Chuyên gia: “Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước sẽ chặt nhóm lợi ích của các bộ

Mạnh Tuấn |

Các chuyên gia kinh tế kỳ cựu đều bày tỏ ủng hộ việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, đồng thời nhấn mạnh cần người quản lý kỹ trị hơn chính trị.

Trả lời câu hỏi của BizLIVE tại Tọa đàm Công bố Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý IV/2017 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), “tứ đại” chuyên gia kinh tế đều bày tỏ ủng hộ việc thành lập “siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước, với kỳ vọng ủy ban này sẽ chặn nhóm lợi ích của các bộ hiện đang quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thu hẹp khu vực doanh nghiệp quốc doanh.

Mở đầu phần trả lời, chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển cho rằng việc tách chức năng quản lý chính sách của các bộ ra khỏi chức năng quản lý doanh nghiệp là đúng, vì nếu để như vậy sẽ mâu thuẫn lợi ích cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế.

Ông Tuyển dẫn chứng thực tế rằng, thời gian đầu nhiệm kỳ ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công thương (2011-2016), Tổng công ty Thép Việt Nam có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh. Khi Cục Quản lý cạnh tranh chuẩn bị đi kiểm tra theo luật, thì lập tức một thứ trưởng phụ trách ngành công nghiệp thép chỉ đạo không được làm.

“Vậy khi thành lập Ủy ban này thì quản như thế nào?” ông Tuyển đặt câu hỏi. Ông cho rằng, không ai có thể quản được số lượng lớn DNNN. Do đó, việc tách ra phải đi đôi với đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, với quan điểm “những gì Nhà nước không cần thì bán hết”, qua đó số đầu mối DNNN sẽ gọn lại.

Ủy ban đó sẽ chỉ nên quản Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đầu tư vào đâu để quản chặt tiền nhà nước, và quản lý một số công ty cực kỳ quan trọng, ông Tuyển nói.

Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại cho rằng sau 1 thời gian nhất định, khi có những lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân chưa làm được hoặc chưa muốn làm, thì Ủy ban đó cần đầu tư vào những chính sách công nghiệp quan trọng.

Ông Tuyển cũng cho rằng, Việt Nam đã kém khi không thành công khi học hỏi mô hình quỹ quản lý DNNN của Singapore, vì số lượng doanh nghiệp có vốn nhà nước của Việt Nam vẫn quá nhiều. Nếu quá nhiều thì SCIC quản không nổi, thậm chí nhiều khi SCIC không muốn bán vốn thêm, bởi các DNNN có lãi thì đem lại lợi nhiều cho SCIC.

Chuyên gia: “Siêu” Ủy ban quản lý vốn Nhà nước sẽ chặt nhóm lợi ích của các bộ - Ảnh 1.

Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển và chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan. Ảnh: VEPR

Đồng tình với quan điểm của ông Tuyển, chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh rằng, thành công của Ủy ban này phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ làm việc ở đó.

“Họ phải là những nhà kỹ trị chứ không phải chính trị. Chính trị mà không có kỹ năng, không hiểu các vấn đề thị trường hay tuân thủ nguyên tắc thị trường, hoặc các nguyên tắc quản lý cơ bản thì sẽ không thể nào làm được. Sự thành công phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của chính bộ máy đó”, bà Lan nói.

Về phần mình, chuyên gia Lê Đăng Doanh cho rằng, việc thành lập và vận hành Uỷ ban gặp rất nhiều khó khăn. Ông kêu gọi báo chí ủng hộ việc thành lập Ủy ban này, bởi nó sẽ lấy đi lợi ích nhóm của các chủ sở hữu là các bộ hiện nay. Theo đó, các bộ sẽ chỉ lo việc quản lý nhà nước và thực hiện việc quản lý một cách bình đẳng.

Chuyên gia Võ Trí Thành cũng thể hiện đồng tình với việc thành lập “siêu” Ủy ban vì cơ quan này sẽ giảm thiểu xung đột lợi ích ở các bộ. “Nếu làm quyết liệt, thì sẽ đẩy nhanh được việc thu nhỏ khu vực DNNN trước khi có thể quản lý các DNNN một cách hiệu quả”.

Ông lưu ý rằng, đã sở hữu tài sản công thì muôn thuở có hai vấn đề không bao giờ giải quyết được triệt để, đó là xung đột lợi ích và rủi ro đại đức. Người đứng đầu Ủy ban Quản lý Tài sản Nhà nước của Trung Quốc vừa qua bị bắt vì tham nhũng. Dù là tổ chức nào cũng phải đáp ứng 4 nguyên tắc để quản lý: minh bạch, giám sát, năng lực, và chuyên nghiệp.

Ông Thành cũng nhắc lại, mục đích ban đầu của SCIC là thu nhỏ lại khu vực DNNN. Ông nêu quan điểm nếu được làm lại thì SCIC cần chuyên nghiệp hơn, và trực tiếp do người đứng đầu đất nước quản lý, để có thể tiến hành quyết liệt hơn, chứ không chỉ thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính như hiện nay.

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, "siêu "ủy ban" sẽ quản lý hơn 20 tập đoàn và tổng công ty nhà nước hoạt động trong các lĩnh vực từ năng lượng, giao thông vận tải cho đến nông nghiệp, lương thực, bao gồm cả SCIC. Các tập đoàn này được quản lý bởi các bộ là Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và truyền thông.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại