"Mỹ-NATO nên chủ động tấn công"
Theo một nghiên cứu mới của chuyên gia Bradford Dismukes – Đại tá Hải quân Mỹ đã về hưu, đồng thời là một nhà khoa học-chính trị, hạm đội hoen gỉ và bị co nhỏ của Nga hiện không thể tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các nhóm tàu của Mỹ và đồng minh ngoài đại dương.
Do đó, trong trường hợp nổ ra chiến tranh, các lực lượng hải quân phương Tây không nên chỉ lo phòng thủ các nhóm tàu này trước nguy cơ bị phục kích. Thay vào đó, họ nên chủ động tấn công.
Ông Dismukes cho rằng, có một vấn đề đã tồn tại rất lâu trong mạng lưới tình báo hải quân của Mỹ và NATO. Trong suốt Chiến tranh Lạnh, giới phân tích phương Tây đã đánh giá quá cao mối đe dọa mà hạm đội Liên Xô có thể tạo ra đối với những nhóm tàu chở lực lượng tiếp viện của Mỹ tới châu Âu trong trường hợp đôi bên nổ súng.
"Nhiệm vụ chính của hải quân Liên Xô không phải là tấn công [các lực lượng khác] tại những vùng biển quốc tế ở Bắc Đại Tây Dương, mà là túc trực gần cảng nhà để bảo vệ đất mẹ" – ông Dismukes giải thích. Đó là lý do tại sao hạm đội Liên Xô chưa từng được đầu tư một cách nghiêm túc vào các tàu sân bay cỡ lớn.
Bước vào thời hậu Xô Viết, điều đó vẫn không thay đổi. Hạm đội hải quân Nga hiện nay chỉ có duy nhất một chiếc tàu sân bay "không an toàn và không đáng tin cậy", hiếm khi được triển khai. Số lượng các tàu chiến cỡ lớn cũng khá ít ỏi.
Nga đang đầu tư nhiều hơn vào các tàu chiến cỡ nhỏ, thay vì tàu cỡ lớn. Ảnh: HQ Nga
Xét về tất cả các khía cạnh thì hải quân Nga đang tụt hậu so với hải quân Mỹ. Trong bài phân tích viết cho Trung tâm Nghiên cứu hải quân Quốc tế ở Washington, D.C, chỉ huy hải quân Mỹ Keith Patton cho biết hạm đội của Moscow có khoảng 360 tàu.
Mặc dù hải quân Mỹ chỉ có 333 tàu chiến đúng nghĩa nhưng những con tàu này có kích cỡ trung bình lớn hơn nhiều so với tàu của Nga. Tổng lượng giãn nước của các tàu chiến Mỹ là 4,6 triệu tấn, trong khi con số này của hạm đội Nga là 1,2 triệu tấn.
Bên cạnh đó, Hải quân Nga ngày càng có xu hướng trở thành lực lượng hải quân khu vực. Các tàu tên lửa cỡ nhỏ của họ không đủ sức bền để băng qua các đại dương. Chúng chỉ có thể bám trụ gần bờ và từ đó bắn những tên lửa hành trình tầm xa tới mục tiêu.
Hạm đội Mỹ có thể mang khoảng 12.000 tên lửa tấn công, còn hạm đội Nga mang chưa được tới 3.300 tên lửa. Con số này có thể tiếp tục giảm nếu các tàu chiến cỡ lớn, cũ kỹ của Nga bị loại biên trong thời gian sắp tới, và thay thế chúng chỉ là các tàu cỡ nhỏ.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo hải quân Mỹ và đồng minh, cũng như nhiều nhà phân tích vẫn nghĩ tới viễn cảnh hải quân Nga sẽ tiến vào Bắc Đại Tây Dương và lên kế hoạch phát động chiến tranh ở các vùng biển quốc tế. Do đó, họ có xu hướng lặp lại những nỗ lực hộ tống dày công từng áp dụng cho các nhóm tàu băng qua Đại Tây Dương trong Thế chiến II.
"Khi các đối thủ nhắm vào mạng lưới hậu cần của Mỹ, họ có thể khiến Mỹ bại trận và không hỗ trợ được đồng minh/đối tác khi cần thiết" – Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược tại Washington D.C cảnh báo trong một bản báo cáo hồi tháng 5/2019.
Lưu ý lời cảnh báo đó, tới tháng 3/2020, lần đầu tiên trong hàng thập kỷ qua, hạm đội Mỹ đã thực hành các hoạt động theo nhóm tàu.
Cụ thể, tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower và nhóm tác chiến của nó di chuyển phía trước một nhóm gồm các tàu vận tải cao tốc làm nhiệm vụ chở các xe bọc thép của Lục quân Mỹ tới châu Âu. Có ít nhất 1 tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường đi cùng các tàu vận tải.
"Cuộc diễn tập cho phép chúng tôi mài dũa khả năng vận chuyển các nguồn lực quan trọng băng qua Đại Tây Dương, từ Mỹ tới châu Âu" – Đô đốc James Foggo, chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại châu Âu khi đó, cho hay.
Săn lùng, đánh chìm các tàu hàng Nga
Chuyên gia Dismukes cảnh báo rằng, chiến lược nhóm tàu là một sự lãng phí tàu. Thay vì điều tàu của mình đi tuần tra phòng thủ để chống lại một kẻ địch chưa chắc đã xuất hiện, NATO nên chủ động tấn công gần bờ biển của Nga hơn để "khai thác quyền chỉ huy toàn cầu trên biển của phương Tây thông qua hoạt động phong tỏa".
Nga hiện có một hạm đội tàu cá cỡ lớn, cũng như khoảng 1.000 tàu biển chuyên chở hàng hóa (bao gồm cả khí đốt tự nhiên hóa lỏng). Chỉ riêng dầu mỏ và khí đốt đã chiếm 2/3 sản lượng xuất khẩu của Nga.
Việc Nga tập trung hoạt động kinh tế trên những con tàu này sẽ mang lại rủi ro cho Moscow, và đó là cơ hội của Mỹ cùng đồng minh. Nếu Nga và NATO nổ ra chiến tranh, các tàu chiến và tàu ngầm của liên minh NATO có thể săn lùng và đánh chìm các tàu hàng Nga.
Một tàu chở khí đốt hóa lỏng của Nga. Ảnh: Sputnik
"Nga sẽ phải đối mặt với lựa chọn: tìm kiếm và duy trì các lợi ích lãnh thổ/chính trị ở ngoài phạm vi của phương Tây hoặc mất trắng những khoản đầu tư khổng lồ vào ngành xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng" – ông Dismukes viết.
Theo vị chuyên gia, để theo đuổi chiến lược này, đầu tiên NATO cần có năng lực tình báo và phân tích âm thanh chính xác.
Tới khi nào các nhà hoạch định hải quân phương Tây vẫn còn nghĩ rằng chiến tranh có thể nổ ra với Nga ở những vùng biển lớn thì họ vẫn có nguy cơ phớt lờ những loại hình hoạt động mà có khả năng cao hơn sẽ diễn ra trong thời chiến, và hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội chiến thắng hơn cho NATO.
Những phân tích của ông Dismukes cũng áp dụng với cuộc chiến tiềm năng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ý tưởng về chiến lược hải quân chống lực lượng thương mại "có vẻ còn có tiềm năng lớn trong việc chống lại Trung Quốc, bởi nước này phụ thuộc rất lớn vào các nguồn nhập khẩu năng lượng, nguyên liệu thô, và thậm chí lượng thực qua đường biển", ông Dismukes viết.