Chuyên gia pháp lý: Các nghệ sĩ có quyền 'tố ngược' người tố cáo

HOÀNG VÂN |

Trước thông báo của Bộ Công an về quyết định không khởi tố khởi tố vụ án hình sự liên quan việc làm từ thiện của các nghệ sĩ, cộng đồng mạng đã nảy sinh nhiều phản ứng trái chiều. Báo Đại Đoàn Kết Online đã liên hệ với luật sư để giải đáp thắc mắc về những vấn đề liên quan đến vụ việc này.

Các nghệ sĩ được minh oan sau lùm xùm "ăn chặn" tiền từ thiện.

Các nghệ sĩ được minh oan sau lùm xùm "ăn chặn" tiền từ thiện.

"Người tố giác" không bị truy tố trách nhiệm hình sự

Trước thông báo của Bộ Công an về quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cộng đồng mạng đã nảy sinh nhiều phản ứng trái chiều. Trên các diễn đàn mạng, dư luận gửi lời chúc mừng tới các nghệ sĩ được minh oan. Tuy nhiên, cũng có người tỏ ra không hài lòng.

"Chúc mừng em, kiện thôi, đừng bao giờ đôi co với họ, cứ im lặng sẽ có pháp luật giải quyết"; "Thôi, thôi mày có ăn chặn hay không thì chỉ có mày mới biết được đừng có trơ trẽn nữa"; "Chúc mừng em và các nghệ sĩ, chị luôn tin tưỡng em và các nghệ sĩ…", là những bình luận của cộng đồng mạng xoay quanh kết luận của Bộ Công an về tố cáo nghệ sĩ "ăn chặn" tiền từ thiện.

Chuyên gia pháp lý: Các nghệ sĩ có quyền tố ngược người tố cáo - Ảnh 1.

Luật sư Hà Trọng Đại, Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết Online, luật sư Hà Trọng Đại, Goám đốc Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, trên phương diện pháp luật, những người tố giác các nghệ sĩ có thể bị chế tài, bởi đã làm ảnh hưởng đến danh dự, hình ảnh của cá nhân họ.

"Tuy nhiên, xét trong vụ việc lần này, những người tố giác chưa đủ căn cứ cấu thành tội danh vu khống. Khi làm ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của người khác, họ có thể xử phạt hành chính hoặc phải công khai xin lỗi", luật sư Hà Trọng Đại nói.

Chuyên gia pháp lý: Các nghệ sĩ có quyền tố ngược người tố cáo - Ảnh 2.

Theo luật sư Hà Trọng Đại, những người tố giác khi chưa đủ căn cứ có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải công khai xin lỗi...

Luật sư Hà Trọng Đại giải thích rõ thêm rằng, người vu khống là người biết rõ những thông tin mình lan truyền là bịa đặt, nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người khác.

Như vậy, khi có hành vi vu khống người khác (nếu có) phải được cơ quan chức năng cần điều tra, xác minh xem có thuộc trường hợp cấu thành tội phạm được quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự. Trường hợp chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự có thể sẽ bị xử lý hành chính như: phạt tiền, công khai xin lỗi…

Chuyên gia pháp lý: Các nghệ sĩ có quyền tố ngược người tố cáo - Ảnh 3.

Luật sư Dương Ánh Nga, Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự - Đoàn Luật sư TP HCM.

Người tố giác làm gì để bảo vệ mình?

"Trong trường hợp, muốn tố giác người khác, để tránh tự làm hại mình, trước khi thực hiện việc tố giác, công dân cần thu thập, cung cấp thông tin đầy đủ. Để đảm bảo rằng nội dung tố giác là có căn cứ", luật sư Hà Trọng Đại thông tin.

Chia sẻ thêm với Đại Đoàn Kết Online, Luật sư Dương Ánh Nga, Công ty Luật TNHH Hà Trọng Đại và Cộng sự, Đoàn Luật sư TP HCM cho hay, việc tố giác là quyền hợp pháp của công dân, bất kì ai cũng có quyền thực hiện tố giác theo quy định của pháp luật về hành vi không hợp pháp của cá nhân hoặc tổ chức khác.

Còn việc các cá nhân bị tố giác có hành vi vi phạm pháp luật hay không, cơ quan điều tra là nơi có nghĩa vụ tiếp nhận nguồn tin tố giác của công dân và có thẩm quyền xác minh. Vì vậy, việc tố giác tội phạm không vi phạm pháp luật.

Chuyên gia pháp lý: Các nghệ sĩ có quyền tố ngược người tố cáo - Ảnh 4.

Các hành vi xúc phạm danh dự người khác, nhục mạ người khác có dấu hiệu cấu thành tội vu khống và tội làm nhục người khác.

Tuy nhiên, khi chưa có bất kì phán quyết nào của tòa án hoặc kết luật của cơ quan có thẩm quyền mà cá nhân có hành vi khẳng định người khác thực hiện hành vi phạm tội và sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền về thông tin đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng về tinh thần, sức khỏe, vật chất của người bị loan tin hoặc dùng mạng xã hội để xúc phạm danh dự người khác, nhục mạ người khác thì có thể có dấu hiệu cấu thành tội vu khống và tội làm nhục người khác.

Vì vậy, những nghệ sĩ nào cho rằng mình bị vu khống hoặc bị làm nhục thì có quyền thu thập bằng chứng và thực hiện tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật. Các nghệ sĩ cũng có thể khởi kiện tại tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự.

Luật sư Dương Ánh Nga cho rằng, sau khi có kết luận về việc xác minh thông tin tố giác của các cá nhân, tổ chức của cơ quan cảnh sát điều tra là các nghệ sĩ không có hành vi lạm dụng hay lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong số tiền từ thiện.

Với sức ảnh hưởng của mình từ công chúng, các nghệ sĩ cần sử dụng truyền thông để đính chính về sự việc vừa qua để lấy lại hình ảnh trong mắt công chúng. Bởi sự việc vừa qua ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín của các nghệ sĩ liên quan. Hình ảnh và uy tín của các nghệ sĩ đối với công chúng là rất quan trọng trong sự nghiệp của họ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại