Lăng mộ cổ trong sân UBND thị trấn Văn Điển
Một lăng mộ cổ bằng đá nổi nằm ngay trong khu vực sân của UBND thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Theo nội dung khắc trên bia, đây là mộ của hai vợ chồng quan huyện Nghi, dưới triều nhà Nguyễn.
Xung quanh khu lăng mộ này có rất nhiều lời đồn. Để rõ thực hư, phóng viên đã về đây tìm hiểu qua UBND và Phòng Văn hóa của thị trấn Văn Điển cùng người dân xung quanh.
Bà Hà Diệu Thư - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Văn Điển, phụ trách văn hóa - xã hội, cho biết: "Năm 2008 UBND thị trấn mới chuyển về đây. Chúng tôi cũng chỉ biết đây là mộ quan tri huyện Nghi.
Thỉnh thoảng vào ngày mùng 1, hôm Rằm hoặc Tết, người dân thường vào thắp hương. Hiện chúng tôi không có nhiều thông tin về khu lăng mộ này".
Theo quan sát, toàn bộ khu lăng mộ cao khoảng 1 mét so với nền đất, được xây bằng các tảng đá xanh nguyên khối với kiến trúc khá tinh xảo.
Hai bên bậc tam cấp có hai con rồng uốn lượn, chạm trổ tinh tế. Ảnh: Diệu Bình
Hai bên bậc tam cấp có hai con rồng uốn lượn, chạm trổ tinh tế. Phần hương án và tấm bia bằng đá, khắc chữ Hán - Việt.
Phía sau chạm khắc hình một người đàn ông mặc áo và mũ cánh chuồn, tay cầm trượng.
Trên bia mộ, ngoài các dòng chữ khắc bằng tiếng Hán - Việt thì hai bên của đoạn chữ được khắc thêm chữ Quốc ngữ hiện nay.
Theo đó, quan tri huyện Thanh Trì (thường được gọi là quan huyện Nghi) sinh ngày 2 tháng 9 năm Kỷ Mão (1879), niên hiệu vua Tự Đức.
Ông mất ngày 19 tháng Giêng năm Giáp Tuất (1934), niên hiệu vua Bảo Đại, tên thật là Nguyễn Hữu Nghi, làm quan dưới thời nhà Nguyễn.
Mộ quan huyện Nghi bằng đá nguyên khối, chạm trổ tinh xảo. Ảnh Diệu Bình
Thời nhà Nguyễn, theo quan chế (phép tắc quy định tổ chức và quyền hạn của quan lại xưa) hệ thống quan lại được chia làm 2 ban văn - võ và 9 phẩm (Cửu phẩm Quan giai), thì chức của quan huyện Nghi thuộc hàm quan Thất phẩm (cao nhất là quan Nhất phẩm).
Theo anh Vũ Đức Thiện, cán bộ văn xã, cũng là người sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, cho hay: "Ngày bé tôi thấy người ta hay nói mộ quan huyện Nghi từng bị đào trộm nhiều lần rồi, nhưng đào trộm làm gì thì tôi không rõ".
Anh Thiện cho biết thêm, hiện còn rất nhiều con cháu của gia tộc Nguyễn Hữu vẫn sinh sống ở khu vực này.
Giai thoại đưa dâu bằng máy bay
Theo chỉ dẫn của bà Nguyễn Thị Thịnh (74 tuổi), nhà ở gần UBND Thị trấn Văn Điển, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Hữu Tài (75 tuổi), là cháu họ của quan huyện Nghi.
Ông Tài cho biết, quan huyện Nghi thuộc gia tộc họ Nguyễn Hữu ở huyện Thanh Trì, thuộc Phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, nay là thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Theo ông Tài, quần thể nhà thờ của dòng họ được xây dựng trước năm 1930. Khu lăng mộ nằm trong quần thể gồm lăng mộ, dinh thự, nhà thờ… của dòng họ Nguyễn Hữu.
Lăng mộ quan huyện Nghi nằm phía trước khu nhà thờ chính. Trải qua quá trình biến động của lịch sử, quần thể khu lăng mộ, đền thờ, dinh thự gần như bị phá hỏng, chỉ còn lại một vài vết tích, trong đó có lăng mộ đá ở sân UBND Thị trấn Văn Điển.
Ông Nguyễn Hữu Tài. Ảnh: Diệu Bình
Ông Tài kể: "Dòng họ Nguyễn Hữu có 3 chi, quan huyện Nghi là chi thứ nhất, bố tôi là chi thứ hai, chi thứ ba là nhà ông Nguyễn Hữu Khâm. Tôi gọi quan huyện Nghi là ông bác. Chủ yếu gia tộc làm nghề buôn bán, kinh doanh vải".
Cũng theo ông Tài, mẹ quan huyện Nghi là người phụ nữ tài sắc vẹn toàn, là chủ một vựa buôn bán vải vóc lớn khắp trong Nam, ngoài Bắc.
Bà Bạch Quế Hương, 57 tuổi (chắt nội doanh nhân Bạch Thái Bưởi - một trong 4 người giàu có nhất Việt Nam đầu thế kỷ 20), chia sẻ: "Theo câu chuyện cha tôi và các cụ trong dòng họ kể lại, quan huyện Nghi và cụ Bạch Thái Bưởi từng là thông gia.
Vợ chồng ông Bạch Thái Tòng (con trai cụ Bạch Thái Bưởi) và bà Nguyễn Thị Tám (con gái cụ Cửu Nghi). Ảnh do Bạch Quế Hương cung cấp.
Theo đó, ngày 11 tháng Giêng năm 1922, con gái quan huyện Nghi là bà Nguyễn Thị Tám kết hôn với ông Bạch Thái Tòng, con trai thứ hai của cụ Bạch Thái Bưởi.
Ngày rước dâu, cụ Bạch Thái Bưởi cho thuê máy bay đón dâu từ Hà Nội về Hải Phòng.
Trên đường đi, máy bay bay chậm và rải các tấm giấy (bây giờ gọi là thiệp mời), người dân ai bắt được tấm thiệp này thì được đến dự đám cưới và ăn cỗ miễn phí, thậm chí còn được cụ Bưởi cho tiền mang về. Bà Nguyễn Thị Tám và ông Bạch Thái Tòng chính là ông bà nội của tôi", Bạch Quế Hương kể.
Câu chuyện đưa đón dâu bằng máy bay của nhà quan huyện Nghi và cụ Bạch Thái Bưởi khi ấy đã trở thành kí ức không thể nào quên đối với nhiều người dân nơi đây, về sau còn được lưu truyền như một giai thoại cho đến ngày nay.
(Còn nữa)