Chuyện hậu trường chưa kể sau 10 năm lên sàn của FPT

Quang Huy |

Ngày 13/12/2006, FPT lên sàn chứng khoán. Ngày hôm ấy, chỉ 10 trong số 11 người thuộc hội đồng quản trị của công ty này có mặt.

Chính thức tham gia giao dịch tại trung tâm Giao Dịch Chứng Khoán TP.HCM (HSTC) vào những ngày cuối năm 2006, FPT không chỉ tạo ra tiền lệ là công ty CNTT - viễn thông đầu tiên của Việt Nam niêm yết, mà còn đánh dấu những cái tên được nhận danh hiệu triệu phú USD đầu tiên trên sàn chứng khoán.

Giống như mọi thời điểm đặc biệt nhất của FPT, ngày giào dịch đầu tiên được lựa chọn là ngày 13, với nhiều kỳ vọng về một tập đoàn lớn mạnh hàng đầu trên sàn chứng khoán trong nước, tạo cơ sở để niêm yết tại những thị trường lớn như Hong Kong và Singapore hai năm sau đó.

Thị trường ngày đó hồ hởi chào đón cổ phiếu mới, các nhà đầu tư đã và dự định đổ tiền vào FPT cũng vui mừng không kém nhờ kết quả lên sàn cực tốt của cổ phiếu này trong những phiên đầu tiên. FPT khi ấy kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 13/12/2006 với mức giá cao thứ nhì thị trường, 400.000 đồng/cổ phiếu.

Nhưng niềm vui đó không hẳn được san sẻ với tất cả mọi người. Mới đây, trong bài viết nhân ngày 10 năm FPT lên sàn, Chủ tịch FPT Software bất ngờ tiết lộ ông là người duy nhất trong hội đồng quản trị của FPT không có mặt trong ngày từng được coi là "rất quan trọng" của tập đoàn này.

"Hôm đó trong số 11 thành viên Hội đồng quản trị, chỉ có tôi vắng mặt. Cũng ở Sài Gòn, nhưng tôi đã quyết định không đến, vì sao thì chẳng hiểu, nhưng thực tâm tôi không thích", ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ trên trang cá nhân. Ông Tiến khi ấy nắm giữ vị trí Tổng giám đốc Công ty TNHH phân phối FPT.

Khác với những đánh giá màu hồng vào năm 2006, FPT giờ đây không còn giữ được sức hút trên sàn chứng khoán. Giá chỉ bằng 1/10 so với thời mới lên sàn, những khoản đầu tư kém hiệu quả, bị đối thủ trên cùng thị trường bỏ xa, suốt 10 năm vẫn chỉ là doanh nghiệp triệu đô thay vì tỷ đô là hình dung rõ ràng nhất về FPT bây giờ.

Dự báo về "đích đến tiếp theo của FPT sẽ là sàn giao dịch chứng khoán tại Hong Kong và Singapore vào năm 2008" của ông Trương Gia Bình, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc FPT khi ấy không trở thành hiện thực. Từ người nắm giữ vị trí giàu nhất sàn chứng khoán, ông chỉ còn xếp hạng thứ 18 sau 10 năm nắm giữ cổ phiếu FPT.

Điều đặc biệt là người không xuất hiện trong "ngày rất quan trọng" của FPT khi đó giờ đây là đầu tàu cho mục tiêu lớn nhất của FPT: M&A và đạt 1 tỷ USD doanh thu từ nước ngoài. Ông Tiến hiện sở hữu hơn nửa triệu cổ phiếu FPT - số cổ phần không thay đổi từ năm 2011 đến nay.

"Ngoài sàn giá vẫn vật vờ

Tụt 3 lên 1 vẫn chờ cơ may

Một năm tính kể từ ngày

Chào sàn hoành tráng đã bay nửa tiền

Thôi thì muôn sự tại thiên

Cho tiền thì mới có tiền thế thôi

Cho hay muôn sự tại giời

Dăm câu ba chữ thay lời thở than"

(Trích bài thơ "Chứng khoán ca" được một nhân viên của FPT viết nhân dịp tròn 1 năm cổ phiếu này lên sàn- tác giả Rapat Trịnh)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại