Chuyên gia Lầu Năm Góc nói thẳng: Muốn "đấm vỡ mũi" Triều Tiên, ông Trump đừng ảo tưởng

Ngọc Nguyễn |

Tờ Wall Street Journal đưa tin một số nhân vật trong chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump đang thảo luận về ý tưởng tiến hành cuộc tấn công "đấm vỡ mũi" Triều Tiên.

Đây sẽ là một cuộc tấn công hạn chế mang tính phòng ngừa vào một cơ sở sản xuất tên lửa của Triều Tiên, cơ sở chế tạo vũ khí hạt nhân hoặc địa điểm phóng tên lửa. Theo WSJ, mục đích của cuộc tấn công này nhằm "chứng minh những tổn thất mà Triều Tiên sẽ hứng chịu từ các hành động của mình".

Những người đề xuất chiến thuật tấn công này dựa trên giả định rằng lãnh đạo Triều TIên Kim Jong Un sẽ không đáp trả lại vụ tấn công này. 

Theo ông Van Jackson, chuyên gia hạt nhân chiến lược lâu năm tại Lầu Năm Góc, giả định này không hề thực tế. Cái giá phải trả có thể là hàng trăm nghìn người thiệt mạng. 

Để thực sự hiểu được phản ứng của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong trường hợp xảy ra chiến tranh, Jackson phân tích những tình huống có thể xảy ra như sau.

Chuyên gia Lầu Năm Góc nói thẳng: Muốn đấm vỡ mũi Triều Tiên, ông Trump đừng ảo tưởng - Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15 của Triều Tiên, được Bình Nhưỡng tuyên bố có thể phóng tới mọi điểm trên lãnh thổ Mỹ (Ảnh: KCNA)

Giai đoạn 1: Mỹ tấn công

Nếu Mỹ muốn dạy cho Triều Tiên một bài học, nước này cần tiến hành một cuộc tấn công được công khai. Do vậy, các phương án tấn công bằng lực lượng ngầm hoặc đặc biệt sẽ bị loại trừ. 

Mục tiêu lý tưởng nhắm tới là các hệ thống tên lửa di động, loại tên lửa phóng lên từ các bệ phóng di động. Loại vũ khí này rất khó nắm bắt được tung tích và đang được Bình Nhưỡng sản xuất nhiều hơn cùng với việc sử dụng nhiên liệu rắn.

Nếu kế hoạch thành công, đây sẽ là minh chứng cho thấy nước Mỹ có thể tấn công bất cứ mục tiêu nào của Triều Tiên và luôn sẵn sàng thực hiện điều này. Bởi vì hầu hết các địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên đều nằm ở cực bắc nước này, Mỹ chỉ có thể tấn công bằng đường biển hoặc đường không. 

Theo đường biển, vũ khí hợp lý nhất sẽ là loại tên lửa hành trình Tomahawk, phóng lên từ một trong những tàu Hải quân Mỹ đang hoạt động trên các vùng biển quốc tế ở phía bắc bờ biển Triều Tiên. 

Theo đường không, Mỹ sẽ sử dụng những chiếc máy bay F-22 và F-35 ở chế độ tàng hình nhằm hạn chế khả năng bị hệ thống tên lửa đất đối không của Triều Tiên bắn rơi.

Cho dù bằng đường biển hoặc đường không, Mỹ đều áp dụng các biện pháp phòng ngừa để tối đa hóa thành công và giảm thiểu những thiệt hại cho hệ thống vũ khí của mình. Ví dụ như gây nhiễu hệ thống kiểm soát điện tử hoặc phá hủy các mục tiêu thứ cấp như hệ thống phòng không.

Bước 2: Phản ứng của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un

Nếu Mỹ tấn công một địa điểm phóng tên lửa của Triều Tiên, thách thức trực tiếp của nhà lãnh đạo Kim Jong Un là phải xác định xem liệu Mỹ có đang phát động một cuộc chiến tổng lực hay không. Để đưa ra kết luận cuối cùng, ông Kim sẽ cần tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi quan trọng sau:

• Hệ thống radar, truyền thông, hoặc mạng máy tính của Triều Tiên có bị gián đoạn hoạt động?

• Liệu Mỹ có đang tấn công "các loại tài sản chiến lược" của Triều Tiên - bao gồm hệ thống tên lửa và các cơ sở hạt nhân?

• Tàu ​​sân bay của Mỹ tấn công có tiến hành các vụ tấn công tại các khu vực lân cận với bán đảo Triều Tiên?

• Lực lượng máy bay ném bom vũ khí hạt nhân của Mỹ có đang xuất hiện ở Hàn Quốc hay Nhật Bản?

• Quân đội Mỹ có đang gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực không?

• Lãnh đạo Mỹ có tuyên bố nào về khơi mào chiến tranh với Triều Tiên không?

• Người dân Mỹ có đang di tản khỏi Hàn Quốc?

Ngay khi Mỹ phát động tấn công, chỉ cần một trong bảy câu hỏi trọng yếu này có câu trả lời chắc chắn thì có nghĩa là chiến tranh đã thực sự bắt đầu. Nhờ vậy, lãnh đạo Triều Tiên càng cảm thấy tự tin và nhanh chóng đưa ra quyết định về hình thức đáp trả.

Hàn Quốc - Triều Tiên tiến hành đối thoại sau hai năm.

Giai đoạn 3: Cách đáp trả từ Triều Tiên

Ông Van Jackson chỉ ra, nếu ông Kim kết luận rằng chiến tranh đang sắp xảy ra, Bình Nhưỡng sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài đáp trả mạnh mẽ để buộc Mỹ ngừng chiến dịch. 

Ngoài ra, ông Kim hiểu rằng cuộc chiến càng kéo dài thì càng bất lợi cho phía Bình Nhưỡng về mặt quân sự. Vì vậy, ông sẽ không muốn gây xung đột không cần thiết.

Quyết định đáp trả của Triều Tiên không nhất nhiết phải là sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng khả năng này là rất cao. Bởi vì đối mặt với chiến tranh, lãnh đạo nước này càng có lý do để phát động cuộc tấn công hạt nhân ngay lập tức. 

Vũ khí hạt nhân là "con át chủ bài" của Triều Tiên. Nếu ông Kim Jong Un không sử dụng loại vũ khí này ngay thì Mỹ có cơ hội phá hủy chúng trong những đợt tấn công đầu tiên. Bên cạnh đó, theo học thuyết Pakistan, nếu một bên sử dụng vũ khí hạt nhân thì sẽ reo rắc nỗi sợ hãi cho đối thủ và buộc họ giảm bớt quy mô chiến tranh.

Các mục tiêu mà ông Kim sẽ ngay lập tức nhắm tới để khiến cho Mỹ và đồng minh khó có thể khơi mào chiến tranh gồm có cảng Busan ​​ở cực nam Hàn Quốc, các căn cứ không quân và cảng của Mỹ ở Nhật Bản, hoặc ở đảo Guam (địa điểm xuất phát của các loại máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ), và Hawaii (trụ sở Bộ Tư lệnh Mỹ tại Thái Bình Dương). Chính Triều Tiên từng tuyên bố sẽ tấn công các mục tiêu như vậy.

Khả năng Triều Tiên đáp trả bằng vũ khí hạt nhân trở nên khả thi hơn bởi Bình Nhưỡng hiện đã sở hữu loại vũ khí này. Ngoài ra, họ có thể tấn công các mục tiêu trong nước Mỹ bằng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, và thủ đô Seoul của Hàn Quốc bằng các loại pháo và tên lửa. 

Với việc hàng nghìn người dân Seoul đang nằm trong tầm bắn của hệ thống pháo Triều Tiên, Bình Nhưỡng nắm trong tay "đòn bẩy" buộc Mỹ và đồng minh thu nhỏ quy mô chiến tranh, thậm chí đồng ý đàm phán hòa bình.

Một khi Triều Tiên phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân vào các mục tiêu quân sự của Mỹ và đồng minh, số người thiệt mạng sẽ lên tới 100.000 chỉ trong vài giờ đầu tiên. Và đây chỉ là ước tính sơ bộ. Ngay cả những cuộc tấn công với đầu đạn thông thường cũng sẽ gây ra thương vong cho hàng chục nghìn người.

Chuyên gia Lầu Năm Góc nói thẳng: Muốn đấm vỡ mũi Triều Tiên, ông Trump đừng ảo tưởng - Ảnh 3.

Các quân nhân Hàn Quốc theo dõi bản tin về một vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (Ảnh: AP)

Kịch bản khác

Nếu ông Kim Jong Un xác định cuộc tấn công phòng ngừa (từ phía Mỹ) không phải là một hành động chiến tranh, thì điều này sẽ đi ngược lại với giả định của Mỹ/đồng minh về lãnh đạo Triều Tiên. Họ luôn tin rằng ông sẽ sử dụng để chống lại bạo lực.

Nếu ông Kim nhận ra chiến dịch của Mỹ thực sự có ý nghĩa hạn chế, ông sẽ ít có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân nhưng có thể lựa chọn thời gian và địa điểm để phát động trả đũa bằng vũ lực. Các hình thức đáp trả khả dĩ có thể là các cuộc tấn công kiểu du kích và các cuộc tấn công đặc biệt như nước này đã từng áp dụng trong những năm 1960.

Bình Nhưỡng đang sở hữu nhiều lợi thế quân sự mà cả Syria và Iraq đều không có. Ví dụ, hệ thống pháo và tên lửa có khả năng tấn công Seoul với dân số 9 triệu dân và kho vũ khí hạt nhân có tiềm lực.

Tuy nhiên, với lịch sử mối quan hệ song phương kéo dài gần 7 thập kỉ trong căng thẳng và nghi kị, chắc chắc ông Kim Jong Un khó có thể nhận ra sự khác biệt giữa cuộc tấn công hạn chế với cuộc tấn công tổng lực. Theo ông Jackson, thậm chí kể cả Triều Tiên xác định hai hình thức chiến tranh này thì họ cũng chắc chắn không bao giờ để bất cứ kẻ thù nào bắt nạt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại