Chuyên gia ngỡ ngàng: Tiêm kích thế hệ 5 Su-57 rẻ giật mình, "bèo" hơn cả Su-35 Trung Quốc

Lâm Vy |

Mặc dù thuộc thế hệ cũ hơn và kém tinh vi hơn nhưng Su-35 lại có giá 83,3 triệu USD = 238% giá của một chiếc Su-57.

Su-57 có giá rẻ "giật mình"

Sau thông báo về đơn đặt hàng 76 tiêm kích thế hệ 5 Su-57 của Không quân Nga, truyền thông xứ sở Bạch Dương tiếp tục đưa tin về giá trị của hợp đồng – 170 tỷ ruble, tương đương 2,6 tỷ USD.

Giới chuyên gia tỏ ra rất ngạc nhiên với mức giá "vô cùng thấp" này, nếu chia ra thì giá của 1 chiếc Su-57 chỉ rơi vào khoảng 35 triệu USD.

Đáng chú ý, theo thông tin được công bố rộng rãi trước đây, hợp đồng cung cấp 24 tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 của Nga cho Trung Quốc vào năm 2015 đã trị giá tới 2 tỷ USD, tức là mỗi chiếc máy bay có giá 83,3 triệu USD = 238% giá của một chiếc Su-57. Trong khi đó, rõ ràng Su-35 thuộc thế hệ cũ hơn và kém tinh vi hơn Su-57.

Chuyên gia ngỡ ngàng: Tiêm kích thế hệ 5 Su-57 rẻ giật mình, bèo hơn cả Su-35 Trung Quốc - Ảnh 1.

Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga.

Con số "thấp đến ngỡ ngàng" trên khiến các nguồn tin phương Tây nghi ngờ mức giá của Su-57 được đưa ra không chính xác, nhất là khi xét tới quy mô sản xuất tương đối nhỏ của Su-35 và các mẫu chiến đấu cơ thế hệ mới của nước ngoài như F-35A.

Tuy nhiên, theo trang mạng MW, có thể có một số nhân tố đã tác động, khiến chi phí của Su-57 thấp hơn nhiều so với dự đoán.

Tại sao như vậy?

Đầu tiên, đây có thể chỉ là chi phí sản xuất máy bay, tức là không tính đến chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D - khoản đầu tư cố định, sẽ không tăng lên dù số lượng máy bay được đặt hàng tăng lên).

Ví dụ, theo bản báo cáo năm 2009 của Trung tâm Phân tích Chiến lược và Ngân sách (CSBA – trụ sở tại Washington D.C), nếu tính cả chi phí R&D thì mức giá của một chiếc F-22 do tập đoàn Lockheed Martin sản xuất sẽ lên tới 350 triệu USD. Tuy nhiên, nếu không tính mức chi phí này thì F-22 chỉ còn 150 triệu USD/chiếc.

Điều đáng nói là theo dự kiến ban đầu, chi phí R&D dành cho F-22 chỉ là 35 triệu USD (theo mệnh giá năm 1985) hoặc 60 triệu USD (theo mệnh giá năm 2009). Lý do khiến chi phí R&D tăng cao hơn 250% so với kế hoạch được quy cho một số thiếu sót của Lockheed Martin.

Chuyên gia ngỡ ngàng: Tiêm kích thế hệ 5 Su-57 rẻ giật mình, bèo hơn cả Su-35 Trung Quốc - Ảnh 2.

Su-57 có mức giá rẻ hơn cả Su-35 Trung Quốc.

Nhân tố thứ hai có thể lý giải ở đây là sự chênh lệch giữa các đơn vị tiền tệ. Giá của đồng Ruble thấp hơn đồng USD nên khi các loại chi phí được tính bằng USD thì với cùng một số tiền, người ta có thể mua được sản phẩm ở Nga với số lượng lớn hơn khi mua ở châu Âu và Mỹ.

Mặc dù điều này không làm rõ tại sao chi phí của S-57 lại thấp hơn nhiều so với Su-35 nhưng nó phần lớn lý giải được tại sao Su-57 rẻ hơn nhiều so với các mẫu máy bay tương đương của Mỹ.

Chi phí sống ở Nga cũng thấp hơn đáng kể. Hàng trăm hoặc hàng nghìn nhân lực tham gia vào chương trình chế tạo, từ chuỗi cung ứng cho tới đội ngũ phát triển, từ các nhà thiết kế cho tới nhân viên vận chuyển, xử lý vật liệu…, đều được trả công thấp hơn so với các vị trị tương ứng ở phương Tây.

Đây là một yếu tố quan trọng cho phép ngành quốc phòng Nga cắt giảm được đáng kể mức giá so với các đối thủ phương Tây.

Nhân tố thứ 3 có thể khiến Su-57 có mức giá thấp như vậy là bởi lô máy bay này được cung cấp cho Không quân Nga.

Theo tuyên bố gần đây của Tổng thống Vladimir Putin, Tập đoàn máy bay thống nhất (UAC) – đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất Su-57 – đã đồng ý cắt giảm bớt lợi nhuận của họ để duy trì dây chuyền sản xuất phù hợp với nhu cầu trong nước.

Điều đó khiến mức giá của Su-57 giảm khoảng 20%, tức là giá ban đầu của một chiếc là 42 triệu USD.

Nếu xét theo hướng này thì cũng có thể lý giải tại sao lô Su-35 của Trung Quốc có mức giá cao hơn.

Các máy bay được xuất khẩu sang quốc gia không thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (CIS) sẽ có giá cao hơn để thu được mức lợi nhuận lớn hơn, nhằm tái đầu tư cho ngành quốc phòng Nga.

Do đó, mặc dù Su-35 cần ít nguồn lực sản xuất hơn Su-57 nhưng Trung Quốc và các khách hàng nước ngoài khác sẽ phải trả nhiều hơn để mua chúng.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng hợp đồng Su-35 còn bao gồm các thiết bị hỗ trợ mặt đất, động cơ, đạn dược và phụ tùng.

Chi phí chuyển giao công nghệ giá trị cao cũng được tính trong hợp đồng, và có thể lên tới hàng triệu USD. Trong khi đó, theo ước tính chi phí R&D của Su-35 (ngay cả ở mức xuất khẩu) chỉ chiếm chưa đầy 50 triệu USD.

Nếu như Su-57 có mức giá thấp thì vũ khí dành cho nó lại có giá rất cao. Một chiếc Su-57 được trang bị vũ khí đầy đủ có thể có giá trên 50 triệu USD. Nếu tính cả chi phí huấn luyện phi công, phụ tùng, động cơ và cơ sở bảo dưỡng thì con số này sẽ còn cao hơn nữa.

Theo dự đoán của trang MW, đơn giá xuất khẩu của Su-57 - với tiêu chí là mang lại lợi nhuận lớn hơn cho UAC và tính cả chi phí vũ khí, cơ sở hạ tầng bảo dưỡng, phụ tùng, động cơ, và một phần chi phí R&D – sẽ lên tới trên 100 triệu USD/chiếc – đặc biệt là nếu hợp đồng bao gồm điều khoản huấn luyện phi công (thường sẽ có do đây là mẫu máy bay có thiết kế đặc biệt).

Khả năng cơ động đáng kinh ngạc của Su-57. Nguồn: You Tube

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại