Là một founder nổi tiếng ở Silicon Valley (Mỹ) với AgaMatrix (startup có doanh thu gần 100 triệu USD) và Misfit (cùng với John Sculley – cựu CEO Appple, và được mua lại với giá 260 triệu USD)… nhưng Vũ Xuân Sơn bị gọi đùa là "bảo mẫu" khi đi cùng vợ là Lê Diệp Kiều Trang lúc về Việt Nam.
Đầu năm 2021, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đón một dự án rất đặc biệt: Nhà máy in 3D sợi carbon lớn nhất thế giới của startup Arevo (Mỹ). Đây là dự án do vợ chồng Vũ Xuân Sơn – Lê Diệp Kiều Trang đưa về Việt Nam ngay trong đại dịch Covid-19.
Lý do quan trọng nhất để cặp đôi đặc biệt này đưa một dự án công nghệ mới nhất trên thế giới về in 3D về Việt Nam cũng rất thú vị "để các con tôi có thể học tiếng Việt thật giỏi và hiểu sâu về văn hoá Việt Nam", Vũ Xuân Sơn - CEO Arevo (doanh nhân tuổi trâu nổi tiếng) tiết lộ.
Đang làm nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT-Mỹ), Vũ Xuân Sơn bỏ dở việc học để khởi nghiệp nhưng nhanh chóng thất bại. Chia sẻ về lý do khởi nghiệp, anh cho biết: "Năm đó mới 22 tuổi, tôi rất thích làm startup vì trong lớp có hơn một nửa cũng làm vậy. Với cá tính của mình và môi trường đó, tôi mà không làm mới lạ".
Khởi nghiệp không thành công, năm 1996, Sơn quay lại làm kỹ sư phần mềm cho Microsoft lần thứ 2 (trước đó đã làm Microsoft năm 1993). Tuy nhiên, công việc tại công ty phần mềm lớn nhất thế giới không đủ thách thức với chàng trai này và anh lại bỏ việc để về MIT học tiếp.
Tuy nhiên, thêm một lần nữa Sơn lại bỏ ngang việc học tại MIT để lập startup có tên FireSpout, cùng với một người bạn Ấn Độ (Sridhar Iyengar) biết nhau từ hồi trung học và là bạn cùng ký túc xá thời đại học. Đây là công ty về phần mềm xử lý ngôn ngữ, có thể coi như một trong những giải pháp xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP) đầu tiên trên thế giới, dù ở mức rất sơ khai.
Tuy nhiên, FireSpout không phải là một dự án thành công dù Sơn và người đồng sáng lập bán được dự án cho một tập đoàn lớn năm 2001: "Số tiền thu được không nhiều, chỉ đủ cho chúng tôi trang trải tiền phòng và các chi phí chứ không đủ để chuẩn bị cho tương lai". Sau khi rời FireSpout, chàng trai này dành thời gian để hoàn tất bằng tiến sĩ tại MIT – điều mà bố mẹ cậu rất mong chờ.
Trong lần khởi nghiệp thứ 3, Sơn được người bạn Ấn Độ (Sridhar Iyengar) rủ cùng lập startup có tên AgaMatrix với công nghệ do chính kỹ sư này phát triển. "Tôi không thể cưỡng lại sự cám dỗ của việc khởi nghiệp thêm một lần nữa khi Sridhar nói về công nghệ cảm ứng sinh học mà cậu ấy đang phát triển", Vũ Xuân Sơn cho biết.
Lần khởi nghiệp này của Sơn và người bạn Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh rất bất lợi. AgaMatrix được thành lập vào tháng 9/2001, đúng ngày khủng bố 11/9. Chính vì thời điểm nhạy cảm, startup mới rất khó gọi vốn đầu tư do ai cũng lo ngại về sự bất ổn. Tuy nhiên, cũng nhờ đó, Sơn và Sridhar lại tuyển dụng được các kỹ sư giỏi, sẵn sàng làm việc quên mình với mức lương thấp hơn trước kia.
Và tới lần khởi nghiệp thứ 3, startup do Sridhar và Sơn đồng sáng lập với sản phẩm chính là thiết bị theo dõi lượng đường trong máu đã thành công. Sau gần 6 năm, công ty có lãi với khoảng 4 triệu sản phẩm được phân phối tại 20 quốc gia trên thế giới, doanh thu đạt gần 100 triệu USD. Năm 2011, Sơn rời AgaMatrix sau khi bán một phần công ty cho hãng dược phẩm Sanofi (Pháp) và "có một phần nho nhỏ để tiết kiệm", anh tiết lộ.
