Tầm quan trọng của năng lực kết hợp các loại vũ khí
Theo giới phân tích, khác với cuộc phản công tại Kharkov vào năm 2022, cuộc phản công lần này của Ukraine có thể thiếu yếu tố bất ngờ do quân đội Nga đã có sự chuẩn bị ứng phó kỹ càng hơn. Để giành lợi thế, Ukraine cần phải kết hợp nhiều hoạt động tác chiến và nhiều loại vũ khí.
Điều này đòi hỏi sự phối hợp giữa các lực lượng bộ binh, thiết giáp, đơn vị chiến đấu và phòng không để tối đa hóa hiệu quả của hơn 200 xe tăng, 300 xe chiến đấu bộ binh cùng nhiều loại vũ khí khác mà Kiev đã tiếp nhận kể từ tháng 12/2022. Nhưng quá trình này rất khó khăn, phức tạp. Hơn nữa, Ukraine lại đang thiếu ưu thế trên không.
Ukraine đã công khai về một cuộc phản công mùa xuân nhằm đẩy lùi các lực lượng Nga. Ảnh: Reuters
Ông Franz-Stefan Gady - thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế có trụ sở tại London cho biết: “Việc kết hợp vũ khí là công thức số 1 của các hoạt động quân sự”.
Khái niệm kết hợp vũ khí ra đời từ Thế chiến 1, khi các chỉ huy cùng lúc triển khai các trận địa pháo, điều động xe tăng, bộ binh tấn công dưới mặt đất và máy bay yểm trợ trên không, để phá vỡ thế bế tắc của chiến tranh chiến hào. Khái niệm này đã được hoàn thiện trong Thế chiến II và ở giai đoạn cao trào của Chiến tranh Lạnh, quân đội NATO thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận vũ trang kết hợp. Tuy nhiên, bí quyết kết hợp vũ khí đã bị mai một sau khi Liên Xô tan rã.
Nhà phân tích Gady cho rằng, Mỹ có lẽ là lực lượng phương Tây duy nhất được trang bị và huấn luyện bài bản để thực hiện các hoạt động tác chiến kết hợp ở quy mô mà Ukraine cần. Washington hiện đang cung cấp các khóa đào tạo và công nghệ cho quân đội Ukraine.
Theo giới phân tích, phương Tây cũng chuyển giao cho Ukraine một hệ thống rất quan trọng mà Lầu Năm Góc mô tả là “thiết bị tích hợp các bệ phóng, tên lửa và radar phòng không của phương Tây với hệ thống phòng không của Ukraine”. Mặc dù Mỹ không tiết lộ chính xác tên gọi của hệ thống này, nhưng một số người cho rằng, nó có thể tiên tiến hơn so với phiên bản có từ thời Liên Xô của Ukraine, cho phép kết nối các cảm biến và hệ thống phòng không mà Kiev nhận được từ Mỹ, châu Âu, để giúp họ sử dụng tên lửa đất đối không hiệu quả hơn và tấn công mục tiêu nhanh hơn.
Hệ thống cũng có thể giúp các máy bay chiến đấu của Ukraine bảo vệ lực lượng mặt đất trước không quân Nga - vốn có nhiều chiến đấu cơ và vũ khí hiện đại, có thể tiến hành các cuộc tấn công ở bên ngoài tầm với của hệ thống phòng không Ukraine.
“Điều đó rất quan trọng, bởi vì sau khi thể hiện vai trò hạn chế trong giai đoạn đầu cuộc chiến, các máy bay chiến đấu của Nga đã bắt đầu sử dụng những vũ khí mới, tăng cường các cuộc xuất kích, thực hiện một loạt nhiệm vụ mới vào thời điểm lực lượng phòng không Ukraine đang suy yếu”, ông Gustaf Gressel, cựu sĩ quan Bộ Quốc phòng Áo và hiện là thành viên chính sách cấp cao của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Châu Âu có trụ sở tại Brussels nhận định.
Hiện có nhiều lo ngại về việc các hệ thống phòng không chủ chốt của Ukraine, chẳng hạn như hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Buk – vốn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lực lượng mặt đất, sắp cạn tên lửa. Ukraine đã kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay hiện đại và tên lửa đất đối đất tầm xa ATACMS, nhưng Washington vẫn chưa trả lời.
Chênh lệnh giữa nhu cầu và nguồn cung
Với chiến tuyến trải dài hơn 1.400km phân chia các vùng lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát của Nga với phần còn lại của Ukraine, sẽ có rất nhiều địa điểm mà Ukraine có thể lựa chọn để bắt đầu cuộc phản công. Nhưng xét về mặt chiến lược, giới phân tích cho rằng, khu vực phía Nam sẽ là địa điểm khả thi nhất.
Vẫn chưa rõ Nga có đủ binh sỹ để bố trí cho những tuyến phòng thủ mà họ đã thiết lập khắp miền Nam Ukraine hay không. Nếu không, họ sẽ phải thăm dò và dự đoán nơi Ukraine tấn công. Điều này sẽ giúp Kiev có cơ hội gây bất ngờ cho đối phương.
Trường hợp ngược lại, các lực lượng Ukraine có thể gặp nhiều thách thức khi công phá các tuyến phòng thủ nhiều lớp của Nga. Nếu Ukraine có khả năng chọc thủng phòng tuyến của đối phương thì họ cần phải có đủ binh sỹ và thiết bị để vượt qua bất cứ lỗ hổng nào.
Theo ước tính, lực lượng vũ trang Ukraine hiện có 700.000 binh sỹ. Kiev đã trang bị cho 3 lữ đoàn mới của nước này các xe tăng hiện đại và phương tiện chiến đấu bộ binh do NATO cung cấp. Sáu đơn vị khác, với quân số khoảng 5.000 người, được trang bị các thiết bị thời Liên Xô do một số nước từng là thành viên của Khối hiệp ước quân sự Warsaw cung cấp để thay thế những khí tài bị tổn thất sau một năm giao tranh.
Sức ép viện trợ cho Ukraine đã khiến quân đội nhiều nước châu Âu gần như cạn kiệt kho dự trữ vũ khí. Châu Âu cam kết sản xuất nhiều đạn dược hơn nhưng không rõ nỗ lực này có thể đáp ứng đủ nhu cầu của một cuộc chiến pháo binh cường độ cao hay không.
“Có sự chênh lệch lớn giữa nhu cầu vũ khí của Ukraine với khả năng đáp ứng của châu Âu. Những con số mà châu Âu cho là quá lớn lại thực sự rất nhỏ đối với Ukraine”, ông Gressel nhấn mạnh./.