Ngay sau khi Thủ tướng quyết định phê duyệt trường Đại học Bách khoa Hà Nội trở thành Đại học Bách khoa Hà Nội, nhiều người bất ngờ và băn khoăn về thuật ngữ "đại học - trường đại học" khác nhau thế nào.
Thuật ngữ rối
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - nguyên Trưởng khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) - chia sẻ, khi lập các trường đại học đa lĩnh vực, đa ngành như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM, dùng "đại học" và "trường đại học" để phân biệt "university" với "school/college" trong tiếng Anh.
"Ý tưởng này tưởng hay, nhưng hoá ra thất sách", ông Cổn nói. Do có từ "đại học" trong đó nên không trường nào ở Việt Nam tự nhận là "college/school" mà đều ghi là "university". Vì thế, trường đại học chỉ đào tạo 1, 2 ngành cũng được gọi là "university" hoặc tên đơn ngành nhưng đào tạo đa ngành, như trường Đại học Điện lực - Electric Power University, trường Đại học Thuỷ Lợi - Thuy Loi University.
Không những vậy, các trường thành viên trong đại học vẫn được gọi là "university", chứ không phải "college" hay "school" như các nước trên thế giới. Sau đó, "university thành viên" vốn là "college/school" ấy lại đẻ ra trong lòng nó các "college/school" thành viên...
Đại học Quốc gia Hà Nội có lần quy định các trường thành viên phải dịch sang tiếng Anh bằng từ "college/school", nhưng không được ủng hộ vì ra quốc tế thì "university" mới đối đẳng, sang trọng. " Vậy là khi ra nước ngoài tôi giới thiệu với đồng nghiệp là trường tôi có nhiều university trong một university" , ông nói.
PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn cho rằng để giải quyết tình trạng trên, không nên phân biệt "đại học" và "trường đại học" theo cách hiểu của Luật Giáo dục Đại học mới, mà "đại học" chỉ là cách nói tắt của "trường đại học". Theo đó, nên gọi tên trường đại học và các đơn vị thành viên của nó theo hình thức như: (trường) đại học (university) -> college/school (học viện/trường)/faculty (ban) -> department (khoa).
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.
GS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học New South Wales (Úc), cũng bày tỏ, nhiều người thấy rối trước hai thuật ngữ trên, xuất phát từ cơ cấu tổ chức của các đại học ở Việt Nam: Nhiều trường đại học trong một đại học.
Ông thẳng thắn cho rằng, cách giải thích của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT "đại học là tổ chức đào tạo nhiều lãnh vực và có nhiều trường phụ thuộc, còn trường đại học đào tạo đa ngành thuộc một vài lãnh vực" rất khó hiểu.
Càng khó hiểu hơn khi cả đại học và trường đại học được dịch sang tiếng Anh là "university". Ví dụ, trường Đại học Quốc tế (tên tiếng Anh là International University) nhưng lại nằm trong Đại học Quốc gia TP.HCM (tên tiếng Anh là Vietnam National University Ho Chi Minh City). Khi đồng nghiệp nước ngoài hợp tác với Việt Nam, họ thường thấy lúng túng về cơ cấu tổ chức đại học trong đại học.
Ở các nước phương Tây (Mỹ, Úc, Anh, Canada), một đại học có nhiều phân khoa (Faculty hay College) và mỗi phân khoa gồm nhiều trường. Ví dụ, Đại học New South Wales có 7 phân khoa, kể cả khoa Y, Luật, Kỹ thuật, Kinh tế, Khoa học tự nhiên... Trong đó, khoa Y có 8 trường khác nhau chuyên về y học cơ bản, y học lâm sàng, y tế cơ bản, y tế công cộng...
"Tôi thấy cách tổ chức như các nước phương Tây khá đơn giản (không có đại học trong đại học). Do đó, không cần phải phân biệt giữa đại học và trường đại học", GS Tuấn nói.
Theo ông, không cần phải có chữ "trường" trước tên một đại học, chỉ "đại học" là đủ. Một lựa chọn khác là dùng "viện đại học" để thay cho chữ "đại học" nếu muốn phân biệt rạch ròi, và nếu chọn cách định danh này thì các đại học thành viên chỉ cần gọi là "phân khoa đại học".
"Tên gọi không quá quan trọng. Thương hiệu của một trường mới quan trọng. Trên thế giới, nhiều đại học rất nổi tiếng mà không có danh xưng university. Chẳng hạn Dartmouth College (Mỹ), Imperial College (Anh) hay London School of Economics, tuy không có chữ 'đại học' nhưng thực chất là những đại học hàng đầu thế giới" , GS Nguyễn Văn Tuấn bày tỏ.
Phân biệt "đại học" và "trường đại học"
TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, cho rằng, nhiều người đang nhầm tưởng "đại học" và "trường đại học" là một, nhưng thực tế đây là hai mô hình khác nhau. Đại học là tập hợp gồm nhiều trường đại học. Điều này được quy định rất rõ trong Luật Giáo dục Đại học 2018.
Cùng mục tiêu đào tạo sinh viên, học viên, hai tên gọi "đại học" và "trường đại học" nhằm phân biệt đẳng cấp của cơ sở giáo dục. Đại học được phép đào tạo đa lĩnh vực (du lịch, ngoại giao, xã hội,. kinh tế...), còn trường đại học được phép đào tạo một nhóm ngành cụ thể (nông nghiệp, lâm nghiệp, nghệ thuật, báo chí...).
"Đại học - trường đại học mang hai sứ mệnh hoàn toàn khác nhau. Dù vậy, khó có thể trách những người đang nhầm lẫn giữa hai mô hình trên", ông nói và cho biết thêm, từ năm 1993 trở về trước, Nhà nước và ngành giáo dục chưa phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quy mô của trường đại học hay đại học, mà mặc định chung khi ấy những cơ sở giáo dục đào tạo trình độ bậc đại học được gọi là trường đại học.
Sinh viên nghiên cứu khoa học. (Ảnh minh hoạ).
Trước đây, hai khái niệm dùng để phân biệt gồm viện đại học và trường đại học. Viện được định nghĩa có quy mô đào tạo lớn hơn trường. Tuy nhiên, sau này ngành giáo dục lại bỏ chữ "viện", chỉ còn nguyên từ "đại học - trường đại học".
Về sự ra đời của đại học, ông Khuyến dẫn chứng mô hình trường thực thuộc đại học xuất hiện rất lâu trên thế giới. Ở Trung Quốc, nhiều cơ sở giáo dục lớn như Đại học Bắc Kinh, Thanh Hoa, Thượng Hải... đào tạo đa lĩnh vực, trong đó gồm nhiều trường nhỏ. Hay ở Mỹ, Đại học Havard có khoảng gần 20 trường trực thuộc, đào tạo đa ngành Y dược, Luật, Văn hoá, Nghệ thuật...
"Xu hướng hình thành các đại học lớn hiện nay là tất yếu, tiệm cận với nước ngoài, đáp ứng nhu cầu đào tạo cao hơn. Trên thế giới có hai hình thức cơ bản để tạo nên đại học là các trường đơn lập liên kết lại hoặc nâng các khoa/viện thành trường để tạo thành đại học. Việc nâng từ trường lên thành đại học sẽ giải quyết được nhiều nhiệm vụ hơn là các trường đơn ngành", ông phân tích.
Về ý kiến nên đổi tên gọi "đại học" - "trường đại học" để tránh nhầm lẫn, rắc rối, ông Khuyến bày tỏ, nếu điều này là bắt buộc thì chúng ta có thể nghiên cứu thay thế từ "đại học" thành "viện" để khu biệt tên. "Tuy nhiên, việc này không quá cần thiết, không nên phức tạp hoá vấn đề ", ông Khuyến nói.
PGS.TS Mai Xuân Huy, Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học cho hay, "đại học" - "trường đại học" khi dịch ra tiếng Anh đều là "university"..., rất khó để quy định một từ mới thay thế, hiện chưa có nghiên cứu, chủ trương về việc này.
Hai mô hình "đại học - trường đại học" tưởng giống nhưng lại không phải vậy. Trên thế giới, họ cũng sử dụng như vậy nên theo ông Huy không có gì phải bàn cãi quá nhiều.
"Trước đây có thể nhầm lẫn giữa hai khái niệm này, nhưng sau khi Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung 2018, thì không thể nhầm lẫn được nữa. Đại học có nhiều trường bên trong, còn trong trường đại học thì không có", PGS Huy nói.