Ông Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin dự báo kinh tế xã hội (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa ra nhận định trên tại Hội thảo “Tổng quan thị trường tài chính 2016” do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức sáng nay (10/11).
Đối với việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Khôi cho rằng đây có thể là một trong những “biến cố” diễn ra trong năm 2016, tương tự như vụ Brexit hồi tháng 6. “Đây là những yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế, thị trường tài chính thế giới”, ông nói.
“Cùng với Brexit, sự biến động của giá dầu, sự suy giảm của kinh tế Trung Quốc và kết quả của bầu cử Mỹ đã thể hiện nhiều yếu tố bất định. Chủ nghĩa hoài nghi, dân tuý, chống toàn cầu hoá đang lên rất mạnh.
Trước khi có kết quả bầu cử Mỹ, tôi nghĩ là việc xảy ra hiệu ứng domino ở châu Âu là khó. Tuy nhiên, với diễn biến như hiện nay, điều này hoàn toàn có thể xảy ra.
Và nó sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến toàn cầu hoá, những hiệp định tự do thương mại mà chúng ta sắp ký kết”, ông Khôi phân tích.
Cũng theo ông, Brexit có thể không tác động nhiều đến Việt Nam bởi lẽ Việt Nam xuất khẩu sang Anh không nhiều nhưng với sự kiện Donald Trump thì có thể khác.
Tuy nhiên, ông Khôi cũng hoài nghi về việc thực hiện những tuyên bố của của ông Trump trong quá trình tranh cử, bởi lẽ đấy cũng có thể chỉ là chiêu bài chính trị.
Do đó, ông Khôi khuyến cáo cần phải phân tích sâu hơn về kết quả bầu cử Mỹ, về chính sách của Donald Trump bởi lẽ giờ đây mọi thứ “rất khó đoán định”.
Ông Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế Maritime Bank thì cho rằng đằng sau câu chuyện của bầu cử Mỹ là một trường phái mới phá vỡ truyền thống.
Ông Quang Anh cũng đồng tình với ông Khôi về việc Việt Nam cần có những phân tích, nhìn nhận sâu và rõ về những vấn đề trên.
Còn quan điểm của ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia chính sách công độc lập thì lại cho rằng sự kiện Donald Trump không tác động nhiều đến kinh tế Việt Nam.
“Vị trí Tổng thống tác động đến ngoại giao và phần nào đó là quân sự nhiều hơn”, ông nói.
Mặt khác, với cấu trúc quyền lực, cách xây dựng và quyết định chính sách của Mỹ thì Tổng thống tự thân không thể chi phối được tất cả. “Do đó, không dễ để đưa ra một chính sách thảm hoạ đâu!”, ông cho hay.
Đối với những ngành mà Việt Nam đang buôn bán với Mỹ như nông sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ, ông Đồng cho biết thực chất thuế suất của nó đã được ổn định từ lâu nay.
Do đó, sẽ khó có thể có biến đổi gì lớn. “Còn các vụ kiện bán phá giá, phần nhiều là do các hiệp hội, công ty thực hiện, hành pháp không can thiệp được nhiều. Hành pháp chỉ liên quan đến thuế suất và các hàng rào bảo hộ.”, ông phân tích.
Mặt khác, ông Đồng tỏ ra lạc quan về vị tân Tổng thống. “Trump là dân kinh doanh, các chính sách sẽ làm lợi trong ngắn hạn cho Mỹ. Nếu xu hướng kinh tế tăng trưởng tốt, như vậy Việt Nam cũng sẽ có lợi”, ông nói.