Chuyên gia Nga: Mỹ dùng chiêu trò PR, mới bắn vài viên đạn đã tuyên bố tạo ra siêu vũ khí

QS |

Theo chuyên gia Leonkov, có vẻ câu chuyện của Mỹ về việc sử dụng đạn siêu tốc trên pháo thông thường chỉ là chiêu trò PR chứ không phải chương trình phát triển thực sự.

Trang tin Scout Warrior dẫn lời các quan chức của Lầu Năm Góc cho hay, Bộ Quốc phòng Mỹ đang đẩy nhanh chương trình phát triển đạn siêu tốc (HVP).

Ban đầu, đạn HVP được thiết kế dành riêng cho pháo ray điện từ (railgun) của Hải quân Mỹ nhưng nay, nó có thể được sử dụng trên các hệ thống vũ khí hiện có như pháo tự hành.

"Các chuyên gia vũ khí của Lầu Năm Góc đang nỗ lực tăng tốc chương trình phát triển hệ thống pháo và loại đạn HVP dành cho nó. Các kế hoạch dành cho chương trình phát triển vũ khí này vẫn đang trong quá trình cân nhắc.

Trong thời gian chờ đợi, công tác phát triển khả năng tích hợp và triển khai đạn pháo trên các hệ thống pháo hạm 127mm của Hải quân hoặc pháo tự hành M109 Paladin của Lục quân đang được tiến hành" - Trang Scout cho hay.

Chuyên gia Nga: Mỹ dùng chiêu trò PR, mới bắn vài viên đạn đã tuyên bố tạo ra siêu vũ khí - Ảnh 1.

Pháo ray điện từ dự kiến sẽ được trang bị trên tàu khu trục lớp Zumwalt và tàu tuần dương của Hải quân Mỹ.

Pháo ray điện từ sử dụng lực điện từ để phóng đạn HVP, tạo ra sơ tốc tới 8.000km/h, và đạt tầm bắn 160-180 km.

Đạn HVP phá hủy mục tiêu nhờ vào động năng từ vụ va chạm với tốc độ siêu cao. Đạn như vậy không cần đến chất nổ. Hải quân Mỹ có kế hoạch đến năm 2020 sẽ trang bị pháo ray điện từ cho các tàu khu trục lớp Zumwalt (DDG 1000) và các tàu tuần dương.

Tuy nhiên, theo nhà báo - chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov, vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng Lầu Năm Góc đã tạo ra được một "siêu vũ khí".

"Trước đây, loại đạn này từng được bắn thử nghiệm trên pháo ray điện từ. Họ bắn vài viên đạn và tuyên bố rằng mình đã chế tạo được 'siêu vũ khí'. Tuy nhiên, pháo điện từ là thứ đồ chơi đắt tiền.

Ngoài ra, các tàu khu trục Zumwalt tuy được thiết kế để mang theo pháo điện từ nhưng Mỹ vẫn có vấn đề với tàu lớp này. Có vẻ ý tưởng trang bị đạn siêu tốc cho pháo thông thường đã xuất hiện để cứu vãn chương trình đó".

"Nhưng, xét theo mọi việc, những gì họ nói khó có thể phù hợp với thực tế. Họ chưa đạt được những kết quả vượt trội. Vâng, rất có thể tầm bắn đã được cải tiến, nhưng chúng tôi vẫn chưa biết gì về độ chính xác" - ông Leonkov nói với Sputnik.

Theo vị chuyên gia, những câu chuyện về việc sử dụng đạn siêu tốc trên pháo thông thường chỉ là chiêu trò PR của Mỹ chứ không phải chương trình phát triển thực sự.

"Nếu đạn có độ sai lệch lớn, thì đây không phải là loại vũ khí có độ chính xác cao. Cho tới thời điểm này thì đây chỉ là một chiêu trò PR. Cần phải xem kết quả thực tế mới có thể rút ra kết luận về tính hiệu quả của 'siêu vũ khí' này" - vị chuyên gia nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại