Chuyên gia: Nếu quốc gia châu Á này gia nhập BRICS, 'cuộc chơi' của toàn thế giới sẽ thay đổi

Vy Lam |

Theo chuyên gia, BRICS nên mời quốc gia này gia nhập khối, thay vì chờ đơn xin được kết nạp bởi họ cho thấy sự phát triển kinh tế đầy ngoạn mục.

'Bangladesh nên được mời tham gia BRICS'

Đó là nhận định của chuyên gia S M Saifee Islam trên tờ Business Standard. Theo ông Islam, thập kỷ qua đã chứng kiến sự tăng trưởng chưa từng thấy của BRICS - khối các nền kinh tế mới nổi, bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Sắp tới đây, từ ngày 22-24/8, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15 sẽ được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Sandton (SCC) ở thành phố Johannesburg, Nam Phi.

Hiện nay, BRICS đang tích cực thực hiện các sáng kiến để liên kết với thế giới các quốc gia đang phát triển. Trong bối cảnh đó, Bangladesh nổi lên như một ứng viên đầy tiềm năng để trở thành thành viên của BRICS. Ông Islam nhận định, quốc gia này là một ví dụ điển hình về sự phát triển kinh tế đầy ngoạn mục.

Khối BRICS cũng đã nhấn mạnh khả năng kết nạp thêm các quốc gia đang phát triển mà họ duy trì mối quan hệ trọng yếu như Bangladesh. Do đó, quốc gia Nam Á hoàn toàn có tiềm năng gia nhập BRICS. Theo ông Islam, nói đúng hơn thì BRICS "nên mời Bangladesh gia nhập khối".

Chuyên gia: Nếu quốc gia châu Á này gia nhập BRICS, cuộc chơi của toàn thế giới sẽ thay đổi - Ảnh 1.

Theo chuyên gia S M Saifee Islam, Bangladesh nên được mời tham gia BRICS.

Nhân tố thay đổi cuộc chơi

Ngày 19/6/2023, Bangladesh đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS. Chuyên gia phân tích Md. Badrul Millat Ibne Hannan trên tờ Business Standard mới đây nhận định, nếu các quốc gia thuộc nhóm N-11 (gồm Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Mexico, Nigeria, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam) gia nhập BRICS, bối cảnh hiện tại của toàn thế giới sẽ thay đổi.

Đáng nói, theo ông Hannan, trong số các quốc gia N-11, Bangladesh là nhân tố "thay đổi cuộc chơi". BRICS cần Bangladesh để nắm bắt cơ hội giao tiếp và hợp tác với các khối thương mại khổng lồ trong khu vực như Sáng kiến vùng Vịnh Bengal về hợp tác Kinh tế và Kỹ thuật đa khu vực (BIMSTEC), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hiệp hội Nam Á về hợp tác khu vực (SAARC).

Thứ nhất, vị trí tự nhiên của Bangladesh được xem như cửa ngõ giữa Nam Á và Đông Nam Á, do nước này có chung biên giới đất liền với Myanmar (kết nối Đông Nam Á, Tây Á và Ấn Độ - một thành viên quan trọng của BRICS).

Thêm vào đó, quốc gia Nam Á đang duy trì hoạt động 3 cảng biển, bao gồm Chattogram, Mongla và Payra. Nơi đặt các cảng này khiến Bangladesh đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối Trung Quốc, Ấn Độ và Nga.

Ông Hannan cho rằng, BRICS và Bangladesh có tiềm năng hợp tác lý tưởng: "Một chân trời hợp tác mới đã xuất hiện do các đặc điểm kinh tế thay đổi và các thỏa thuận của chính phủ về chính sách đầu tư bền vững. Vị trí hiện tại của Bangladesh rất phù hợp để đầu tư và hợp tác với BRICS".

Thứ hai, nền kinh tế thị trường của Bangladesh đã mở rộng nhanh chóng trong thập kỷ qua. Ước tính đến năm 2030, Bangladesh sẽ trở thành thị trường tiêu dùng lớn thứ 9 trên thế giới. Dân số hơn 160 triệu người khiến nước này trở thành nơi lý tưởng để mở rộng kinh doanh và thương mại.

Ngoài ra, Bangladesh có một phần lớn dân số đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài. Thống kê của ngân hàng Bangladesh về dòng kiều hối cho thấy, dù bối cảnh hiện nay bất ổn, cũng như lạm phát gia tăng trên toàn thế giới đã ảnh hưởng xấu tới thu nhập của người di cư và lượng kiều hối của họ, nhưng dòng kiều hối của Bangladesh vẫn ở mức 5541,82 triệu USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3 năm 2023, cao hơn 14,97% so với quý 4 năm 2022.

Chuyên gia: Nếu quốc gia châu Á này gia nhập BRICS, cuộc chơi của toàn thế giới sẽ thay đổi - Ảnh 2.

Theo chuyên gia Md. Badrul Millat Ibne Hannan, nếu gia nhập, Bangladesh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho BRICS.

Bangladesh cũng thu hút mạnh mẽ các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng giá trị 1,67 tỷ USD, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2022.

Mức thâm hụt thương mại cao nhất của Bangladesh là với Ấn Độ và Trung Quốc, tức là Bangladesh xuất khẩu ít sang Ấn Độ và Trung Quốc nhưng lại nhập khẩu một lượng lớn hơn từ hai quốc gia này. Ông Hannan cho rằng, điều đó đồng nghĩa với việc hai quốc gia trên được hưởng lợi lớn từ Bangladesh.

Các quốc gia BRICS đã có quan hệ thương mại nổi bật với Bangladesh cũng sẽ chứng kiến mối quan hệ giữa hai phía được nâng tầm và củng cố nếu Bangladesh giữ tư cách thành viên trong khối.

Thứ ba, chính phủ Bangladesh hiện duy trì cách tiếp cận cân bằng chiến lược để duy trì hành trình phát triển. Chính vì vậy, nếu BRICS có sự góp mặt của Bangladesh thì đó có thể coi là một chiến thắng ngoại giao trước phương Tây.

Theo vị chuyên gia, BRICS đang tìm kiếm thành viên đáng chú ý để đưa vào khối, đặc biệt là những thế lực không chỉ biết phát triển kinh tế, mà còn cho thấy tố chất của một cường quốc toàn cầu. Với các thành tích tăng trưởng gần đây, Bangladesh đã cho thấy bức chân dung chân thực về "một nhà lãnh đạo của thế giới đang phát triển", có khả năng kết nối với các thực thể kinh tế lớn.

Ở chiều ngược lại, vị chuyên gia nhận định, Bangladesh cũng có thể được hưởng lợi từ BRICS trong tương lai gần. Bối cảnh hiện tại của nền kinh tế toàn cầu cho thấy một số khó khăn đáng kể đang ảnh hưởng tới mọi quốc gia trên thế giới. Vì vậy, Bangladesh nên đồng hành cùng BRICS để đôi bên cùng đạt được kết quả có lợi về mặt chiến lược.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại