành đồng ý thôi chứ biết làm sao”, ông Vừ nói.
Với gương mặt già dặn hơn so với cái tuổi 20 của mình, con dâu ông Vừ đang ru đứa con vừa tròn 1 tháng tuổi. Con dâu ông Vừ cho hay, chị lập gia đình năm 17 tuổi và đã có 2 con.
Do vợ chồng chỉ có ít đất canh tác, chị lại vừa mới sinh nên chồng chị gồng gánh hết mọi việc. Nhiều hôm nhà hết gạo ăn, vợ chồng và các con phải qua nhà ông bà ăn nhờ.
14 tuổi lấy chồng, 22 tuổi đã 4 mặt con
Những cô gái đã làm mẹ khi 13-14 tuổi nên làng rất nhiều trẻ con.
Cách nhà ông Vừ không xa, chị M.T.M (22 tuổi) đang bế đứa con gần 1 tuổi ngồi trước hiên nhà, còn 3 đứa nhỏ khác chừng 3-4 tuổi đang đùa giỡn nhau trên nền đất. Lâu lâu bọn trẻ lại chí chóe tranh giành đồ chơi.
Chị M cho hay, gia đình chị ở Lâm Đồng, nhưng do học không được nên chị nghỉ học từ sớm. Năm 2010, một lần tình cờ chồng chị qua Lâm Đồng chơi thì hai người gặp nhau, rồi nảy sinh tình cảm và quyết định tiến đến hôn nhân khi chị M mới 14 tuổi.
Đến nay, chị M đã có 4 con, đứa lớn năm nay 7 tuổi, đứa nhỏ gần 1 tuổi.
Chúng tôi hỏi: “Sao M không học tiếp mà lấy chồng sớm vậy? Gia đình cũng không ngăn cản sao?”. Chị M cười thẹn thùng rồi nói: “Cái duyên, cái số thôi.
Gặp đúng người thì mình cưới, chứ không quan tâm ít hay nhiều tuổi. Bố mẹ mình cũng có nói, nhưng cái bụng nó ưng rồi, không ai cản được.”.
Theo chị M, từ ngày lấy chồng và sinh con, cuộc sống của gia đình ngày càng khó khăn. Chồng chị phải đi làm quần quật từ sáng đến tối, còn chị ở nhà trông con và lo cơm nước cho gia đình.
“Thời gian trước, do hai vợ chồng muốn có con trai nên cố đẻ thêm cho được. Bây giờ có rồi nên vợ chồng mình không đẻ nữa. Đẻ nhiều không có tiền nuôi con. Con đói, con khóc… vợ chồng mình không biết làm sao.
Nhà nghèo nên 2-3 tháng mới có bữa thịt, bữa cá ăn, nên con gầy lắm, khổ lắm...”, chị M nói.
Liên quan đến vấn đề trên, một lãnh đạo huyện Krông Năng cho biết, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống tại địa phương mặc dù đã giảm so với các năm trước nhưng hiện nay vẫn diễn biến phức tạp.
Chính quyền thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, sử dụng các biện pháp tránh thai, tuy nhiên tình trạng này vẫn chưa giải quyết được triệt để.