Quân đảo chính đã đồng loạt tấn công hai thành phố trọng điểm của Thổ Nhĩ Kỳ là thủ đô Ankara và Istanbul.
Các cứ điểm quan trọng như các cây cầu trọng yếu, trụ sở Quốc hội, trụ sở đài Truyền hình Quốc gia, Trung tâm tình báo và dinh Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là mục tiêu chiếm giữ, tấn công của phe đảo chính.
Thậm chí, theo lời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nếu kém may mắn ông có thể đã thiệt mạng và phe đảo chính đã thành công khi khách sạn ông ở tại khu nghỉ mát Marmaris bị đánh bom vào ngày 15.7, chỉ ít phút sau khi ông rời khỏi đó, theo RT.
Kết quả, quân đảo chính đã thất bại khi không thể chiếm được các mục tiêu trọng yếu cũng như không thể tiêu diệt chính quyền của ông Erdogan.
Sự kiện đêm 15.7 đến sáng 16.7 tại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ để lại một hậu quả sâu sắc đối với nền chính trị của nước này, đồng thời khiến 190 người gồm 104 binh sĩ đảo chính, 2 binh sĩ ủng hộ chính phủ, 41 cảnh sát và 47 dân thường thiệt mạng.
Số lượng binh sĩ, sĩ quan thuộc phe đảo chính bị bắt lên tới 2.893 người, theo Thủ tướng Binali Yildirim cho biết.
Án phạt giành cho những người này được cho là sẽ rất nặng khi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhận định lực lượng tham gia đảo chính còn "tồi tệ hơn" lực lượng PKK của người Kurd.
Thậm chí, ông Yildirim còn nhấn mạnh là án tử hình có thể sẽ được áp dụng cho "âm mưu phản quốc" này.
Thế nhưng, hành động của một bộ phận quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ không phải là bộc phát mà là một quá trình tích tụ lâu dài.
Từ 4 tháng trước, một chuyên gia chính trị Nga đã phân tích và đưa ra nhận định là rất có thể sẽ có đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ và ông đã chính xác.
Cụ thể, tờ Lenta của Nga ngày 11.3 dẫn lời Giáo sư Pavel Shlykov của Viện châu Á và châu Phi thuộc Đại học Lomonosov cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang lâm vào một tình huống vô cùng khó khăn là phải đối mặt với nhiều mối nguy cùng lúc đến từ sự chia rẽ về chính trị-xã hội, suy thoái kinh tế, leo thang căng thẳng cả ở trong và ngoài nước.
Theo Giáo sư Shlykov, không giống như sự bất ổn chính trị và kinh tế xảy ra trong những năm 1970 và 1990, cuộc khủng hoảng hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ phần lớn là kết quả của các cuộc xung đột giữa chính sách đối nội và đối ngoại thực dụng của Ankara mà các nhà lãnh đạo nước này gần đây theo đuổi.
Ông Shlykov từ tháng 3.2016 đã nhận định việc quân đội can thiệp mạnh mẽ trong tiến trình chính trị là một trong những đặc điểm của lịch sử gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ.
Điều này làm tăng khả năng dẫn tới đảo chính quân sự tại quốc gia này như là một cách giải quyết các chính sách xung đột trong nước.
Giáo sư Shlykov khi đó còn nhấn mạnh rằng 3 "ngòi nổ" có thể dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ đều đã hiện diện: sự gia tăng cuộc khủng hoảng chính trị trong nước, sự gia tăng các mối đe dọa bên ngoài và sự tác động mạnh mẽ tới vấn đề người Kurd.
Theo ông Shlykov việc đổ vỡ hòa bình với lực lượng người Kurd đã khiến Tổng thống Erdogan phải dựa vào sức mạnh của quân đội để thiết lập trật tự trong nước.
Thế nhưng, hành động này là con dao hai lưỡi vì trong thời gian 2007-2008, khi chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vẫn hòa hoãn với người Kurd thì ông Erdogan lại chủ trương giảm quyền của giới quân đội.
Tuy nhiên, theo ông Shlykov quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khó thành công nếu tổ chức đảo chính vì họ không thực sự có được niềm tin và sự hỗ trợ từ người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Và điều đó đã trở thành sự thật khi ngày 15.7 lúc diễn ra đảo chính quân sự, chính người dân tại Istanbul và Ankara đã xuống đường bảo vệ chính quyền.
Một số người dân tham gia chiến dịch chống đảo chính nói rằng họ không phải bảo vệ ông Erdogan và chính phủ của ông mà họ bảo vệ nền dân chủ của nước này.
Ngoài nhiều vấn đề trên, nguyên nhân sâu xa của cuộc đảo chính lần này đến từ việc nhiều người, trong đó có giới quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ cảm thấy không bằng lòng trước việc ông Erdogan thâu tóm quyền lực về tay mình.
Trước đây, quyền lực tại Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong tay thủ tướng, người đồng thời là chủ tịch đảng cầm quyền. Nhưng sau khi hết nhiệm kỳ làm thủ tướng, ông Erdogan được bầu làm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, một chức danh lễ tiết nhiều hơn thực quyền.
Khi trở thành Tổng thống, ông Erdogan đã thực hiện nhiều sách lược gom quyền về tay mình và cái kết là Thủ tướng Ahmet Davotoglu phải ra đi, như là cách để giảm thiểu căng thẳng trong các phe phái cầm quyền tại Ankara.