Sears là một trong số những chuỗi bán lẻ hàng đầu nước Mỹ ra đời từ năm 1886. Từng là nhà bán lẻ lớn nhất nước Mỹ xét theo doanh thu trước khi bị Walmart vượt mặt năm 1989, hiện Sears đã tụt xuống vị trí số 20.
Hoạt động kinh doanh của nhà bán lẻ "vang bóng một thời" này ngày càng xuống dốc. Từ năm 2010 đến nay, số cửa hàng vật lý của Sears đã giảm từ 3.500 xuống còn chưa đến 1.500. Doanh thu quý I/2016 cũng sụt giảm 10,3% so với cùng kỳ năm trước đó.
Từ cuối năm 2016, đầu năm 2017, CEO kiêm Chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất của Sears, Edward Lampert đã thực hiện những bước đi mạnh mẽ nhằm tái cấu trúc hãng bán lẻ đang ngày càng xuống dốc.
Từ Tháng 2 vừa qua, 1 kế hoạch cải tổ được công bố với tham vọng cắt giảm chi phí 1 tỷ USD bằng việc bán bớt cửa hàng, cắt giảm nhân công và bán thương hiệu.
Thông thường, khi những nhà bán lẻ như Sears đang phải vật lộn để tồn tại thì họ có vẻ rất cần thu hút người mua sắm. Tuy nhiên, Sears Holdings, công ty gần đây bị cảnh báo rằng họ có thể không sống sót nổi vì những thua lỗ ngày càng gia tăng, lại đang áp dụng một phương pháp khác.
Thay vào đó, chủ nhân của những cửa hiệu Sears và Kmart chọn cách tập trung vào số lượng khách hàng còn lại mà họ vẫn giữ được.
“Chúng tôi không cần thêm khách hàng. Chúng tôi hiện có tất cả những khách hàng mà có lẽ chúng tôi muốn có”, CEO Eddie Lampert của Sears phát biểu hôm thứ Tư tại buổi gặp mặt cổ đông thường niên của công ty này.
Một phát ngôn viên giải thích rằng Lampert đã đưa ra những lời bình luận trên là đề cập tới khả năng cung cấp dịch vụ và giá trị tuyệt vời của công ty này qua chương trình “Hãy mua sắm theo cách của bạn” – nhằm tri ân lòng trung thành của khách hàng.
Dẫu vậy, những lời nói của Lampert sẽ không giúp được gì nhiều trong việc “bịt miệng” nhiều người chỉ trích khi họ cho rằng vị cựu quản lý của Goldman Sachs đã tập trung quá nhiều vào bất động sản thay vì đầu tư vào các thương hiệu lâu đời này.
Sears, có thời gian từng là nhà bán lẻ lớn nhất của nước Mỹ, đã thua lỗ đều đặn mỗi năm trong suốt thập kỷ qua, làm “bay” mất hơn 10 tỉ USD của nhà đầu tư.
Thương hiệu từng một thời là biểu tượng của ngành thời trang này đã buộc phải đóng cửa nhiều nơi bán hàng của mình và ngậm ngùi đứng nhìn giá cổ phiếu lao dốc đến 68% kể từ tháng 1/2013 khi Lampert đảm nhận vị trí CEO.
“Tôi hứa với bạn rằng tôi không phủ nhận điều đó”, Lampert trả lời một câu hỏi từ cổ đông về chuyện nợ nần của Sears.
Lampert đã tiết lộ những nỗ lực đầu tư nhiều hơn vào hệ sinh thái “Mua sắm theo cách của bạn”, khi cho biết có hợp tác với Citigroup và Uber.
Tuy nhiên, vấn đề làm hồi sinh thương hiệu Sears mà Lampert đã hứa hẹn nhiều năm qua vẫn chưa thành hiện thực. Lời cảnh báo hồi tháng 3 vừa qua từ Sears rằng “vẫn còn hoài nghi lớn về khả năng công ty này tiếp tục trở thành một doanh nghiệp có lãi” càng làm tăng thêm nỗi sợ phá sản.
Trong một cuộc phỏng vấn với Chicago Tribune, Lampert thừa nhận rằng Sears hiện đang phải đối mặt với những “thử thách” nhưng vị CEO này và cổ đông hàng đầu không thừa nhận là đã có những bước đi sai lầm mang tính cá nhân trong việc làm hồi sinh thương hiệu này.
Thay vào đó, ông đổ lỗi cho mọi thứ, từ các hành vi tiêu dùng thay đổi khiến “cuộc chơi thay đổi” với Sears và những nhà bán lẻ khác, đến những khoản tiền khổng lồ mà công ty phải chi cho lương hưu. Lampert đổ hầu hết lỗi cho những tin đồn rằng: “Sears có thể không sống sót nổi”.
Ông cho rằng chúng đã khiến cho các nơi bán hàng đối xử với công ty ông như “một kẻ bị vứt đi”.
“Mỗi khi người ta dùng chữ phá sản, bất kì ai đọc vào cũng đều không khỏi có ấn tượng xấu của từ đó, khiến cho mọi chuyện rất không công bằng với chúng tôi”, Lampert nói với Tribune.