Theo một bản tin trên Popular Mechanics, tiêm kích tàng hình Chengdu J-20 là một trong những máy bay được thiết kế dựa trên thông tin công nghệ của Mỹ.
Tô Bân, công dân Trung Quốc và cũng là doanh nhân ngành không gian vũ trụ, thừa nhận do thám và ăn cắp trên mạng trong năm 2016. Anh này và đồng phạm được nói là đã do thám các kế hoạch phát triển máy bay vận tải C-17 Globemaster, tiêm kích F-22 và tiêm kích F-35 của quân đội Mỹ.
Nhưng dù máy bay J-20 có vẻ ngoài giống F-22, nó không thực sự ngang hàng. Michael Kofman, chuyên gia của tổ chức nghiên cứu CAN nói với Business Insider hồi năm ngoái rằng ông nghi ngờ chuyện J-20 có các phần mềm và hệ thống điện tử hàng không tốt nhất. Và theo ông máy bay này có động cơ không tốt. Kofman cũng tỏ ra nghi ngờ năng lực tàng hình của J-20.
“Nó có quá nhiều bề mặt, và rất nhiều trong số này trông khá bộc lộ (phản xạ radar) nếu nhìn từ bên hông. Tôi khá nghi ngờ tính năng tàng hình của máy bay này”, ông Kofman nói.
Một tiêm kích tàng hình khác của Trung Quốc là máy bay Shenyang J-31 vẫn đang trong giai đoạn phát triển nhưng nhiều khả năng sẽ thay thế tiêm kích trên hạm J-15. Máy bay J-15, chế tạo nhái theo thiết kế của dòng Su-33 của Nga, liên tục có vấn đề và đã một số lần gặp tai nạn chết người.
Nhiều người nghi ngờ rằng tiêm kích J-31 (còn gọi là FC-31) là bản nhái lại máy bay F-35 của Mỹ, cho dù J-31 có hai động cơ còn chiếc máy bay Mỹ chỉ có một. Tất nhiên Trung Quốc bác bỏ khả năng này.
J-31 dù có 2 động cơ nhưng nhẹ hơn, tầm bay nhỏ hơn F-35. Tuy nhiên vẫn tồn tại nhiều nghi vấn về khả năng J-31 có khả năng tương đương F-35. Daniel Kliman, giám đốc Chương trình an ninh châu Á- Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh nước Mỹ mới nói với Business Insider rằng, ngoại hình chỉ là một vế của vấn đề.
J-31
Cho dù Trung Quốc có thể chưa nhái được hoàn toàn công nghệ tàng hình, Mỹ vẫn nói họ rất đề phòng khả năng bị Trung Quốc đánh cắp các sở hữu trí tuệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại một hội nghị an ninh mạng của Bộ An ninh Nội địa tuần trước cảnh báo cử tọa rằng Trung Quốc hiện là “kẻ cắp sở hữu trí tuệ tồi tệ nhất trong lịch sử loài người”.
Ông Esper nói ông đã cảnh báo các đồng minh Mỹ ở châu Âu rằng không nên cho phép Trung Quốc tham gia xây dựng mạng 5G bởi sẽ đối mặt với nguy cơ rò rỉ các thông tin nhạy cảm về an ninh quốc gia.
“Trung Quốc tìm kiếm có hệ thống mọi phương cách để có được công nghệ Mỹ thông qua các công cụ do thám truyền thống, thông qua các khoản đầu tư hợp pháp vào một số công ty”, ông Kliman nói với Business Insider.
“Mỹ vẫn dẫn đầu và bỏ xa các đối thủ phía sau về công nghệ quân sự, nhưng điều rõ ràng là sự dẫn đầu này đang bị xói mòn”, chuyên gia Kliman nói.