Theo dự báo, siêu bão Mangkhut có sức gió lên đến 240km/h có khả năng gây mưa lớn cục bộ, thậm chí là sóng thần đánh vào bờ biển. Cơn bão mạnh nhất lịch sử Hong Kong dự kiến sẽ đổ bộ vào đặc khu sáng chủ nhật 16/9 với sức gió tối đa lên tới 205 km/h, theo SCMP.
Người dân Hong Kong đang gấp rút áp dụng các biện pháp phòng ngừa bảo vệ tài sản khi siêu bão Mangkhut tới gần.
Nhiều người lo ngại về tính an toàn của các đại dự án trong thành phố, đặc biệt là cây cầu lớn nhất thế giới nối Hong Kong với thành phố Chu Hải ở Trung Quốc đại lục và Macau, bởi nhịp chính của nó đi qua kênh đào Lính Đinh Đương của sông Châu Giang và sẽ phải đối mặt với gió cực mạnh.
"Cây cầu có chịu được sức tàn phá của siêu bão Mangkhut hay không còn phụ thuộc vào chiều cao của sóng ở các đảo nhân tạo", Ngai Hok-yan, kỹ sư kết cấu và địa kỹ thuật cho biết. Theo thiết kế, các khối bê tông chắn biển có thể chịu được sóng cao 4 mét.
"Nếu sóng cao hơn 4 mét, những khối bảo vệ này có thể sẽ bị cuốn trôi rất nhanh. Theo dự báo thời tiết của Mỹ, sóng có thể cao tới 6 mét tùy hướng gió".
Cây cầu nối Hong Kong với Trung Quốc đại lục và Macau. Ảnh: Chính quyền Hong Kong.
Cây cầu dài 55 km bao gồm các đảo nhân tạo, đường bộ và đường hầm xuyên biển dự kiến khánh thành trong năm nay, được thiết kế với tuổi đời 120 năm và có thể chịu sức gió 201 km/h/.
Kỹ sư Ngai Hok-yan cảnh báo các đảo nhân tạo này sẽ phải đối mặt với rủi ro lớn từ bão Mangkhut, hơn là đảo Xích Liệp Giác ở phía tây Hong Kong có đảo Đại Nhĩ Sơn che chắn.
"Thiếu đi khối bê tông bảo vệ, trường hợp xấu nhất sẽ xảy ra là đường hầm dưới biển tách khỏi đảo nhân tạo và nổi lên mặt biển, hòn đảo cũng sụp đổ. Đảo nhân tạo ở Macau cũng có nguy cơ lớn hơn vì nó hướng mặt ra biển", kỹ sư Ngai cảnh báo.
Một hình ảnh khác của cây cầu dài nhất thế giới. Ảnh: Getty
Ngày 13/9, Sở Xây dựng Hong Kong đã kêu gọi các đơn vị quản lý tài sản thực hiện biện pháp phòng ngừa bão Mangkhut, bao gồm kiểm tra mái nhà, tầng hầm, cống, giàn giáo, tường chắn, chuẩn bị thiết bị bơm chống ngập, gia cố cửa sổ.Tổng giá trị dự án xây chiếc cầu dài nhất thế giới này là 7,56 tỷ USD, trong đó 4,32 tỷ vay ngân hàng.
Số còn lại, Hong Kong cam kết đóng góp 1,38 tỷ USD, tương đương 43% chi phí xây dựng cấu trúc chính của cầu. Tuy nhiên, dự kiến, chính quyền Hong Kong sẽ chi thêm 9 tỷ USD nữa để xây các hạng mục kết nối với cầu chính, bao gồm một đảo nhân tạo và đường nối từ cấu trúc chính tới đảo.
Cầu dây văng Đinh Cửu sẽ bị đóng cửa nếu sức gió đạt tới 65 km/h, còn cầu đường sắt kiêm đường bộ Đinh Mã sẽ bị đóng cửa nếu sức gió đạt 165 km/h.
Trước đó, chính quyền Hong Kong đã triệu tập một cuộc họp liên cơ quan nhằm thảo luận về cách đối phó siêu bão Mangkhut. Tên "Mangkhut" nghĩa là "quả măng cụt" trong tiếng Thái.
Cơn bão này được dự đoán sẽ tiến gần Hong Kong trong phạm vi 80 km.
"Nó có thể sẽ tiến rất gần Hong Kong", quan chức cấp cao thuộc Đài Khí tượng Hong Kong Queenie Lam Ching Chi cho biết. "Cơn bão có sức gió mạnh, trong trường hợp không trực tiếp đổ bộ Hong Kong, đây vẫn là một mối nguy lớn".
Ban điều hành sân bay Hong Kong khẳng định sẽ theo sát hướng di chuyển của bão Mangkhut và thường xuyên liên lạc với Đài Khí tượng, Cục Hàng không dân dụng và các cơ quan khác nhằm đối phó với khả năng cơn bão tàn phá sân bay, tương tự cách siêu bão Jebi phá hủy sân bay quốc tế Kansai ở Nhật Bản hồi tuần trước.