Sự vui mừng của Ukraine đối với việc được Mỹ viện trợ hệ thống phòng không Patriot sẽ nhanh chóng biến thành nỗi thất vọng. Cựu Trung tá Quân đội Mỹ - ông Daniel L. Davis đưa ra nhận xét nói trên trong một bài phân tích đăng tải trên ấn phẩm Business Insider.
Vào cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine đến thăm Washington và nhận được sự đảm bảo từ người đồng cấp Joe Biden rằng Quân đội Ukraine sẽ được trang bị một khẩu đội Patriot, cũng như hơn 200.000 quả đạn pháo và tên lửa.
Theo Trung tá Davis, tin tức nói trên đã truyền cảm hứng cho chính quyền Ukraine, nhưng sự hân hoan này sẽ sớm bị thay thế bởi thực tế chiến trường.
"Mặc dù nhiều người ở Mỹ và Ukraine rất hào hứng với thông báo về tổ hợp phòng thủ tên lửa Patriot, nhưng điều quan trọng là phải hiểu vũ khí này có thể và không thể làm gì", bài báo viết.
Lực lượng vũ trang Ukraine dự kiến sẽ nhận tổ hợp phòng không Patriot đầu tiên từ Mỹ.
Thông báo chuyển giao Patriot được đưa ra sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công tên lửa lớn thứ 9 vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Trước đây Tổng thống Zelensky đã yêu cầu phương Tây cung cấp các hệ thống phòng không tiên tiến nhất, và bây giờ đòi hỏi của ông ta đã được lắng nghe.
“Mặc dù vậy, câu hỏi đặt ra là sự bổ sung hệ thống Patriot nói trên có đồng nghĩa với việc thay đổi cuộc chơi đối với Ukraine hay không? Câu trả lời ngắn gọn và trung thực là không”, Trung tá Davis viết.
Tổ hợp Patriot thường hoạt động như một phần của hệ thống phòng thủ tích hợp có thể bao gồm nhiều hệ thống đánh chặn của Mỹ và NATO. Khẩu đội yêu cầu 90 quân nhân vận hành, những người này thường cần 90 ngày đào tạo trước khi họ có thể làm việc. Tuy nhiên theo quy luật, một khẩu đội chỉ có thể bảo vệ một điểm mục tiêu, chuyên gia Davis giải thích.
“Hệ thống phòng không này có thể bảo vệ hầu hết Kyiv, nhưng không phải toàn bộ thành phố. Theo tiết lộ vào năm 2019, tổ hợp Patriot do Saudi Arabia vận hành đã không thể ngăn chặn một cuộc tấn công đường không tinh vi bằng máy bay không người lái do Iran sản xuất".
Nguyên nhân chủ yếu là do Patriot được tối ưu hóa cho việc chống lại tên lửa đạn đạo, vũ khí này không đáng tin cậy khi phải đối đầu tên lửa hành trình hay mục tiêu khí động học.
Thực tế là trong vài tháng nữa một khẩu đội Patriot sẽ hoạt động tại một địa điểm được lựa chọn ở Ukraine, nhưng rõ ràng số lượng khiêm tốn như vậy chưa thể thay đổi về chất khả năng chống tên lửa hiện có của Ukraine so với mức độ bảo vệ hiện tại, chuyên gia quân sự Mỹ lập luận.
Để tăng cường năng lực chống tên lửa của Ukraine, Đức đã cam kết sẽ viện trợ khẩu đội Patriot thứ hai đồng thời để ngỏ khả năng chuyển giao cả bản nâng cấp do châu Âu thực hiện có tên MEADS.
Nếu điều này xảy ra sớm thì năng lực phòng không bảo vệ bầu trời Ukraine mới thực sự ghi nhận có thay đổi về chất, khi Patriot kết hợp với IRIS-T và NASAMS tạo ra một "lá chắn thép" đáng tin cậy.
Theo Business Insider