Đó là ý kiến được ông Gregory Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, nghiên cứu sinh Chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đưa ra trong cuộc thảo luận bàn tròn với một số phóng viên Việt Nam tại Hà Nội ngày 30/1.
Ông Poling cho biết, mục đích chuyến đi lần này đến Việt Nam là giới thiệu Kế hoạch hành động về nghề cá và bảo vệ môi trường ở biển Đông. Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thành lập một nhóm chuyên gia đến từ các nước khu vực, trong đó có 2 chuyên gia đến từ Việt Nam, am hiểu luật pháp, chính sách và môi trường.
Mục đích của chương trình là đưa ra những hình mẫu về quy tắc ứng xử liên quan quản lý nghề cá và bảo tồn môi trường ở biển Đông. Trong khi COC còn xa mới đạt được, chúng ta cần kế hoạch can thiệp kịp thời, và trọng tâm kế hoạch hành động này là gạt sang một bên tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền để tập trung vào vấn đề môi trường và bảo vệ nghề cá, ông Poling nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên rằng vì sao Trung Quốc gần đây đồng ý với ASEAN về bộ khung COC nhưng vẫn tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự trên biển Đông, ông Poling nói rằng, sau khi Tòa trọng tài đưa ra phán quyết vào tháng 7/2016, mọi người đều nghĩ Trung Quốc sẽ phản ứng quá mức ở khu vực. Nhưng Trung Quốc lại nhận được món quà từ Philippines khi nước này thay đổi thái độ trong vấn đề biển Đông. Trung Quốc thấy đó là cơ hội nên đẩy mạnh mặt trận ngoại giao ở Đông Nam Á. Nhưng trong khi đó, Bắc Kinh không giảm bớt hoạt động xây dựng và quân sự hóa ở vùng biển tranh chấp.
Về những rủi ro mà ASEAN phải đối mặt trong đàm phán COC với Trung Quốc, ông Poling dẫn bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy tuần trước nhận định rằng không có bằng chứng nào cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đàm phán một COC công bằng với ASEAN.
Vì thế, việc Trung Quốc nói rằng sẵn sàng đàm phán COC chỉ là chiến thuật ngoại giao của họ để các nước ASEAN, ngừng những nỗ lực khác trong quá trình đàm phán COC. Trung Quốc vẫn tiếp tục quân sự hóa và càng ngày họ càng giành được lợi thế lớn hơn so với các bên liên quan khác trên biển Đông.
Theo vị chuyên gia Mỹ, trên mặt trận ngoại giao, những nước như Việt Nam hay Philippines tiếp tục phải cảnh giác, còn những nước ASEAN khác như Malaysia hay Indonesia cần lên tiếng về những điều họ mong muốn ở COC, đừng để Trung Quốc ấn định giọng điệu đàm phán.
Tuân thủ luật pháp, khả thi về chính trị
Về câu hỏi liệu kế hoạch hành động nghề cá và môi trường ở biển Đông có khả thi hay không và các nước liên quan có sẵn sàng gác tranh chấp để triển khai kế hoạch này, ông Poling nói rằng, đề xuất mới tuân thủ luật pháp quốc tế, pháp luật quốc gia của các nước liên quan, trong đó có Việt Nam, và khả thi về chính trị. Không có điều gì trong đó khiến các nước tham gia phải hy sinh hay thỏa hiệp chủ quyền hoặc hay từ bỏ yêu sách trên biển của họ. Nhưng quá trình thực thi kế hoạch này đòi hỏi hợp tác giữa các nước trong nghề cá và bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đang có tranh chấp trên biển, các nước cần có giải pháp thực tế. Có hai lựa chọn, hoặc hợp tác để bảo vệ nghề cá và môi trường ở biển Đông, hoặc mất 20 năm nữa để vẫn nói về tranh chấp trên biển, còn tài nguyên hải sản có thể cạn kiệt chỉ trong 10 năm nữa, ông Poling nói.
Về câu hỏi liệu Trung Quốc có sẵn sàng tham gia kế hoạch, ông Poling nói rằng, ông không tự tin Trung Quốc sẽ tham gia vào khuôn khổ ngoại giao nào. Nhưng đến nay Trung Quốc vẫn chưa bác bỏ kế hoạch nói trên.
Ông Poling cho rằng, nếu các nước Đông Nam Á thúc đẩy triển khai kế hoạch hành động này hoặc một khuôn khổ khác dựa trên những nguyên tắc quản lý nghề cá và bảo vệ môi trường ở biển Đông tương tự thì sẽ gây ra áp lực lớn lên Trung Quốc. Trung Quốc không thể chỉ nói không nếu họ không thể đưa ra giải pháp khác thay thế.
Ông Poling cho biết, trong nhóm chuyên gia được thành lập có một giáo sư người Trung Quốc đại lục và một chuyên gia Đài Loan. Họ nói rằng, bảo vệ nghề cá và môi trường là nội dung họ có thể tham gia được.