Chuyên gia: Mạnh miệng với Trung Quốc về Biển Đông, đừng tưởng ông Duterte đã "ngả" về Mỹ

Minh Khôi |

Sau gần 2 năm sử dụng chiến lược thân thiện với Trung Quốc, Tổng thống Philippines đã bắt đầu có các phát ngôn quyết đoán hơn về vấn đề Biển Đông.

Những tháng vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi trong hành động, ngôn ngữ và ngoại giao của Tổng thống Philippines Duterte.

Ông Duterte đang có cách tiếp cận khác đối với quan hệ đối ngoại, bao gồm một chính sách đối ngoại tỉnh táo và nhạy cảm hơn đối với các cường quốc lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga.

Đặc biệt, ông đã chỉ trích Bắc Kinh nhiều hơn về các hoạt động cải tạo trái phép và quân sự hóa các đảo, đá trong khu vực.

Phát ngôn cứng rắn của ông Duterte bắt nguồn từ một báo cáo hồi đầu tháng 8 của Lực lượng vũ trang Philippines (AFP), cáo buộc Trung Quốc liên tiếp uy hiếp các máy bay tuần tra của Philippines và tiến hành các hoạt động do thám ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trong một bài phát biểu tại Davao vào cuối tháng trước, ông Duterte đã sử dụng những lời lẽ cứng rắn bất thường, cảnh báo Trung Quốc rằng không thể "xây dựng các đảo nhân tạo và tuyên bố chủ quyền với toàn bộ vùng biển".

Một vài ngày trước đó, trong một bài phát biểu với các nhà lãnh đạo kinh doanh, ông cũng kêu gọi Trung Quốc "kiềm chế hành vi" của mình.

Các phát ngôn cứng rắn của Tổng thống Philippines Duterte với Bắc Kinh cũng đi đôi với việc dần dần cải thiện quan hệ với Washington. Vào giữa tháng 8, Lầu Năm Góc đã cử Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương, đến Manila.

Ông Schriver đã phát biểu, chính quyền Tổng thống Trump sẽ là "một đồng minh tốt" và "giúp Philippines đáp trả phù hợp" với bất kỳ mối đe dọa nào ở Biển Đông.

Đây rõ ràng là một lời trấn an Philippines về sự trợ giúp quân sự của Mỹ nếu tranh chấp dẫn đến cuộc đụng độ trực tiếp giữa Manila và Bắc Kinh.

Ngoài ra, chính quyền Trump cũng cung cấp máy bay chiến đấu đa năng Lockheed Martin F-16 và trực thăng tấn công cho Philippines để giúp hiện đại hóa quân đội.

Tuy nhiên, ông Duterte đã nói rõ rằng, việc hồi sinh quan hệ với Washington sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ đang ấm lên với Nga và Trung Quốc. Vừa qua, ông đã phản đối việc Mỹ chỉ trích kế hoạch mua tàu ngầm và thiết bị quân sự tiên tiến từ Nga của Philippines.

Nhà nghiên cứu Philippines Richard Heydarian cho rằng, dù có sự thay đổi trong những tháng vừa qua trong quan hệ với Mỹ, ông Duterte vẫn cam kết đa dạng hóa quan hệ đối ngoại để có được những lợi ích chiến lược tối đa cho đất nước.

Điện Malacanang vẫn đang tiếp tục đặt nền tảng phát triển quan hệ với Bắc Kinh trên cơ sở chính sách thực dụng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm Philippines vào tháng 11 tới. Bộ trưởng Ngân sách Philippines Benjamin Diokno cho biết, ông Tập có thể đồng ý tài trợ nhiều hơn, chẳng hạn như một khu công nghiệp phục vụ cho các doanh nghiệp Trung Quốc hay một hiệp ước về hoạt động thăm dò chung các nguồn tài nguyên dưới đáy biển cũng được xem xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại