Cách đây khoảng 5 năm, mạng xã hội xôn xao trước câu chuyện của người đàn ông ở miền Tây có chiều cao lên tới 2,2 mét. Đó là ông Nguyễn Văn Y (67 tuổi, ngụ ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). ông Y sinh ra vốn bụ bẫm, to hơn những đứa trẻ khác. Đến khi trưởng thành, chiều cao của ông Y phát triển vượt trội khiến gia đình và người thân đều kinh ngạc.
"Có lúc đo được là 2,2 mét, khi nào ông ý gù lưng xuống chút chút thì đo còn 2,15 mét thôi. Khi xưa sức ăn vô biên, ông có thể ăn 50 viên chè trôi nước đó" , bà Phượng, em gái ông Y nói.
Ông Y có chiều cao lên tới 2,2 mét
Thời trai tráng, ông Y nặng tới gần 100kg, cơ thể rắn chắc, khỏe mạnh. Để may đo quần áo vừa với người, cha mẹ phải "cắt" suất vải của những đứa trẻ khác để gom lại cho ông Y mặc.
Có sức khỏe tốt nên ông Y thường đi làm thuê để kiếm tiền nuôi gia đình. Ai mướn gì ông cũng nhận, từ đào đất, xây nhà, đốn cây. Bao lúa, bao đất vừa to vừa nặng, ông Y một mình bốc lên vác nhẹ tênh.
Dù lớn nhanh như thổi tuy nhiên ông Y lại khờ khạo, thần kinh chậm phát triển. "Ông ấy khờ lắm. Đi làm bị người ta lừa, làm 3 ngày chỉ nhận được 1 ngày công" , bà Phượng rầu rĩ kể.
Đôi chân dị nhân to hơn gấp nhiều lần người bình thường
Thuở nhỏ ông Y bị cha mẹ ruột bỏ rơi tại bệnh viện. Được khoảng 3 ngày, cha mẹ bà Phượng tới xin về nuôi. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, không ai biết gốc gác, lai lịch của người đàn ông đáng thương này ra sao. Cha mẹ nuôi ông Y chỉ mù mờ đoán rằng mẹ ruột ông quê gốc Đồng Tháp, còn cha có thể là người ngoại quốc.
Năm ông Y 16, 17 tuổi, người mẹ này có quay lại ghé thăm ông Y một lần. Cặp vợ chồng miền Tây tốt bụng vẫn đồng ý cho nhìn lại mặt con.
"Má tôi cho nhận lại con, nhưng phải về đây nuôi chứ không đem đi đâu hết" , bà Phượng nói. Nhưng sau lần gặp gỡ đó, người mẹ ấy bỏ đi biệt tích, không quay trở lại nữa.
Gia đình nhà bà Phượng đông anh em, bà lại người con gái thứ 6. Dù biết ông Y không được nhanh nhẹn nhưng cả gia đình vẫn rất mực yêu thương.
Ông Y bị cha mẹ bỏ rơi từ nhỏ
Cuộc sống cơ cực của dị nhân miền Tây
Hiện ông Y đang sống trong một ngôi nhà lợp tôn lụp xụp do các nhà hảo tâm xây. Ở tuổi 67, sức khỏe của dị nhân miền Tây đã yếu đi nhiều. Đôi mắt ông dần mù lòa, tai lãng, lưng gù, đi lại khó khăn. Vì không có tiền nên người nhà cũng chẳng dám đưa ông đi khám.
"Khoảng 2 năm nay mắt ông ấy không thấy gì nữa, bữa trước còn mờ mờ. Ông đi ra ngoài, lủi vào nhà người ta, chạy ra cả đường quốc lộ. Mấy xế xe tải đi ngang thấy thương dẫn ông về nhà", bà Phượng kể.
Căn nhà được người hảo tâm xây dựng giúp
Các anh em của của ông Y giờ đã có gia đình riêng, cuộc sống cũng vất vả khó khăn nên không thể giúp gì nhiều. Chỉ còn bà Phượng ở sát nhà, vẫn thường chạy qua lo việc chăm sóc cho người anh trai không chung máu mủ.
“Ông Y sống hiếu thảo, hồi trước khỏe kiếm được bao tiền đều về đưa cha mẹ. Giờ ổng bệnh, không mần gì được, tôi lo cho ông được chút nào hay chút đó. Ổng khờ nhưng người dân xóm làng quanh đây yêu thương lắm. Sống không làm mất lòng ai bao giờ ”, bà Phượng nói.
Đôi mắt ông Y dần mù lòa
Từ nhiều năm nay, ông Y đã được địa phương cấp 10 kg gạo và cấp tiền bảo trợ xã hội 540.000 đồng mỗi tháng. Căn nhà của dị nhân rộng chừng 15m2, chỉ có một chiếc giường, một nhà vệ sinh. Hàng ngày bà Phượng sẽ qua đưa cơm, quét dọn nhà cửa. Nếu như trước đây ông Y có thể ăn 4 lon gạo to thì giờ chỉ ăn nửa tô cơm hoặc húp tạm cháo. Cơ thể ông nặng nề nên việc tắm rửa, vệ sinh cũng do một tay bà Phượng lo.
Tuy vậy, người phụ nữ miền Tây không cảm thấy phiền lòng khi chăm người anh trai “khổng lồ”, to cao gần gấp đôi mình. Ông Y cũng rất thương bà, thi thoảng ra chợ, được người dân cho bánh cho tiền, ông đem về cho em gái.
“Từ hồi đó tới giờ tôi không thấy vất vả gì cả. Chỉ khoảng 2 năm nay ông không thấy đường nữa, tôi cực hơn chút thôi. Giờ chỉ mong một điều là ổng còn khỏe mạnh, sống với anh em là mừng rồi” , bà Phượng bộc bạch.