Sự thống trị của NATO ở Biển Baltic, bao quanh các căn cứ hải quân của Nga ở vùng Kaliningrad và ở thành phố St. Petersburg, sẽ được tăng cường nếu Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng, việc NATO mở rộng sẽ trở thành thách thức quân sự đối với các lực lượng Nga ở Baltic. Việc kết nạp Thụy Điển vào NATO trong tương lai sẽ ngày càng cô lập Kaliningrad và thậm chí theo một số nhà quan sát, điều này sẽ biến Biển Baltic thành “hồ của NATO”.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trong một cuộc họp báo tại Stockholm. Ảnh: Reuters
Phần Lan đã gia nhập NATO vào tháng 4/2023, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự. Trong khi đó, Thụy Điển, nước láng giềng của Phần Lan, vẫn mắc kẹt trên con đường gia nhập NATO.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó đã lên tiếng phản đối việc cả Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, cảnh báo về “những hậu quả chính trị và quân sự nghiêm trọng”.
Mới đây nhất, ngày 10/7, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý ủng hộ đơn gia nhập của Thụy Điển và chuyển đề xuất này tới các nhà lập pháp Ankara để phê chuẩn. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng quyền phủ quyết để ngăn chặn Thụy Điển gia nhập NATO, do lo ngại Stockholm chưa quyết liệt trấn áp các tổ chức mà Ankara cho là “khủng bố”.
Frederik Mertens, nhà phân tích chiến lược của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, đánh giá, NATO sẽ có nhiều khả năng thống trị Biển Baltic hơn không chỉ trên biển mà còn thông qua sức mạnh không quân. “Trong lĩnh vực này, NATO đã có lợi thế áp đảo. Hạm đội Baltic của Nga sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng”.
Ông Mertens lập luận rằng đối mặt với sức mạnh không quân của NATO, được hỗ trợ bởi Thụy Điển, các tàu nổi của Nga sẽ cần phải dựa vào hệ thống phòng không trên mặt đất.
Theo Dmitry Gorenburg, một nhà khoa học nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Phân tích Hải quân, nếu Thụy Điển trở thành thành viên NATO, Stockholm sẽ được tích hợp chặt chẽ hơn vào NATO theo nhiều cách, bao gồm thông qua chia sẻ thông tin và tình báo. Ông cho rằng Nga có thể sẽ lo ngại quân đội nước ngoài, đặc biệt là binh sĩ Mỹ, có thể đặt các căn cứ của NATO ở Thụy Điển.
Chuyên gia Mertens cho biết thêm, bản thân Thụy Điển cũng đóng góp lực lượng đáng kể của riêng mình cho liên minh, đặc biệt là thông qua hạm đội tàu ngầm. “Hải quân Thụy Điển sẽ mang lại khả năng đáng kể cho chúng tôi ở Biển Baltic”, Tướng Christopher Cavoli, người đứng đầu lực lượng Quân đội Mỹ ở châu Âu, nói.
Theo ông Mertens, các nước NATO có thể sử dụng thủy lôi để bao vây các tàu của Nga và đây sẽ là vũ khí chính chống lại Moscow trong khu vực trong trường hợp xảy ra xung đột. Khả năng của Nga trong việc ngăn chặn hoặc kiểm soát cách các lực lượng NATO triển khai các nguồn lực ở Baltic dường như đang bị đe dọa nhiều hơn.