Tôi đã từng nghe tâm sự của một chị bạn kể về cô bạn thân mỗi lần cãi nhau với chồng là gọi điện thoại tâm sự hàng tiếng đồng hồ và mong tìm một lời khuyên.
Thật ra câu chuyện của chị kia cũng như vô vàn các cô gái khác; khi chị ấy lấy một tấm chồng có nghề nghiệp ổn định, thu nhập cao và họ có với nhau một cô con gái tầm 10 tuổi, nhưng ông chồng ấy suốt ngày say xỉn, cặp một lúc hai ba cô bồ. Và cứ hễ tháng nào vui thì anh ta sẽ đem trọn lương về cho vợ, còn buồn thì...
Chị ấy suốt ngày mong tìm cho mình một lối thoát nhưng lại đưa lý do vì thương cô con gái không cha. Nghe tới đoạn này tôi bỗng phì cười bảo với bạn mình rằng: "Có mà sợ ly dị rồi sẽ không có ai yêu, sợ lại phải đi làm rồi nuôi con vất vả, chứ chẳng có đứa con nào muốn có một ông bố như vậy.
Thậm chí, nói thẳng ra là sau này đứa bé gái kia phải trả giá cho lỗi lầm của cha nó. Vậy nên nghĩ cho ai trước đây?"
Bạn tôi bỗng mở to mắt bảo: "Ờ, kể ra em phân tích cũng đúng vì mười năm nay nhỏ bạn chị chỉ biết ở nhà bếp núp với chăm sóc con cái chứ không đi làm gì cả. Giờ mà ly dị rồi thì…
Nhiều người phụ nữ cam chịu sống bên cạnh ông chồng không chung thủy. (Ảnh minh họa)
Câu chuyện trên không có gì mới mà nó là một mô típ cứ lặp đi lặt lại với biết bao thế hệ phụ nữ. Thậm chí có người thà chấp nhận cam chịu, nếu không sẽ sợ bị mang tiếng bỏ chồng hay đã qua một lần đò.
Chấp nhận sống chung với nghịch cảnh, biết mình sắp chết nhưng vẫn cứ cố vẫy vùng. Và họ sẽ đổ lỗi cho số phận đàn bà mười hai bến nước; trong nhờ đục chịu.
Thú thật phụ nữ khổ vì phụ nữ tự cho phép họ trói buộc với suy nghĩ làm đàn bà luôn khổ, chứ chẳng ai làm họ khổ cả! Tôi khá nực cười khi những người phụ nữ quanh mình suốt ngày ngân nga cái điệp khúc ấy.
Hóa ra đàn bà khổ vì đàn bà tự cho phép mình khổ, chứ chẳng ai làm họ khổ cả!
Tôi còn nhớ vào khoảng thời gian năm 2000 khi truyền thông liên tục đưa tin về câu chuyện của một người phụ nữ ở Hải Phòng không may bị nhiễm HIV từ chồng.
Có thể nói đây là một trong những người phụ nữ đầu tiên của Việt Nam dám đứng lên chia sẻ câu chuyện và tự nhận mình là người có H.
Tôi xem và ám ảnh khi thấy một người phụ nữ thân hình nhỏ nhắn, khuôn mặt phúc hậu nhưng phải gánh lên mình một nỗi đau quá lớn. Lớn hơn cả sức nặng 35 cân của chị lúc bấy giờ. Tôi luôn tự hỏi không biết nguồn sức mạnh nào đã khiến chị ấy dũng cảm đến như vậy?
Hơn 10 năm sau tôi quyết định về thành phố hoa phượng đỏ một chuyến để tìm gặp chị. Sau nhiều lần hẹn thì tôi mới có thể hẹn được vì công việc của chị rất bận. Tôi được một anh bạn đưa tôi đến tận cơ quan chị đang làm việc.
Lúc nhìn chị ấy chạy xuống mở cửa, tôi nhìn chị ấy từ cửa kính ô tô và bấm bụng tự nhủ: "Có khi nào mình nhầm người không nhỉ?"
Vì trước mắt tôi khi ấy là một người phụ nữ mập mạp và ra dáng của một quý bà thành đạt, chứ không phải là cô gái gầy đen và hai mắt sưng húp mà tôi vẫn thấy trên truyền thông hơn 10 năm về trước. Bởi lẽ giờ chị đã được phong danh hiệu Anh Hùng Châu Á.
Chị Phạm Thị Huệ - anh hùng châu Á, chụp ảnh cùng hoàng hậu Jodan. (Nguồn ảnh: HerworldVietNam)
Có thể câu chuyện về nữ Anh Hùng Châu Á - Phạm Thị Huệ đã không còn xa lạ với tất cả chúng ta, nhất là những người có H trong nước lẫn quốc tế. Thế nhưng khi gặp chị tôi như chết lặng vì được nhìn thấy sức mạnh nội lực từ bên trong con người bé nhỏ ấy.
Được nghe chị tâm sự những câu chuyện về sự đắng cay tủi nhục của một người đàn bà, những câu chuyện không bao giờ chị dám kể trên truyền thông; bởi tôi biết dù người chồng chị hay gia đình bên chồng ngày xưa có đối xử với chị như thế nào đi chăng nữa, thì trong chị vẫn giữ một sự kính trọng chứ không hề oán trách hay đổ lỗi...
Được gặp chị tôi đã hỏi lý do gì mà chị đã vượt qua nghịch cảnh thậm chí, sống chung với căn bệnh thế kỷ mà vẫn khỏe mạnh, xinh đẹp, yêu đời và còn thành đạt đến mức được cả thế giới ngưỡng mộ?
Chị chỉ cười hiền mà trả lời: "Vì chị đã lựa chọn sống chung với HIV, nhưng không bao giờ cam chịu em ạ!" Đó là một sự lựa chọn chứ không sống kiếp cam chịu để rồi bị số phận nhấn chìm mình trong đau đớn bế tắc.
Trong phút chốc tôi chợt nhận ra rằng hóa ra bệnh tật không thể giết chết con người, chỉ có chính tư duy mới có thể giết chết được chính mình mà thôi.
Thật ra tôi luôn nghĩ làm một người phụ nữ vĩ đại không phải là được làm bà này bà nọ; được học cao chức lớn, vì nó thuộc về một phạm trù khác của xã hội.
Và tôi cũng không cho rằng những người phụ nữ vĩ đại khi suốt ngày nai lưng ra làm để đi nuôi một ông chồng say xỉn, gái gú, cờ bạc, bất tài vô dụng và những đứa con khỏe mạnh nhưng chỉ biết ăn bám cha mẹ. Đó không phải là sự hy sinh vĩ đại mà là sự hy sinh nguy hại cho xã hội thì đúng hơn.
Người ta vẫn bảo làm đàn bà thì phải mềm vậy nên, tôi luôn hình dung rằng cái gì mềm thường sẽ sống rất khỏe và rất dai vì nó luôn biết cách biến dạng, luôn có sự khôn ngoan tinh tế...Bởi suy cho cùng thứ gì càng mềm dẻo sẽ luôn tiềm tàng một sự sống mảnh liệt bên trong!