Từ xưa tới nay, dù trong bất kỳ thời điểm nào, khi nhắc tới bất động sản giới đầu tư phần lớn lựa chọn đất nền để xuống tiền. Đơn cử, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 hoành hành, loại hình đất nền luôn được nhà đầu tư săn đón, giá liên tục tăng phi mã.
Theo Bộ Xây dựng cho biết, về giá giao dịch bất động sản, năm 2021, giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm. Trong đó giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 –7%, giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15-20%; giá đất nền tăng 20-30% so với thời điểm cuối năm 2020.
Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, "sốt giá" đất nền tại một số địa phương.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá đất nền vẫn tăng so với thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II.
Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đây là loại hình bất động sản có tính thanh khoản cao, dù trong thời điểm này thanh khoản có chững nhưng cũng sẽ sớm cân bằng trở lại.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, thị trường bất động sản Việt Nam đa dạng, tuy nhiên thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển thiên về đất nền nhiều hơn vì dễ làm.
Tại nhiều địa phương, doanh nghiệp có ít tiền nhưng cũng san đất, cắm mốc làm vài con đường rồi bán nền thu tiền, trong khi đó vốn của người mua cũng không cần nhiều, chỉ 1-2 tỷ đồng có thể mua được một nền đất đầu tư.
Ông Trịnh Nguyên Tuấn Anh, Ủy viên thường vụ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) phụ trách Đông Nam bộ, Chủ tịch King Broker Group cho biết, sở dĩ đất nền tiếp tục là xu hướng đầu tư chủ đạo trong vòng 3 - 5 năm tới là bởi: "Thời gian thực hiện các dự án chung cư và bất động sản nghỉ dưỡng mất tới 5 - 10 năm và có thể lâu hơn nếu trục trặc.
Trong khi đó, dự án đất nền phân lô có thể cho ra lò trong vài tháng. Kể cả sau này chúng ta có chính sách siết tình trạng phân lô bán nền, thì thời gian triển khai dự án đất nền vẫn nhanh gọn hơn nhiều so với dự án chung cư", ông Tuấn Anh nói.
Thêm vào đó, nguồn cung đất nền cũng dồi dào hơn và nhu cầu ở phân khúc này cũng lớn hơn, trong khi nguồn cung chung cư đang ách tắc vì pháp lý và khả năng đáp ứng quá nhỏ so với nhu cầu thực.
"Khoảng 10 triệu người có nguồn tiền nhàn rỗi và có khả năng trở thành nhà đầu tư bất động sản, trong khi đó, tổng cung thị trường thứ cấp đang rất ít. Có thể trong vài năm tới mới có một lứa dự án khác. Nhà đầu tư không thể chờ đợi dự án mới, nên trong giai đoạn hiện nay họ lựa chọn đầu tư những sản phẩm có sẵn và đất nền là phân khúc hợp khẩu vị", đại diện King Broker Group nói thêm.
Chuyên gia nhấn mạnh, về cơ bản, đầu tư đất nền hấp dẫn hơn là nhờ tỷ suất lợi nhuận cao hơn, thời gian đầu tư dự án ngắn, nhịp sóng tăng giá của đất nền ngắn hơn rất nhiều so với dự án chung cư hay bất động sản nghỉ dưỡng và nhà đầu tư đất nền có thể chốt lời sau 2 - 3 năm.
Trong khi phân khúc chung cư có sóng tăng giá chậm và ngắt quãng, thì sóng tăng giá của đất nền thường diễn biến tăng liên tục theo năm, thậm chí tăng theo điều chỉnh giá đất của địa phương.
"Đầu tư đất nền khoảng 2 tỷ đồng, nhà đầu tư có thể dùng đòn bẩy tài chính khoảng 70%, cộng với vốn sẵn có thì hoàn toàn có thể tham gia cuộc chơi. Hiện tượng chạy đua mua đất diễn ra trên thực tế là do nhà đầu tư dùng đòn bẩy tài chính, nhất là các nhà đầu tư chuyên nghiệp có kiến thức.
Với nguồn vốn trong tay 10 tỷ đồng, cộng với đòn bẩy tài chính, họ có thể đầu tư danh mục 50 tỷ đồng và có thể thu lợi nhuận hàng chục tỷ đồng hoặc hơn trong vòng vài năm", ông Tuấn Anh cho biết.
Không phủ nhận việc đất nền đem lại lợi nhuận cao cho các nhà đầu tư nhưng cũng sẽ mang đến nhiều hệ lụy, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng: "Nếu như thị trường đất nền phát triển quá nóng dẫn đến rất nhiều hệ luỵ, thứ nhất có thể xảy ra cơn sốt không đáng có.
Thứ hai, rõ ràng khi đầu tư đất nền chỉ để kiếm lời lướt sóng không phục vụ sản xuất, không giúp phát triển thị trường lành mạnh. Tôi thấy rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, chủ yếu là đất nền dễ làm, dễ đầu tư nhưng cũng có nguyên nhân nữa là buông lỏng quản lý trong việc phát triển dự án làm thị trường méo mó đi".