Chuyên gia Mỹ mách Nga cách biến Su-34 thành sát thủ tàu sân bay

Nhật Minh |

Mặc dù Su-34 được cho là sẽ thay thế Su-24 nhưng theo ông Kofman, nó thậm chí còn có thể đảm nhiệm vai trò của máy bay ném bom Tu-22M3 sau màn thể hiện vô cùng ấn tượng ở Syria.

Mặc dù Điện Kremlin đưa ra nhiều tuyên bố to tát về chương trình phát triển máy bay ném bom tàng hình PAK-DA nhưng có vẻ trong tương lai gần, Không quân Nga sẽ tiếp tục dựa vào các máy bay ném bom Tupolev Tu-95MS Bear để duy trì lực lượng không quân chiến lược.

Sau này, Tu-95 có thể phải nhường chỗ cho phiên bản mới của máy bay ném bom Tu-160 Blackjack nhưng cơ hội để PAK-DA trở thành hiện thực là khá xa vời.

Quên máy bay ném bom tàng hình đi! Đã có Tu-160M2

"Người Nga thích lu loa về các chương trình mới bởi chẳng tốn mấy công sức để đưa ra những tuyên bố tham vọng như vậy, dù chúng có thể không bao giờ được thực hiện, đặc biệt là trong điều kiện tài chính eo hẹp như bây giờ" - Michael Kofman, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga nói với tạp chí National Interest (Mỹ).

Ông Kofman cho rằng, khung thời gian mà Moscow dự kiến để phát triển PAK-DA quá lạc quan, nếu xét tới những hạn chế về mặt tài chính hiện nay và hơn nữa, Nga vẫn chưa bắt tay phát triển động cơ phù hợp với máy bay ném bom mới.

Chuyên gia Mỹ mách Nga cách biến Su-34 thành sát thủ tàu sân bay - Ảnh 1.

Máy bay ném bom Tu-160

Mặc dù truyền thông Nga có đưa tin về công tác phát triển phiên bản nâng cấp của động cơ đốt sau Kuznetsov NK-32 (vốn dùng trên máy bay ném bom Tu-160 Blackjack) để trang bị cho PAK-DA nhưng loại động cơ này có vẻ phù hợp hơn với phiên bản mới của Blackjack.

Nga hiện còn 16 máy bay ném bom Tu-160 phiên bản cũ, trong đó 11 chiếc được sử dụng cho các chiến dịch hoạt động. Thành phần còn lại trong lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga là khoảng 63 chiếc Tu-95MS Bear, trong đó 55 chiếc sẵn sàng hoạt động.

Dù là thiết kế cổ nhưng Tu-95 đã được nâng cấp nhiều lần và trang bị tên lửa hành trình tầm xa hiện đại, có thể mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường.

Lực lượng máy bay ném bom Nga đã thể hiện sức mạnh ở Syria, khi phóng các tên lửa hành trình tầm xa Kh-101 trong quá trình hỗ trợ chiến dịch quân sự của Nga tại đây.

"Chúng (Tu-95) 'già nhưng không yếu', hệt như B-52 vậy" - ông Kofman nói.

Chuyên gia Mỹ mách Nga cách biến Su-34 thành sát thủ tàu sân bay - Ảnh 2.

Máy bay ném bom Tu-95

Không giống như máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit hoặc B-21 tương lai của Mỹ, máy bay ném bom Nga không được thiết kế để thâm nhập sâu vào không phận đối phương. Thay vào đó, chúng sẽ di chuyển tới một vị trí nhất định và phóng tên lửa hành trình từ khoảng cách xa.

Điều này một phần là vì: Ngay cả khi các tên lửa hành trình hạt nhân của Nga có khả năng tàng hình thì bản thân máy bay ném bom, với kích cỡ lớn, vẫn có thể bị đối phương phát hiện.

Trong tương lai, Moscow sẽ phải "thay máu" phi đội máy bay ném bom. Tuy nhiên, theo ông Kofman, mẫu máy bay thay thế có thể không phải PAK-DA. Phiên bản mới Tu-160M2 mới là ứng viên sáng giá nhất.

Sử dụng phiên bản mới của Tu-160 sẽ giúp Nga tiết kiệm một khoản chi phí phát triển khổng lồ do chương trình nâng cấp chỉ tập trung chủ yếu vào hệ thống nhiệm vụ và vũ khí.

Su-34: Ứng viên sáng giá thay thế "sát thủ tàu sân bay" Tu-22M3

Phiên bản Tu-160 mới có vẻ sẽ thay thế cho phi đội Tu-160 và Tu-95 hiện nay, tuy nhiên, mẫu thiết kế nào sẽ thay thế cho máy bay ném bom hạng trung Tu-22M3 - "sát thủ tàu sân bay" thời Chiến tranh Lạnh - vẫn còn là một bí ẩn.

Mặc dù Su-34 Fullback (biến thể của Su-27 Flanker) được cho là sẽ thay thế Su-24 Fencer nhưng theo ông Kofman, nó thậm chí còn có thể thay thế máy bay ném bom Tu-22M3 sau màn thể hiện vô cùng ấn tượng ở Syria.

Su-34 oanh tạc mục tiêu ở Syria

Su-34 có phạm vi hoạt động xa, được trang bị cảm biến hiện đại và có thể mang nhiều loại vũ khí để đảm trách nhiệm vụ chống tàu của Tu-22M3.

Tuy nhiên, nó cần được trang bị các tên lửa chống tàu với kích cỡ nhỏ hơn tên lửa Raduga Kh-22 trên máy bay Tu-22M3.

Ông Kofman cho rằng, Su-34 hoàn toàn có khả năng mang được các tên lửa siêu thanh như P-800 Oniks.

Vị chuyên gia đề cập tới trường hợp của các máy bay chiến đấu Su-30MKI trong biên chế Không quân Ấn Độ (chúng sẽ được trang bị tên lửa BrahMos - một phiên bản của P-800) và nhận định rằng việc bổ sung tên lửa P-800 sẽ mang lại cho Su-34 khả năng chống tàu tầm xa đáng gờm hơn Kh-22.

Nhìn chung, mặc dù lực lượng máy bay ném bom của Nga hiện nay chỉ bằng một phần quy mô của Liên Xô trước đây nhưng họ đang được hưởng lợi từ những chương trình đầu tư của Liên Xô vào công nghệ tên lửa tiên tiến.

Các loại tên lửa mới mang lại cho lực lượng máy bay ném bom của Nga khả năng tấn công chính xác mà trước đây chỉ Mỹ mới có.

Mặc dù lực lượng ném bom của Nga trong tương lai có thể sẽ tận dụng những khung máy bay đã có trước đây nhưng theo thời gian, chúng sẽ dần được trang bị các loại vũ khí mạnh hơn.

Chỉ còn một khúc mắc, đó là với tình trạng bất ổn kinh tế kéo dài như hiện nay, Moscow có thể hoàn tất sớm chương trình hiện đại hóa lực lượng máy bay ném bom của mình hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại