Trước thông tin Hà Nội có thể cấm xe máy trên 2 tuyến đường lớn dẫn vào nội đô là Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, lập tức có nhiều ý kiến trái chiều, tranh cãi gay gắt. Tuy vậy, phần lớn các ý kiến đều tập trung vào các giải pháp của ngành giao thông. Đặc biệt, người dân lo ngại các phương tiện công cộng, trong đó có xe buýt, liệu có thay thế được xe máy? Người dân sẽ di chuyển bằng phương tiện gì, nếu cấm xe máy?...
Riêng KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch TP. Đà Nẵng lại "hiến kế" tương đối khác lạ. Theo ông Diệm, phải tìm giải pháp để "không cho dân ra đường" thì mới hết kẹt xe. Lúc đó, cấm xe máy, ôtô cá nhân sẽ dễ dàng thực hiện.
Dân ra đường để làm gì?
Ông Diệm phân tích, vấn nạn tắc đường và quá tải các dịch vụ ở các đô thị lớn nói chung và Hà Nội, TPHCM hiện nay nói riêng là đã rất nghiêm trọng. Muốn đưa ra bất cứ một phương án, giải pháp khả thi nào, trước mắt cần “bắt đúng bệnh” thì mới tháo gỡ được.
Phải có nghiên cứu, thống kê cụ thể: “Người dân ra đường để làm gì? Họ đi đâu mỗi ngày? Vì sao phải đi lại nhiều trên mặt đường đô thị đến thế? Vì sao dân đô thị ở Việt Nam lại dùng phương tiện cá nhân?... Nếu có cách làm cho dân không ra đường nữa, thì sẽ hết tắc đường!”.
Ông Diệm cho biết, từ những năm đầu thập niên 1960, Việt Nam đã xây dựng bộ tiêu chuẩn VN về xây dựng cơ bản và quy hoạch đô thị. Trong đó, phần quy định quan trọng là “bán kính phục vụ”. Nhưng dường như đến nay, không đô thị nào áp dụng đúng.
Ngoài quy hoạch chi tiết bản đồ 1/500, bất kỳ khu dân cư, đô thị nào cũng buộc phải tính toán lượng dân số để đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản như: Phải đảm bảo đủ 100m2/đầu người. 15m2 giao thông/người; 15m2 cây xanh/người... Từ đó, mới áp dụng được bán kính phục vụ cụ thể.
Ví dụ, gửi trẻ mầm non không quá 500m, tập dưỡng sinh, gửi ôtô, xe máy... không quá 500m; bậc tiểu học, đến trường, đi mua sắm gia dụng, đến cơ sở y tế... không quá 1.000m. Đến nơi công cộng khác, chờ xe buýt là không quá 1.000m hoặc không quá 10 phút. Tương tự, các hoạt động xã hội công cộng lớn hơn sinh hoạt đời sống thường nhật, bán kính phục vụ lớn hơn theo tỉ lệ đó. Nếu áp dụng đúng “bán kính phục vụ” để làm quy hoạch, xây dựng, bố trí dân cư, thì không việc gì người dân phải ra đường để bị kẹt xe, ùn tắc giao thông.
Dân số các đô thị lớn gia tăng cả tự nhiên lẫn cơ học, trong khi đó, cơ quan quản lý không áp dụng các “tiêu chuẩn VN” trong xây dựng, cắt xén diện tích công cộng, cây xanh, thậm chí thay đổi quy hoạch ban đầu để tăng số nền đất, bán tận thu. Một mặt buông lỏng quản lý cư trú dẫn đến quá tải các dịch vụ xã hội lẫn giao thông.
Các đô thị ở “đẻ ra” trường chuyên, lớp chọn, trường điểm để rồi đua chen nhau đưa con đến học cho hơn người... Các trung tâm y tế có tiêu chuẩn, chất lượng chênh lệch nhau quá lớn. Chính "căn bệnh" đó đã khiến người dân đổ ra đường nhiều hơn, để đưa đón con cái, người thân đến những dịch vụ xã hội chất lượng cao. Kẹt xe làm sao tránh khỏi.
Cần sửa sai quy hoạch
KTS Hồ Duy Diệm nói: “Tôi thấy hướng Hà Đông - Hà Nội tắc đường buổi sáng, và hướng ngược lại thì tắc buổi chiều. Vì cho dù có xây dựng thêm nhiều nhà cao tầng, khu đô thị mới ở Hà Đông, Hà Tây, Hòa Lạc... thì người dân cũng phải vào nội đô để làm việc, đưa con đi học, chữa bệnh... nếu không đảm bảo bán kính phục vụ tại chỗ cho họ”.
Để giải quyết vấn nạn tắc đường Hà Nội, không thể chỉ dựa vào quyết tâm cao của Chính phủ, ngành GTVT, của TP. Hà Nội, mà phải là câu chuyện trách nhiệm của toàn xã hội. Cần có tiền, thời gian, để giãn dân, bổ sung những sai lầm quy hoạch, XD và bố trí dân cư. Bổ sung quy định về “bán kính phục vụ” như một pháp lệnh, buộc mọi đô thị phải áp dụng. Trước mắt, cần di dời các trường ĐH, cơ quan hành chính, bộ ngành, ra khỏi nội đô...”.