Chuyện lạ ở Bàn Môn Điếm: "Rèm tự hé", lính HQ nắm tay nhau và lệnh cấm quần jean rách

Tất Đạt |

Trước đây, hình ảnh loại quần thời trang của phương Tây đã bị truyền thông Triều Tiên sử dụng để tuyên truyền rằng người Mỹ nghèo tới độ "không mua nổi quần mới".

Giữa hai miền chiến tuyến

Khu phi quân sự (DMZ) tại Bàn Môn Điếm là nơi chứa nhiều giá trị lịch sử cũng như những quy định nghiêm ngặt trên bán đảo Triều Tiên. Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã từng nhận định DMZ là "khu vực đáng sợ nhất" trên thế giới.

Tọa lạc tại biên giới Hàn Quốc – Triều Tiên, giữa Khu vực An ninh Chung (JSA), các tòa nhà màu xanh nước biển được dựng sẵn để phục vụ các cuộc hội nghị hiếm khi xảy ra giữa hai quốc gia liên Triều. 

Xung quanh các căn phòng, lính Hàn Quốc đứng nghiêm túc, đội mũ quân dụng, kính râm, tư thế nắm chặt tay như trong môn Taekwondo, sẵn sàng phản ứng. 

Đối với họ, những cánh cửa mở ra hướng Triều Tiên là nỗi lo sợ thường trực.

Theo Business Insider (BI), khi mở cửa, luôn phải có ít nhất hai lính Hàn Quốc nắm tay nhau, bám chặt vào tường để tránh bị phía bên kia... giật mạnh sang bên Triều Tiên.

Chuyện lạ ở Bàn Môn Điếm: Rèm tự hé, lính HQ nắm tay nhau và lệnh cấm quần jean rách - Ảnh 1.

Lính Hàn Quốc nắm tay nhau khi mở cửa. Ảnh: National Graphic

Đã có nhiều lời đồn đoán về việc lính Hàn Quốc bị bắt giữ theo phương thức này. Do đó, ngoài việc nắm tay, họ còn dùng dây thừng và các cách thức khác để đề phòng. Trong nhiều năm qua, Triều Tiên đã từng giữ công dân Nhật Bản và Hàn Quốc vì các lí do chính trị.

Theo phóng viên của Lonely Planet – hãng viết sách hướng dẫn du lịch hàng đầu thế giới, chuyến đi tới khu DMZ là trải nghiệm khó quên. Dù căng thẳng quân sự, nơi này vẫn mở cửa đón khách du lịch. 

Chuyến thăm quan khu vực DMZ của phóng viên hãng AJ+

Các khách tham quan đều bị những sĩ quan "trang bị đến tận răng" theo dõi sát sao, dù bằng mắt thường hay bằng ống nhòm từ xa.

Khi tới nơi, một lính Mỹ sẽ phụ trách hướng dẫn sơ bộ các quy định nghiêm ngặt tại đây, trong đó bao gồm không chỉ tay, không vẫy hoặc ra hiệu giao tiếp với lính Triều Tiên.

Không dùng ô, không bút máy, không cởi áo khoác hay làm bất kì động tác gì có thể gây hiểu nhầm thành hành động sử dụng vũ khí.

Một luật lệ đặc biệt khác là du khách không được mặc quần jean rách. Trước đây, hình ảnh loại quần thời trang của phương Tây này đã bị truyền thông Triều Tiên sử dụng để tuyên truyền rằng người Mỹ nghèo tới độ "không mua nổi quần mới". Tuy nhiên, quần jean bình thường vẫn được cho phép.  

"Chiến trường thu nhỏ"

Người phóng viên kể lại, khi đoàn du khách nước ngoài di chuyển, tham quan khu vực, những tấm rèm trong các ngôi nhà do Triều Tiên quản lí thỉnh thoảng lại hé nhẹ và được kéo lại ngay lập tức. Trải nghiệm này được miêu tả như là "bị điệp viên trong phim ảnh theo dõi".

Chuyện lạ ở Bàn Môn Điếm: Rèm tự hé, lính HQ nắm tay nhau và lệnh cấm quần jean rách - Ảnh 3.

Lính Triều Tiên đứng nhìn du khách từ ngoài cửa sổ. Ảnh: Trent Holden

Chưa kể, trong lúc khách du lịch chụp ảnh cùng người lính Hàn Quốc bên trong các ngôi nhà, họ dễ dàng bắt gặp hình ảnh lính Triều Tiên cũng đứng nghiêm trang, nhìn từ bên ngoài vào từ cửa sổ.

Hàn Quốc và Triều Tiên hiện đang duy trì thỏa thuận đình chiến, nhưng về mặt lý thuyết, cuộc chiến bán đảo vẫn chưa chấm dứt. Thỏa thuận ngừng bắn được kí kết năm 1953 đã chia cắt 2 quốc gia dọc đường vĩ tuyến 38 và tạo ra khu phi quân sự DMZ.

Dài gần 260 km, rộng 4 km, DMZ được ví như một chiến trường thu nhỏ với hàng rào thép gai, rào chắn bê tông, mìn và những đoàn quân diễu hành hàng ngày, tay sẵn sàng bóp cò. Hàng trăm lính Hàn Quốc, Triều Tiên, và lính Mỹ đã ngã xuống trong các vụ giao tranh dọc DMZ hồi những năm 1960, chưa kể tới những vụ ẩu đả khác kể từ thời điểm đó.

Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều có các thị trấn trong khu DMZ. Tuy nhiên, theo BI, làng của Hàn Quốc thực sự có người trong khi làng của Triều Tiên chỉ là nơi "tượng trưng" với các tòa nhà trống. Những công trình này được cho là nhằm lôi kéo người đào tẩu từ phía Hàn Quốc sang.

Sự khác biệt rõ rệt trong hoạt động an ninh có thể được thấy qua cách xếp đội hình canh gác của sĩ quan an ninh hai bên. 

Trong khi 3 người lính Hàn Quốc cùng nhìn về hướng Triều Tiên, thì 2 lính Triều Tiên lại đứng đối diện nhau và người còn lại đứng quay lưng về phía Hàn Quốc.

Chuyện lạ ở Bàn Môn Điếm: Rèm tự hé, lính HQ nắm tay nhau và lệnh cấm quần jean rách - Ảnh 4.

Chuyện lạ ở Bàn Môn Điếm: Rèm tự hé, lính HQ nắm tay nhau và lệnh cấm quần jean rách - Ảnh 5.

Chuyện lạ ở Bàn Môn Điếm: Rèm tự hé, lính HQ nắm tay nhau và lệnh cấm quần jean rách - Ảnh 6.

Sự khác biệt trong đội hình canh gác của lính hai bên. Ảnh: Wikipedia

Giới truyền thông cho rằng, với đội hình này, các sĩ quan an ninh Triều Tiên không chỉ quan sát biên giới, mà còn theo dõi lẫn nhau, đề phòng người kia chạy sang Hàn Quốc, và người lính thứ 3 có nhiệm vụ quan sát từ xa, chặn bất kì ai có ý định vượt biên khỏi Triều Tiên.

Ngoài ra, các cuộc diễu hành, tuần binh cũng thường xuyên diễn ra giữa 2 bên để "thi" xem quân đội của bên nào tốt hơn.

Những hoạt động tưởng chừng như lạ lẫm nhưng diễn ra thường ngày tại Bàn Môn Điếm đã đem lại cái nhìn khách quan và cũng không kém phần thực tế về sự căng thẳng vũ trang giữa hai quốc gia bán đảo đang tiếp diễn cho tới ngày nay. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại