Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - "Thiên thần" đã xuất hiện?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Xe tăng có ưu thế của mình về hỏa lực, sức cơ động và khả năng phòng vệ nên thường được coi là lực lượng đột kích quan trọng của lực quân nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đối với Liên Xô trước đây, nước Nga hiện tại và một số nước khác thì vai trò của xe tăng còn được đánh giá cao hơn. Ở các quốc gia này, xe tăng được coi là lực lượng đột kích chủ yếu của lục quân.

Tuy nhiên, chiếc huy chương nào cũng có mặt trái của nó. Xe tăng cũng vậy, ngoài những ưu thế mà ai cũng thấy thì ở nó cũng tồn tại những khuyết nhược điểm mà không phải ai cũng biết.

Những "tử huyệt" chết người của xe tăng

Mặc dù liên tục được nghiên cứu, cải tiến, hiện đại hóa, song các xe tăng hiện đại cũng vẫn tồn tại một số khuyết nhược điểm mang tính cố hữu. Đó là:

Khả năng quan sát của các thành viên hết sức hạn chế. Để đảm bảo khả năng phòng hộ, mỗi thành viên kíp xe trên xe tăng chỉ được bố trí một số lượng tối thiểu các khí tài quan sát. Bản thân các khí tài đó (thường là tiềm vọng) lại bị hạn chế về góc nhìn cả về hướng và về cao - thấp.

Vì vậy đã ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng quan sát, phát hiện mục tiêu - đặc biệt là các mục tiêu ở hai bên cạnh và ở trên cao.

Chẳng hạn, các thành viên kíp xe đỗ trước cửa nhà nếu chỉ dùng khí tài quan sát sẽ không thể nhìn thấy trên ban công tầng hai của căn nhà đó có gì!

"Khoảng chết" của vũ khí trên xe tăng nhìn chung khá lớn. Do kết cấu, lắp ghép của pháo súng với tháp pháo và thân xe nên góc tầm của pháo xe tăng thường chỉ dao động trong khoảng -5 tới 6 độ đến +18 tới 20 độ. Vì vậy, nó không thể tiêu diệt được những mục tiêu ở quá gần, quá thấp hoặc quá cao.

Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 1.

Xe tăng T-90 do Nga chế tạo chiến đấu ở Syria.

Khoảng cách tính từ tâm xe đến mục tiêu gần nhất mà pháo, súng chính trên xe không thể bắn được gọi là "khoảng chết". Đối với các dòng xe tăng của Liên Xô cũ và của Nga khoảng chết này vào khoảng 70 mét. Còn các loại xe tăng của phương Tây thường ngắn hơn chút ít.

Như vậy, nếu đối phương đã lọt vào "khoảng chết" này thì các vũ khí chính của xe tăng sẽ bất lực. Muốn diệt được nó, thành viên kíp xe phải mở cửa chui ra ngoài và dùng vũ khí cá nhân (súng tiểu liên, súng ngắn, lựu đạn...) để tiêu diệt. Tuy nhiên, việc đó rất nguy hiểm mà hiệu suất không phải lúc nào cũng cao.

Do xác định là lực lượng đột kích với đối phương chủ yếu ở phía trước nên thông thường xe tăng chỉ tăng cường phòng hộ cho phía trước là chính.

Cụ thể: vỏ giáp ở đầu xe cũng như phần trước tháp pháo thường được chế tạo dày hơn, còn hai bên sườn xe và nóc xe thường mỏng hơn. Khi có giáp phản ứng nổ thì thường cũng ưu tiên cho khu vực đầu xe trước tiên. Vì vậy, khi bị tấn công vào sườn và nóc xe khả năng bị tiêu diệt là rất lớn.

Ngoài ra, trọng lượng lớn, khả năng xoay trở chậm, dễ bị sa lầy nơi đất yếu cũng là một nhược điểm cố hữu của xe tăng.

