Căng thẳng biên giới Trung - Ấn leo thang
Căng thẳng song phương giữa Trung Quốc và Ấn Độ liên quan tới tranh chấp biên giới đã bị đẩy lên một nấc thang mới vào hôm thứ Hai (7/8) vừa qua khi các lực lượng vũ trang của cả hai nước cáo buộc lẫn nhau về hành động nổ súng cảnh cáo.
Trong thông báo đưa ra ngày 8/9, phát ngôn viên Quân đội Trung Quốc (PLA) đã cáo buộc các lực lượng Ấn Độ đã vượt qua Đường Kiểm soát Thực tế (LAC) một cách bất hợp và bắn cảnh cáo binh sĩ PLA.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng tuyên bố binh lính Trung Quốc đã áp sát lực lượng Ấn Độ đóng quân ở LAC, đồng thời nhấn mạnh chính binh sĩ PLA mới là bên nổ súng chỉ thiên cảnh cáo nhằm đe dọa quân nhân Ấn Độ.
Vụ việc hôm thứ Hai là sự kiện nổ súng đầu tiên giữa hai nước liên quan tới tranh chấp lãnh thổ kể từ năm 1975, thời điểm 4 binh lính Ấn Độ đã tử vong trong quá trình tuần tra ở khu vực biên giới.
Bất chấp việc giới chức ngoại giao và quân sự cấp cao của hai quốc gia đang tiến hành đàm phán ở Moscow, những tháng gần đây quân đội hai nước vẫn huy động lực lượng lên biên giới sẵn sàng chuẩn bị cho các cuộc xung đột có thể xảy ra.
Căng thẳng biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã bị đẩy lên một nấc thang mới. Ảnh: AP
Trung Quốc sẵn sàng sử dụng cả vũ khí hạt nhân?
Một số nhà phân tích chính trị nhận định rằng, trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng các hoạt động đối đầu quân sự liên quan tới vấn đề Biển Đông và Đài Loan, Ấn Độ muốn thể hiện lập trường quyết đoán hơn trong giải quyết tranh chấp biên giới với Trung Quốc vì New Delhi hy vọng Bắc Kinh có thể nhượng bộ để tránh xảy ra đối đầu quân sự trên nhiều mặt trận cùng một lúc.
Tuy nhiên, giới chuyên gia Trung Quốc lại lập luận rằng: Lịch sử đã chứng minh các nhà cầm quyền Trung Quốc thường không né tránh các cuộc xung đột quân sự trên nhiều mặt trận khác nhau vì họ cần phải xây dựng một hình ảnh mạnh mẽ với người dân trong nước để bảo vệ tính hợp pháp về quyền cai trị của họ.
"Đây là một phần truyền thống văn hóa của Trung Quốc. Bất kể là dưới triều đại nhà Minh, nhà Thanh hay dưới thời kỳ Quốc dân Đảng, các nhà cầm quyền Trung Quốc không bao giờ sợ phải tham chiến trên các mặt trận khác nhau chống lại lực lượng nổi dậy ở trong nước và kẻ thù ở nước ngoài cùng một lúc”, Ni Lexiong, một chuyên gia quân sự tại Đại học Chính trị và Luật pháp tại Thượng Hải chia sẻ trên tờ Sputnik.
Lính Ấn Độ trên xe di chuyển tới cao tốc Srinagar- Ladakh tại Gagangeer, phía Đông Bắc Srinagar, ở phần lãnh thổ Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Ảnh: AP
Ông Ni Lexiong cho rằng, những thách thức trong nước như các cuộc biểu tình liên tiếp ở Hồng Kông sẽ buộc các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày nay phải thể hiện một hình ảnh mạnh mẽ khi đối mặt với những kẻ thù nước ngoài như Ấn Độ.
“Khi phải đối mặt với những bất ổn trong nước, các nhà cầm quyền Trung Quốc luôn cần chứng minh quyền cai trị hợp pháp của mình. Đó là lý do tại sao khi đối mặt với kẻ thù nước ngoài, họ sẽ phải có lập trường kiên định và phải chứng minh rằng họ là người bảo vệ hợp pháp của đất nước”.
“Đó là lý do tại sao họ không thể thỏa hiệp khi đối mặt với một kẻ thù nước ngoài như Ấn Độ. Đó là cách họ có thể duy trì vai trò lãnh đạo trong nước của mình”, chuyên gia Ni Lexiong nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Ni còn khẳng định những kinh nghiệm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi còn là một thiếu niên cũng có thể khiến ông sẽ trở nên cứng rắn với Ấn Độ.
“Tôi tin rằng ông Tập sẽ chọn lập trường cứng rắn. Tôi nghĩ đây là một phần tính cách của ông ấy…”.
Vị chuyên gia này thậm chí còn cho rằng Trung Quốc có thể tiến xa tới mức triển khai cả vũ khí hạt nhân nếu xảy ra xung đột quân sự với Ấn Độ với lý do bảo vệ chủ quyền là mục đích chủ chốt trong sức mạnh răn đe hạt nhân của một quốc gia.
“Tôi tin rằng Trung Quốc thậm chí có thể sử dụng cả bom hạt nhân. Đó là bởi vì bạo lực luôn có xu hướng leo thang. Tại sao Trung Quốc lại giữ bom hạt nhân trong tay khi phải nhường một phần lớn lãnh thổ của mình cho Ấn Độ?”, ông Ni Lexiong lập luận. “..Vũ khí hạt nhân là một lựa chọn khi phải bảo vệ chủ quyền của một quốc gia”.
Tuy vậy, chuyên gia Ni Lexiong cũng đưa ra quan điểm, cả Trung Quốc và Ấn Độ nên đặt ra tất cả các lựa chọn quân sự trong các cuộc đàm phán song phương vì điều này có thể giúp đạt được một thỏa hiệp giữa hai bên nhằm tránh các cuộc đụng độ quân sự thảm khốc.
Ấn Độ phóng thành công Phương tiện Thử nghiệm Công nghệ Siêu vượt âm (HSTDV)