Rời AgaMatrix, Sơn tiếp tục cùng người bạn Ấn Độ lập một startup mới có tên Misfit Wearables. Trong lần khởi nghiệp này, Sơn có thêm một đồng sáng lập mới – John Sculley – cựu CEO Apple và Pepsi và một người đồng hành lâu dài trong những dự án sau này – Lê Diệp Kiều Trang, vợ của Sơn.
Trước khi cùng chồng khởi nghiệp và trở thành Giám đốc vận hành (COO) kiêm Giám đốc tài chính (CFO) của Misfit, Lê Diệp Kiều Trang làm việc 2 năm tại Công ty McKinsey. Trang cũng có một điểm chung với Vũ Xuân Sơn là tốt nghiệp Trường quản lý Sloan (thuộc Viện Công nghệ Massachusetts) nhưng là thủ khoa.
Misfit có sản phẩm đầu tiên là thiết bị thông minh theo dõi sức khỏe cá nhân có tên Shine. Đây là sản phẩm được chế tạo bằng vật liệu nhôm máy bay, với kích thước và hình dáng gần như đồng xu, có thể gắn vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể. Shine có thể kết nối với máy tính để giúp bác sĩ theo dõi, cũng như có lời khuyên kịp thời đối với người dùng.
Không giống như những startup trước đó, dưới sự vận hành của Lê Diệp Kiều Trang, Misfit dù đã có nhà đầu tư nhưng vẫn tiến hành gọi vốn cộng đồng (crowdfunding) trên Indiegogo (sau khi bị Kickstarter từ chối). Dự kiến số tiền mục tiêu là 100.000 USD nhưng Misfit huy động được tới 846.000 USD (trả tiền trước cho sản phẩm chưa ra mắt) và đưa startup này trở thành một ví dụ điển hình về thành công với crowdfunding.
Trên thực tế, crowdfunding không chỉ đem đến Misfit về nguồn vốn mà còn giúp Sơn và các cộng sự của mình dự báo được nhu cầu của thị trường cho Shine, đồng thời tạo thuận lợi cho vòng gọi vốn series A sau đó. Trong vòng gọi vốn đầu tiên, công ty này thu hút được nhiều nhà đầu tư công nghệ nổi tiếng nhất thế giới: Peter Thiel (nhà sáng lập Paypal), Vinod Khosla (nhà sáng lập Sun Microsystems), Brian Singerman (nhà sáng lập iGoogle) và quỹ đầu tư mạo hiểm Founders Fund…
Dự án này cũng đánh dấu bước ngoặt của Vũ Xuân Sơn với Việt Nam. Khởi phát dự án ở Mỹ, nhưng anh lại trở về Việt Nam để thành lập Trung tâm Nghiên cứu phát triển (R&D) và tuyển mộ các kỹ sư người Việt. Theo đó, các kỹ sư Việt Nam sẽ phát triển thuật toán về cảm ứng, thiết kế phần mềm cho sản phẩm; còn thiết kế phần cứng sẽ được thực hiện tại Mỹ. Đây là quy trình mà anh gọi là "đi ngược với thế giới" bởi "nhìn thấy tiềm năng của nguồn nhân sự trẻ tại Việt Nam".
Trong một bài trả lời phỏng vấn tại Việt Nam vào thời điểm đó, Vũ Xuân Sơn cho biết: "Đã đến lúc người Việt Nam phải tự sáng tạo, thiết kế, và sản xuất các sản phẩm công nghệ cho riêng mình vì có ngày chúng có thể làm thay đổi thế giới".
Nhóm kỹ sư mà Vũ Xuân Sơn tuyển dụng tại Việt Nam thời đó gồm hơn 20 thành viên, với một số người từng đoạt giải Olympic Toán, Tin học quốc tế hoặc tốt nghiệp lớp cử nhân tài năng của Đại học Khoa học tự nhiên… Họ trở thành nhân tố quan trọng cho sự thành công của Misfit sau đó. Sau khi đạt được những thành công không nhỏ về thương mại với sản phẩm Misfit Shine, công ty này được Tập đoàn Fossil (Mỹ) mua lại với trị giá khoảng 260 triệu USD.
Anh cho biết: "Thành công của Misfit với những kỹ sư Việt Nam cho thấy tiềm năng rất lớn của những kỹ sư công nghệ trong nước. Họ thực sự có thể làm được nhiều điều khó tin chứ không chỉ các kỹ sư ở Silicon Valley".
Sau khi bán Misfit, Sơn và vợ tiếp tục làm cho Tập đoàn Fossil 2 năm. Trong thời gian đó, 2 vợ chồng thành lập một quỹ đầu tư chuyên tìm kiếm các startup tập trung vào công nghệ có tính nền tảng (deep tech) có tên Alabaster. Giải thích về cái tên này, Lê Diệp Kiều Trang – đồng sáng lập của quỹ cho biết: Trong Kinh Thánh có tích: một người phụ nữ rất nghèo có cái bình đất sét (Alabaster) nhìn bên ngoài trông xù xì nhưng bên trong chứa thứ nước hoa rất quý. Khi gặp Chúa, bà đập vỡ cái bình để lấy nước hoa rửa chân cho Chúa.
"Mình và anh Sơn được truyền cảm hứng rất lớn từ câu chuyện đó. Việc đi tìm cơ hội đầu tư vào các startup công nghệ cũng giống như vậy nên vợ chồng mình quyết định đặt tên cho quỹ là Alabaster", Trang tiết lộ.
Không giống như các quỹ đầu tư mạo hiểm khác, Alabaster là một "cuộc chơi" để thoả mãn niềm đam mê công nghệ của Sơn và vợ mình nhiều hơn là tìm kiếm lợi nhuận. Cũng vì thế, ngoài việc tìm kiếm cơ hội ở nhiều startup công nghệ trên khắp thế giới, Sơn và vợ trực tiếp tham gia điều hành một số startup để có thể tận dụng các kinh nghiệm, kỹ năng cũng như mạng lưới quan hệ được tích luỹ trong nhiều năm và giúp cho các công ty này cất cánh.
Perfect Day – một công ty trong lĩnh vực công nghệ sinh học "có thể làm ra thịt, sữa mà không cần con bò", được Alabaster đầu tư từ giai đoạn đầu tiên (năm 2015) và Vũ Xuân Sơn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. "Thời điểm đó, tôi nghĩ mình cũng hơi điên điên khi đầu tư vì công nghệ này chưa phổ biến", Sơn cho biết. Thế nhưng, Sơn cùng với những nhà sáng lập chuyên sâu về biotech đã giúp công ty này tăng trưởng rất mạnh. Trong lần gọi vốn series C (năm 2019), Perfect Day thu hút thêm 300 triệu USD.
Trong khi đó, năm 2019, Lê Diệp Kiều Trang quyết định "chấm dứt đời làm thuê" khi rời vị trí CEO GoViet (hiện đổi tên thành Gojek) tại Việt Nam và tập trung cho Alabaster. Cùng thời điểm, Trang trở thành Chủ tịch HĐQT của Harrison.ai – một startup về trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế do 2 sinh viên tài năng người Việt ở Úc thành lập. Hơi giống với Misfit khi xưa, Harrison.ai cũng thành lập chi nhánh ở Việt Nam và tuyển dụng nhiều bác sĩ trong nước.
Chia sẻ với Trí thức trẻ, Trần Đặng Minh Trí – đồng sáng lập Harrison.ai (cùng em trai là Trần Đặng Đình Áng) nói: "Ngày trước mình có nghe anh Sơn và chị Trang (vợ chồng Lê Diệp Kiều Trang và Vũ Xuân Sơn) nói: ‘Việt Nam sẽ không chỉ sử dụng công nghệ của nước khác hay làm thuê cho nước khác mà có thể phát triển công nghệ của riêng mình’. Đó là giấc mơ của anh Sơn và chị Trang khi làm Misfit và giờ cũng là giấc mơ của anh em mình".
Thực tế, số vốn mà Alabaster đầu tư vào Harrison.ai không phải nhân tố quan trọng nhất mà là sự tham gia trực tiếp của 2 vợ chồng Sơn – Trang. Đến nay, Harrison.ai đã gọi được 20 triệu USD vốn đầu tư từ chuỗi bệnh viện Ramsay Health Care lớn thứ ba toàn cầu và nhiều quỹ mạo hiểm danh tiếng của thế giới như Blackbird Ventures và Skip Capital của Úc, Horizons Ventures của Hong Kong …
Kể từ khi thành lập, Alabaster đã đầu tư vào 35 startup công nghệ ở nhiều nước trên thế giới và có vài công ty đạt được thành công lớn. Ngoài Perfect Day, một công ty có phát triển đột biến trong dịch Covid-19 là Neteera – startup tạo ra công nghệ có thể phát hiện người mắc Covid-19 từ xa mà không cần que thử nước bọt hay lấy máu. Neteera do Issac Litman làm founder kiêm CEO. Doanh nhân này trước đây là nhà sáng lập kiêm CEO của Mobileye - một trong những startup công nghệ thành công nhất trong lịch sử của Israel.
Mặc dù thành công với Alabaster khi đầu tư vào những startup công nghệ deep tech nhưng Vũ Xuân Sơn chia sẻ "thích tự làm hơn vì đầu tư không tạo ra ảnh hưởng trực tiếp nhiều như khi mình làm".
Anh cho biết: "Kiếm tiền không phải là mục đích chính của mình. Tiền giờ cũng đủ rồi mà mình sống cũng đơn giản và ở Việt Nam đâu có tốn nhiều tiền. Mục đích chính bây giờ là làm gì mà mình có thể học cái gì đó mới, có thể đóng góp cái gì quan trọng cho xã hội. Điều đó là có nghĩa nhất".
Arevo – một startup công nghệ in 3D bằng sợi carbon tại Mỹ là thử thách mới của vợ chồng Sơn – Trang. Khi tìm hiểu kỹ về công ty này và quyết định đầu tư, Sơn được 2 nhà sáng lập (Hemant Bheda - hiện giữ ghế Chủ tịch và Wiener Mondesir - Giám đốc công nghệ) đề nghị trở thành CEO của Arevo để đưa công ty này phát triển ở một tầng cao mới và anh nhận lời.
Vũ Xuân Sơn cho biết: "Khi tìm hiểu sâu về Arevo, tôi thấy họ sở hữu công nghệ rất mới và thị trường cho nó cũng có tiềm năng phát triển lớn nên đồng ý tham gia". Trước khi trở thành CEO, anh là cố vấn cho 2 nhà sáng lập, đồng thời là một nhà đầu tư của Arevo.
Năm 2020, vào giữa lúc đại dịch Covid-19 đang bùng phát rất mạnh, Vũ Xuân Sơn cùng vợ vẫn quyết định giới thiệu sản phẩm đầu tiên của Arevo –Superstrata, chiếc xe đạp bằng công nghệ in 3D, có khung bằng sợi carbon nguyên khối đầu tiên trên thế giới. Giới thiệu Superstrata với hình thức gọi vốn crowdfunding trên Indiegogo, Arevo đã thu về hơn 7 triệu USD qua việc bán trước hơn 3.000 chiếc và trở thành một hiện tượng kiểu "Tesla của ngành xe đạp".
Việc đạt được kỷ lục với crowdfunding ngay trong đại dịch Covid-19 giúp Sơn tiến hành một kế hoạch tham vọng khác: đưa nhà máy sản xuất in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới về Việt Nam. Tháng 8/2020, 2 vợ chồng Sơn – Trang từ Mỹ về Việt Nam và thực hiện làm các thủ tục xin phép mở nhà máy tại TP.HCM từ khu cách ly.
Cuối tháng 1/2021, Lê Diệp Kiều Trang thay mặt Arevo nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy in 3D bằng sợi carbon lớn nhất thế giới tại Việt Nam. Chia sẻ với Trí thức trẻ trước đó, Vũ Xuân Sơn cho biết: "Trên thế giới cũng chưa từng có máy in sợi carbon 3D lớn và nhiều máy như vậy nên nhà máy của mình đương nhiên là lớn nhất thế giới rồi (cười)".
Tại khu công nghệ cao TPHCM (SHTP), Arevo dự kiến lắp đặt hơn 100 máy in 3D sợi carbon thế hệ mới (vật liệu dùng để sản xuất máy bay) và đã in khung xe đạp Superstrata tại Việt Nam. Theo dự kiến, startup này sẽ cho ra mắt sản phẩm thứ 2 vào tháng 3/2021.
Nếu như với Misfit, Sơn và Trang chỉ tuyển các kỹ sư phần mềm tại Việt Nam còn trụ sở chính vẫn ở Silicon Valley thì với Arevo, cặp vợ chồng nổi tiếng này đã đưa cả nhà máy với công nghệ in 3D hiện đại nhất thế giới về quê hương. Chia sẻ về quyết định này, Sơn cho biết: "Việt Nam có lẽ là một trong những quốc gia có cơ hội lớn nhất thế giới, vì mình là quốc gia kiểm soát được dịch Covid-19 tốt nhất và đã hoạt động bình thường trong khi nhiều quốc gia khác vẫn phải đóng cửa".
CEO Arevo tiết lộ thêm một thuận lợi khi về Việt Nam, công ty có thể tăng quy mô sản xuất nhanh chóng nhờ việc xây dựng nhà máy sẽ rất thuận lợi. "Ở Việt Nam, mình có thể thuê người làm 24/7 được, chứ ở Mỹ giờ đâu thể làm thế. Thậm chí, trong điều kiện bình thường không có dịch bệnh thì cũng khó làm như vậy được".
Trong khi đó, bình luận về việc Vũ Xuân Sơn và vợ về Việt Nam xây dựng nhà máy, tuyển dụng nhiều nhân sự, Giáo sư Vũ Ngọc Tâm (Đại học Oxford - Anh và Colorado Boulder - Mỹ) nói: "Anh Sơn là một người Việt Nam có tinh thần dân tộc rất cao. Trong lĩnh vực deep tech, anh ấy muốn làm cái gì đó khác biệt, và mang dấu ấn của người Việt".
Vũ Ngọc Tâm là founder của Earable – một startup ở Mỹ, mới nhận được đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm nổi tiếng thế giới - Founder Funds và tài trợ từ Google, quỹ Sloan và Vingroup… Về Việt Nam, Tâm là hàng xóm của vợ chồng Sơn – Trang.
Rời Việt Nam khi mới 5 tuổi và khi đến 14 tuổi Vũ Xuân Sơn quên gần như hoàn toàn tiếng mẹ đẻ. Không muốn mình là một người mất gốc, Sơn tự học đọc, viết tiếng Việt. Năm 24 tuổi, khi lần đầu tiên trở về nước tham gia một khóa học về ngôn ngữ tại Hà Nội, anh tìm được thêm sự gắn bó với quê hương. Sau đó khoảng 2 năm, anh về Huế sống 3 tháng để tìm hiểu sâu hơn về nơi mình sinh ra.
Cũng kể từ đó, anh trở về Việt Nam hằng năm và gặp người sau đó trở thành bạn đời của mình – Lê Diệp Kiều Trang. Vũ Xuân Sơn kể về mối duyên với vợ mình: "Hôm đó, mình được người bạn giới thiệu gặp Trang ở một hội thảo nhưng Trang từ chối vì có kế hoạch đi chơi với bạn. May thế nào mà hôm đó người bạn lại có việc khác nên Trang không có việc gì nên lại đến và tới trễ. Lúc đó, chỗ trống chỉ còn mỗi một ghế lại ở kế chỗ mình nên Trang ngồi cạnh. Mình nhìn thấy Trang cười rất tươi thì thích quá nên mời đi uống cà phê luôn… Rất đơn giản (cười lớn)".
Kể từ khi có vợ, Sơn có thêm người đồng hành trong những startup công nghệ quan trọng mà anh tham gia. Trong khi Vũ Xuân Sơn mạnh về công nghệ, gọi vốn, bán hàng và marketing, thì Lê Diệp Kiều Trang hỗ trợ chồng trong việc vận hành, tài chính, tuyển dụng… và trở thành "cặp đôi hoàn hảo" người Việt ở Silicon Valley.
Trở về Việt Nam với vai trò CEO Facebook Vietnam hay CEO GoViet, Lê Diệp Kiều Trang luôn được chồng tháp tùng ở những sự kiện quan trọng. Xuất hiện lặng lẽ bên người vợ hotgirl, thỉnh thoảng có người nói đùa về Sơn: "Anh này rảnh không việc gì làm nên đến sự kiện làm ‘bảo mẫu’ cho vợ". Còn Sơn thì chia sẻ: "Hai vợ chồng đi chung với nhau vui mà, được làm chung nữa thì còn vui hơn dù vợ chồng làm chung thì cũng có lúc gây lộn (cười). Mà không gây lộn thì không phải vợ chồng đúng không (cười lớn)".
Chia sẻ về lý do chuyển về Việt Nam, Vũ Xuân Sơn cho biết: "Lý do chính là muốn con mình lớn lên ở Việt Nam, nói tiếng Việt tốt cứ không ấm ớ như bố. Nếu ở Mỹ chắc chắn hai đứa không nói tiếng Việt giống như tiếng mẹ đẻ được. Hai đứa nhỏ nên ở Việt Nam 5-10 năm để có nền tảng vững chắc về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, rồi sau đó đi đâu học cũng được. Chứ ở Mỹ là sẽ mất luôn những thứ đó".
Đưa vợ và 2 con, cùng cả nhà máy của Arevo về Việt Nam, điều khiến Vũ Xuân Sơn thích nhất là "được gặp và làm việc với rất nhiều người giỏi" và "ở ngành gì cũng có thể gặp người giỏi được mà chỉ cần 1-2 cuộc điện thoại". Sơn rất thích học Toán và có cơ hội gặp GS Ngô Bảo Châu. Anh khoe: "Mình được gặp anh Ngô Bảo Châu rồi, nói chuyện với anh ấy rất thích. Anh ấy là hero (người hùng) của mình luôn (cười)… Rất là thích. Ở Mỹ không được như vậy đâu".