Những khuyết nhược điểm này là cố hữu, gây ra rất nhiều khó khăn cho tác chiến xe tăng nên được gọi là những "tử huyệt" của xe tăng. Chúng càng trở nên đặc biệt càng nặng nề khi xe tăng tác chiến trong đô thị. Với đặc điểm có nhiều khối kiến trúc cao tầng, lại có nhiều ngõ ngách... là vị trí thuận tiện bố trí các tổ diệt tăng cơ động.

Từ các vị trí này, các tổ diệt tăng dễ dàng tiến công vào sườn, vào nóc xe tăng. Kết quả chiến đấu cùng tổn thất trang bị nặng nề tại các trận đánh Bình Long (1972), Grozny trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất (1996) là những minh chứng cụ thể cho những điểm yếu này.

Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 2.

Xe tăng Nga trong cuộc chiến ở Chechnya năm 1996.

Những giải pháp che chắn "tử huyệt" của xe tăng

Những "tử huyệt" của xe tăng không phải đến gần đây người ta mới nhận thấy và người ta cũng đã có nhiều giải pháp nhằm che chắn chúng.

Giải pháp đầu tiên là duy trì chặt chẽ quan hệ hiệp đồng chiến đấu giữa bộ binh với xe tăng. Xe tăng dẫn dắt bộ binh xung phong, còn bộ binh thì tháp tùng, bảo vệ xe tăng, đặc biệt là tiêu diệt, loại trừ các tổ diệt tăng ẩn nấp ở những vị trí mà thành viên xe tăng không quan sát, phát hiện được.

Tuy nhiên, giải pháp này thực sự không mấy thành công. Trong điều kiện bom pháo dày đặc, mật độ cao... các chiến sĩ bộ binh tháp tùng xe tăng không được che chắn, bảo vệ nên thường bị thương vong rất lớn và không thể hoàn thành nhiệm vụ tùng thiết xe tăng. Trận Bình Long (1972) là một ví dụ cụ thể cho tình huống này.

Khắc phục tình trạng này, nhằm che chắn cho bộ binh người ta đã cho ra đời các loại xe chiến đấu bộ binh (BMP trong tiếng Nga hay IFV trong tiếng Anh).

Với vỏ giáp của xe, bộ binh đã được bảo vệ tốt hơn, tỷ lệ thương vong giảm xuống song giải pháp này cũng có những hạn chế nhất định bởi đôi khi chính các xe chiến đấu bộ binh lại trở thành miếng mồi ngon cho các tổ diệt tăng cơ động trong các ngõ ngách của thành phố.

Và trận chiến Grozny trong cuộc chiến Chechnya lần thứ nhất là một ví dụ.

Thực tế đó đòi hỏi phải có một giải pháp khác mang tính đột phá nhằm hỗ trợ, bảo vệ lực lượng xe tăng. Và đó là cơ sở của sự ra đời của xe chiến đấu hỗ trợ tăng - BMPT "Kẻ hủy diệt - Terminator".

Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 3.

Kẻ hủy diệt - Terminator ở Syria.

"Kẻ hủy diệt- Terminator" phải chăng đã là giải pháp hữu hiệu che chắn tử huyệt xe tăng?

Trên cơ sở phân tích những điểm mạnh yếu của xe tăng và thực tế chiến đấu của xe tăng trên chiến trường người ta đã nghĩ đến một loại phương tiện chiến đấu mới với các yêu cầu:

- Có khả năng phòng hộ tiên tiến tương đương với các xe tăng cùng thời;

- Trang bị vũ khí đa dạng có thể diệt được nhiều loại mục tiêu cùng một lúc - trong đó có cả những mục tiêu ở sau vật che khuất, khả năng quan sát rộng hơn, vũ khí linh hoạt hơn và gần như không còn "khoảng chết".

Loại phương tiện đó sẽ tham gia tác chiến trong đội hình xe tăng, có nhiệm vụ bảo vệ xe tăng trước các mối đe dọa từ gần đến xa, đồng thời hỗ trợ xe tăng hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu của trận đánh.

Loại phương tiện này được đặt tên là BMPT (viết tắt từ nguyên bản tiếng Nga: Боевая машина поддержки танков), dịch ra tiếng Việt là "Xe chiến đấu hỗ trợ tăng". Mẫu BMPT đầu tiên do Uralvagonzavod phát triển đã ra đời và được đặt tên là: "Terminato - Kẻ hủy diệt".

"Kẻ hủy diệt" được phát triển trên khung gầm xe tăng T-72 cùng hệ thống phòng hộ tiên tiến thậm chí còn hơn hẳn các loại xe tăng chiến đấu chủ lực. Vũ khí chính trên xe bao gồm: pháo nòng đôi 30mm 2A42, cơ số đạn 850 viên với nhiều loại đạn khác nhau, 4 ống phóng tên lửa 9M120 Ataka-T có thể diệt tăng và máy bay trực thăng ở khoảng cách đến 6.000 mét.

Bên cạnh đó xe còn được trang bị: một súng máy 7,62mm PKTM với 2000 viên đạn, 2 súng phóng lựu 30mm AG-17D với 600 viên đạn cho phép bắn cầu vồng vào những mục tiêu ở sau vật che khuất.

Chuyên gia VN: Những tử huyệt chết người của xe tăng - Thiên thần đã xuất hiện? - Ảnh 4.

Khi tác chiến trong đô thị, BMPT sẽ được sử dụng theo tỷ lệ 2 trên 1, tức là cứ 2 chiếc BMPT sẽ hỗ trợ và bảo vệ 1 chiếc xe tăng chủ lực. Còn khi tác chiến ở khu vực ngoài đô thị thì cứ 1 chiếc BMPT bảo vệ 2 chiếc xe tăng.

Với sự hỗ trợ như vậy, xe tăng sẽ giảm được các nguy cơ bị tiêu diệt và có thể tập trung cao độ hơn vào các mục tiêu chủ yếu và xe tăng đối phương. Xe được bảo vệ nhờ giáp chủ động và thụ động.

Với kỳ vọng như vậy, những chiếc BMPT đầu tiên đã được sản xuất năm 2002 và đưa vào trang bị cho lục quân Nga từ năm 2005.

Tuy nhiên, từ khi đưa vào trang bị đến nay, "Kẻ hủy diệt" vẫn chưa có cơ hội thật sự để kiểm nghiệm trong thực tế chiến đấu và do vậy chưa đủ cơ sở để kết luận nó có đáp ứng được những kỳ vọng mà người ta đã đặt vào nó hay không.

Trong điều kiện đó, chiến trường Syria là địa điểm lý tưởng để "Terminator - Kẻ hủy diệt" thể hiện chính mình. Và đó chính là lý do mà Nga đưa nó đến Syria.

Sức mạnh vượt trội của "Kẻ hủy diệt" BMPT

Cho đến nay, chưa có nhiều thông tin chi tiết về kết quả tham chiến của "Kẻ hủy diệt" nhưng với những gì nó đã trải nghiệm cũng sẽ giúp người Nga từng bước hoàn thiện loại phương tiện chiến đấu mới này như tuyên bố của ông Andrey Terlikov - Tổng Giám đốc kiêm nhà thiết kế chính của Uralvagonzavod - nơi sinh ra nó:

"BMPT đã được thử thách trong điều kiện chiến sự ở Syria, và chúng tôi đã ghi nhận được những kết quả quan trọng. Điều này rất hữu ích để giúp chúng tôi hoàn thiện khả năng chiến đấu của BMPT Terminator cũng như các phương tiện chiến đấu khác trong tương lai".

Trang bị vũ khí gồm: 1 pháo nòng kép 2A42 cỡ 30 mm với cơ số đạn 850 viên; 2 súng phóng lựu AG-17D 30 mm với cơ số đạn 600 viên; 4 ống phóng tên lửa chống tăng 9M120-1 Ataka-T; 1 súng máy đồng trục 7,62mm PKTM với cơ số đạn 2.000 viên; 2x5 ống phóng lựu khói 81mm. Ngoài ra còn có các vũ khí phụ bổ sung khác.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại