Chuyên gia Đan Mạch: Nga sẽ hy sinh quân bài đối trọng Iran để "hạ gục" Mỹ?

Hồng Anh |

Nga luôn tự ý thức mình là một siêu cường ngang hàng với Mỹ, đồng thời coi Iran là đòn bẩy chính trị nhằm giữ thế trận cân bằng với Mỹ và phương Tây.

* Bài viết được đăng tải trên trang Al Jazeera, thể hiện quan điểm và góc nhìn riêng của tác giả Maysam Behravesh, một nhà nghiên cứu về khoa học chính trị tại Đan Mạch.

Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với hãng thông tấn Russia Today của Nga hôm 31/5 vừa qua, Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã cố gắng bác bỏ các cáo buộc về việc Iran hiện diện quân sự tại nước này: "Quân đội Iran không đóng quân [tại Syria]. Chúng tôi chỉ mời các quan chức quân đội Iran tới hỗ trợ quân đội Syria, nhưng họ không đồn trú trên thực địa".

Phát biểu trên của ông Assad dường như là lời đáp trả đối với tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. Cụ thể, ông Lavrov đã nhấn mạnh rằng "tất cả những lực lượng vũ trang không phải của Syria" đều phải rút khỏi biên giới phía Nam của Syria, giáp với Israel.

Yêu cầu của ông Lavrov được đưa ra không lâu sau lời phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc hội đàm ngày 17/5 với Tổng thống Assad tại Sochi, rằng "các lực lượng quân đội nước ngoài sẽ phải rút khỏi lãnh thổ Syria, trừ Nga".

Theo Tổ chức Giám sát Nhân Quyền Syria tại Anh, các chiến binh Iran và Hezbollah đã bắt đầu chuẩn bị rời khỏi khu vực Deraa và Quneitra tại Nam Syria.

Nga vẫn luôn muốn giữ thỏa thuận hạt nhân cùng với các nước châu Âu. Tuy nhiên, áp lực quốc tế ngày càng gia tăng đối với Tehran và các động thái của Iran trong khu vực đã vô tình tạo cơ hội để Nga bắt tay Tel Aviv, với mục đích cuối cùng là 'hạ gục' Washington.

Chuyên gia Đan Mạch: Nga sẽ hy sinh quân bài đối trọng Iran để hạ gục Mỹ? - Ảnh 1.

Ảnh: AP

Liệu Nga có sẵn lòng hy sinh Iran cho mục đích này, và ông Putin sẽ chấp nhận đánh đổi đến mức nào?

Moskva và Tehran đã cùng phát triển mối quan hệ gắn bó kể từ khi Iran tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Cả hai bên đều ủng hộ chính quyền ông Assad trong cuộc nội chiến 7 năm tại Syria, hơn nữa còn cùng Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị nhằm giải quyết xung đột này một cách độc lập với phương Tây.

Nhằm củng cố quan hệ song phương và phối hợp tạo ra một chính sách thống nhất đối với Syria và Yemen, Tổng thống Putin đã thực hiện chuyến thăm Tehran hồi đầu tháng 11/2017 và hội đàm cùng nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Hassan Rouhani.

Sau đó, vào ngày 26/2/2018, Nga đã phủ quyết dự thảo của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc (LHQ) về việc gây áp lực với Iran, do cáo buộc Tehran đã vi phạm lệnh cấm vũ khí tại Yemen. Iran được cho là đã cung cấp vũ khí trái phép cho lực lượng phiến quân Houthi tại Yemen vào thời điểm đó.

Gần đây nhất, Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak đã tuyên bố hồi tháng 4 vừa qua rằng Moskva đang cân nhắc sử dụng tiền tệ quốc gia trong các giao dịch với Iran, thay vì đồng USD hay đồng Euro.

Trước những tiến triển có vẻ tích cực trong mối quan hệ của hai nước, nhiều chính trị gia và chuyên gia đã khẳng định rằng Nga-Iran đã vượt qua sự gắn kết vì lợi ích, và bước sang giai đoạn mới với tư cách là các "đối tác chiến lược", và "liên minh cùng phát triển".

Tuy nhiên, dựa trên những kinh nghiệm từ lịch sử, có thể thấy rằng việc Nga và Iran "liên minh" chỉ đơn thuần là tưởng tượng hão huyền.

Quân bài đối trọng mang tên "Iran"

Nga luôn tự ý thức rằng họ là một siêu cường ngang hàng với Mỹ, chứ không phải Iran. Moskva luôn tỏ rõ thái độ tức giận khi phương Tây một mực không công nhận và đối xử với Nga như một siêu cường.

Trong lịch sử, Nga từng sử dụng Tehran làm quân bài đối trọng (hay đòn bẩy), nhằm tạo ra thế trận cân bằng với các cường quốc phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Như vậy, rất có thể hiện nay Iran cũng đang đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân trong tham vọng lớn của Nga đối với phương Tây.

Chuyên gia Đan Mạch: Nga sẽ hy sinh quân bài đối trọng Iran để hạ gục Mỹ? - Ảnh 3.

Ảnh: TASS.

Nga từng lợi dụng Iran như thế nào trong lịch sử?

Ngày 8/1/1995, nhà thầu quốc gia Nga Atomstroyexport đã kí kết một hợp đồng xây dựng lò phản ứng nước nhẹ tại nhà máy điện hạt nhân Bushehr với Tổ chức Năng lượng Nguyên tử của Iran. Lò phản ứng này được dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2001.

Tuy nhiên, Moscow đã trì hoãn dự án này khi Mỹ yêu cầu các nước tăng cường áp lực đối với Tehran. Phải đến 1 thập kỷ sau (năm 2011), dự án này mới được tiếp tục tiến hành và bàn giao cho Iran vào năm 2013.

Việc Nga trì hoãn dự án xây dựng lò phản ứng nước nhẹ (trong khi Iran vẫn phải trả tiền) đã giúp cho Moskva có nguồn thu đáng kể trong giai đoạn khó khăn.

Một quyết định trì hoãn mang tính chính trị khác là việc Tehran kí hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 của Nga.

Năm 2007, Tehran đã kí một hợp đồng trị giá 800 triệu USD để mua hệ thống phòng thủ tên lửa đất-đối-không tiên tiến của Nga, với mục đích bảo vệ các cơ sở hạt nhân trước mối đe dọa bị Israel và Mỹ không kích.

Vào thời điểm kí kết thỏa thuận mua hệ thống S-300, HĐBA LHQ đã thông qua 3 Nghị quyết trừng phạt Iran (Nghị quyết số 1696, 1737 và 1747). Nga đã viện lí do này để trì hoãn việc giao S-300 cho Tehran, và một lần nữa Moskva lại dùng Tehran làm quân bài mặc cả để đảm bảo lợi ích chiến lược với Washington.

Một điều đáng chú ý là lệnh trừng phạt của LHQ đối với chương trình hạt nhân của Iran không bao gồm việc mua bán hay chuyển giao các loại vũ khí phòng thủ vào thời điểm đó.

Sau gần 1 thập kỷ thỏa thuận mua hệ thống S-300 được kí kết giữa Nga-Iran, cuối cùng Tehran cũng nhận được hệ thống này vào năm 2016.

Hơn nữa, mặc dù được cho là có mối quan hệ thân thiết với Iran, nhưng Nga chưa từng phủ quyết mà đều ủng hộ cả 6 Nghị quyết của HĐBA LHQ chống lại Iran, từ năm 2006 đến năm 2010.

Trong thời gian gần đây, Nga đã cho thấy nhiều biểu hiện tương tự như trong những ví dụ nêu trên, khi chính quyền ông Putin tiếp tục cùng phương Tây gây sức ép đối với các động thái của Iran tại Trung Đông. Đồng thời, Nga vẫn tỏ ra ủng hộ thỏa thuận hạt nhân mà ông Trump đã rút khỏi, nhằm duy trì đòn bẩy với cả Tehran và Washington.

Rõ ràng quan hệ Nga-Iran phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ Nga-Mỹ. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy Kremlin sẽ lợi dụng Iran nhằm gia tăng vị thế đàm phán với Mỹ, và Israel cũng sẽ có vai trò hữu ích trong cuộc chơi này.

Thủ tướng Israel tố Iran nói dối về chương trình hạt nhân

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại