Iran phản ứng gì trước động thái của Thổ Nhĩ Kỳ ?
Phản ứng thách thức của Ankara trước những bước tiến của quân Chính phủ ở tỉnh Idlib đã dẫn đến nguy cơ cuộc khủng hoảng Syria trở nên nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, đẩy Ankara và Damascus đến bờ vực của một cuộc chiến toàn diện.
Cuộc tiến công của quân đội Syria nhằm giành lại thành trì cuối cùng của phe đối lập đã có được sự ủng hộ từ Nga. Nhưng một đồng minh lớn khác của Chính phủ Syria là Iran lại cho thấy một phản ứng khá trung lập.
Không có những động thái lên án một bên nào, Tehran chỉ nhấn mạnh sự cần thiết phải quản lý và làm dịu tình hình căng thẳng hiện tại. Bộ Ngoại giao Iran cũng kêu gọi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Iran-Nga-Thổ Nhĩ Kỳ mới trong khuôn khổ tiến trình Astana để tháo gỡ bế tắc.
Tuy nhiên, tình hình đang trở nên phức tạp hơn khi hoạt động trả đũa của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang khiến nhiều chiến binh thuộc các nhóm do Iran hậu thuẫn thiệt mạng.
Theo các báo cáo từ truyền thông Iran, ít nhất 25 chiến binh đến từ các nhóm liên kết với Iran đã bị giết hại trong các cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhiều ngày qua.
Vài giờ sau cuộc tấn công hôm 29/2, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong đó phía Iran kêu gọi giải quyết vấn đề Idlib thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, lời kêu gọi thỏa hiệp ngoại giao của ông Rouhani đã được bổ sung bằng một cảnh báo trực tiếp chống lại Ankara bởi trung tâm chỉ huy quân sự của nước này ở Syria.
Trong một tuyên bố hôm 1/3, "trung tâm cố vấn ở miền Bắc Syria" của Iran phàn nàn về việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran, đồng thời cảnh báo rằng các binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang trong tầm ngắm của lực lượng Iran, yêu cầu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hành động khôn ngoan nếu không muốn kích hoạt một cuộc tấn công đáp trả.
Lằn ranh đỏ của Iran
Hai tuyên bố được cho là mâu thuẫn nhau của Iran nói trên đã cho giới quan sát thấy được khía cạnh chính trong cách tiếp cận tổng thể của nước này đối với vấn đề Idlib.
Tuyên bố của "trung tâm cố vấn Iran" đã gây ngạc nhiên cho những người theo dõi hoạt động của Iran trong cuộc khủng hoảng Syria, vì hầu như không ai từng nghe về sự tồn tại của một trung tâm như vậy.
Trong khi Iran luôn từ chối thừa nhận sự tham gia của mình ở chiến trận Idlib, tuyên bố của trung tâm là một sự xác nhận rõ ràng về vai trò tích cực của các lực lượng Iran ở khu vực này.
Sự công khai hiện diện như vậy ở Idlib được coi là một thông điệp của Iran. Nó muốn nói rằng Tehran có nhiều lợi ích ở phía tây bắc Syria, cần được các bên khác - đặc biệt là Thổ Nhĩ Kỳ - tôn trọng.
Ngoài ra, tuyên bố còn được coi như một lằn ranh đỏ của Iran ở Idlib. Theo "trung tâm cố vấn" Iran ở Syria, các đơn vị thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) cùng với Hezbollah và các lực lượng khác của "trục Kháng chiến" – các nhóm dân quân do Iran hậu thuẫn - đã tham gia vào việc đảm bảo quyền kiểm soát của Chính phủ Syria đối với đường cao tốc M5 nối liền Damascus với Aleppo.
Iran đang đặt ra lằn ranh đỏ ở Idlib đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Iran cũng nhấn mạnh rằng các lực lượng khác của mình cũng tiếp tục hợp tác với quân đội Syria trong các cuộc đụng độ với lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đang muốn chiếm lại đường cao tốc.
Trước đó, Iran từng mô tả các lực lượng đồng minh của nước này ở Syria chỉ có mục tiêu duy nhất là chiến đấu với khủng bố. Nhưng với tuyên bố mới này, đã không còn sự phân biệt giữa lực lượng quân đội Iran chính thức với các nhóm dân quân khác nhau.
Nó giống như một lời cảnh báo ngầm rằng, bất kỳ hành động nào của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các nhóm này cũng được coi như một cuộc tấn công vào quân đội Iran.
Tuyên bố cũng chỉ ra sự thay đổi trong cách tiếp cận của Iran đối với vai trò của Nga ở Idlib. Trước đây, Tehran từng dựa vào kênh liên lạc của Nga để giảm leo thang xung đột giữa quân đội Syria và các lực lượng do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn ở Idlib.
Bằng chứng rõ ràng về cách tiếp cận này là sự đồng ý của Iran về thỏa thuận Sochi giữa Moscow và Ankara vào tháng 9/2018 trong việc thành lập khu phi quân sự ở Idlib.
Tuy nhiên, lần này Iran dường như không hài lòng với việc Nga không sẵn sàng hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho chính quyền Assad khi đối mặt với các cuộc tấn công thường xuyên của Thổ Nhĩ Kỳ. Nó khiến Iran cảm nhận rằng Ankara và Moscow đang "đi đêm" với nhau.
Do đó, Iran dường như đang cố gắng xác định vai trò của mình ở Idlib một cách độc lập hơn với Nga .
Lập trường của Iran là gì?
Việc Tổng thống Iran và Bộ Ngoại giao Iran tiếp tục nhấn mạnh vai trò của ngoại giao và đối thoại trong giải quyết bế tắc Idlib là một dấu hiệu cho thấy Iran nhận thức được những rủi ro tiềm tàng của cách tiếp cận quá thách thức ở Syria.
Một mặt, Iran có những lo ngại nghiêm trọng về nguy cơ sụp đổ của tiến trình Astana do căng thẳng hiện tại. Xét cho cùng, Astana là tiến trình hòa bình quốc tế duy nhất được Liên Hợp Quốc ủng hộ ở Syria, trong đó Iran đóng vai trò quyết định.
Do đó, sự sụp đổ của nó sẽ tước đi tài sản ngoại giao có giá trị nhất của Iran đối với Syria. Mặt khác, Iran lo lắng rằng sự bất ổn hơn nữa ở Syria sẽ mang đến cho Israel cơ hội nhân đôi các cuộc không kích.
Hơn nữa, Iran lo ngại về khả năng Washington đưa ra thỏa thuận hỗ trợ trực tiếp cho Ankara ở Idlib. Vì Iran đã xác định việc trục xuất các lực lượng Mỹ khỏi khu vực là ưu tiên chính sau vụ ám sát tướng Qasem Soleimani gây tranh cãi, nên bất kỳ sự can thiệp nào của Mỹ ở Idlib sẽ tạo ra những thách thức mới cho Iran.
Do đó, trong khi tích cực cảnh báo các bên khác chấp nhận và tôn trọng lợi ích cũng như lằn ranh đỏ của mình ở Idlib, Iran dự kiến sẽ không tham gia vào cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này.
Thay vào đó, Iran sẽ cố gắng biến sự hiện diện quân sự tích cực của mình trong khu vực thành lợi ích chính trị cho bản thân và các đồng minh trong các cuộc đàm phán ngoại giao tương lai.