Chuyên gia: Điểm yếu này của Trung Quốc sẽ giúp Mỹ "thắng chắc" trong cuộc chiến giành bạn

Hồng Anh |

Nhà phân tích Fraser Howie khẳng định nhiều quốc gia sẽ "đứng về phía Mỹ", dù Trung Quốc cũng góp công lớn đối với sự tăng trưởng của các nước này.

Trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước Mỹ-Trung đang thay đổi và tái định hình chính trị-kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu lo ngại về thời điểm họ sẽ buộc phải đưa ra chọn lựa giữa một trong hai ông lớn này, theo CNBC.

Mỹ sẽ thắng Trung Quốc trong cuộc chiến giành bạn?

Ông Fraser Howie, một nhà phân tích độc lập - tác giả của nhiều cuốn sách về Trung Quốc và hệ thống tài chính của quốc gia châu Á này - nhận định, nếu viễn cảnh trên xảy ra, thì rất nhiều quốc gia trên thế giới sẽ chọn đứng về phe Mỹ, chứ không phải phe Trung Quốc.

"Họ sẽ đứng về phía Mỹ", ông Howie trả lời phóng viên CNBC trong một cuộc phỏng vấn ngày thứ 4 vừa qua, trong chương trình "Street Signs" (Biển báo Giao thông).

Theo nhà phân tích này, mặc dù phần lớn các nước châu Á đã giàu lên nhờ sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc, kể từ 40 năm trước, khi nước này bắt đầu áp dụng chính sách cải cách và mở cửa dưới thời cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình; tuy nhiên người khổng lồ của Đông Á lại không phát triển và phát huy được sức mạnh mềm của mình.

"Trong vòng 30 năm tăng trưởng, phần lớn châu Á đã trở nên giàu có hơn nhờ vào Trung Quốc, nhưng [Bắc Kinh] lại thất bại trong việc tạo dựng quan hệ. Tôi nghĩ rằng đây là điểm yếu trong sức mạnh mềm của Trung Quốc - họ không thể "kết bạn", và thay vì thái độ thân thiện, các quốc gia trên thế giới hiện nay lại lo ngại và cảnh giác trước [Bắc Kinh]", ông Howie nói.

Sự trỗi dậy từ một quốc gia nghèo tới vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới của Trung Quốc trong vòng 40 năm qua đã giúp nước này thêm tự tin để mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và kĩ thuật.

Rất nhiều ý kiến cho rằng sự phát triển "thần kỳ" của Trung Quốc là mối đe dọa đối với nước Mỹ, và có nguy cơ tạo ra sự thay đổi chấn động trong trật tự thế giới mà Washington từng góp phần tạo dựng.

"Nói một cách đơn giản, thì mục tiêu của Trung Quốc là thay thế vị trí cường quốc số 1 thế giới của Mỹ", Giám đốc FBI Christopher Wray phát biểu tại một buổi họp báo gần đây, khi Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố các cáo buộc đối với hai công dân Trung Quốc.

Hiện nay hai nước Mỹ-Trung đang căng thẳng không chỉ vì chuyện thuế quan, mà còn bởi cách hai phía hành xử với các doanh nghiệp của đối phương.

Điều này có nghĩa là các tập đoàn và doanh nghiệp có thể cũng sẽ phải đưa ra lựa chọn sẽ theo phe nào, nhà đồng sáng lập của công ty công nghệ Tradeshift từng cho biết hồi tháng trước.\

Chuyên gia: Điểm yếu này của Trung Quốc sẽ giúp Mỹ thắng chắc trong cuộc chiến giành bạn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: CGTN.

Viễn cảnh Trung-Mỹ hòa hảo: Lý tưởng nhất, nhưng khó thành hiện thực

Các quốc gia "láng giềng" của Trung Quốc - phần lớn trong số đó là các nước nhỏ - có thể không muốn chống lại Bắc Kinh, ông Howie nói, nhưng rất có thể họ sẽ cảm thấy "uất ức" vì lối hành xử của Trung Quốc trong khu vực.

"Trong mắt họ, Trung Quốc đã hành xử bất công. Họ cảm thấy Trung Quốc là một kẻ bắt nạt - và đúng là như vậy - do đó họ sẽ tận dụng cơ hội này để thử chống lại Bắc Kinh", ông Howie nói.

Trong khi đó, rất nhiều đồng minh và đối tác của Mỹ - thậm chí là cả các quan chức Mỹ như ông James Mattis - đã bày tỏ sự bất bình rằng chính quyền ông Trump không thực thi đúng các cam kết quốc tế như mong muốn của họ.

Tuy vậy, nhiều quốc gia khác trên thế giới cũng sẽ thấy rất khó khăn nếu phải đối mặt với sự lựa chọn này - khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là những đối tác quan trọng và khó từ bỏ của họ.

"Điều này sẽ gây khó khăn cho nhiều quốc gia, đặc biệt là ở khu vực Đông Nam Á", ông Howie nhận định.

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên thẳng thắn lên tiếng bày tỏ lo ngại này.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC hồi tháng 10 năm ngoái, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết mối quan hệ của nước này với hai nền kinh tế hàng đầu thế giới còn "phụ thuộc vào tình hình quan hệ giữa hai nước Mỹ và Trung Quốc".

"Nếu Mỹ và Trung Quốc xung đột, thì chúng tôi sẽ phải chọn phe. Tuy không ai trực tiếp nói ra điều đó, nhưng khi ấy bạn sẽ nhận được những thông điệp như: 'Chúng tôi muốn ông ủng hộ chúng tôi, ông có đồng ý không? Nếu ông không đồng ý, nghĩa là ông đang chống lại chúng tôi ư?' Nói như vậy là nhẹ nhàng rồi đấy", Thủ tướng Lý cho biết.

Đối với các quốc gia trên thế giới, thì điều lý tưởng nhất chính là không phải lựa chọn theo phe nào, nhưng điều đó sẽ rất khó thành sự thật. "Trong thập kỷ tới, thế giới sẽ thay đổi rất nhiều", nhà phân tích Howie nhận định".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại