Chuyên gia chụp 2000 tấm ảnh X-quang, tái hiện dung mạo Pharaoh Tutankhamun - Răng và bàn chân đều có vấn đề

Tiểu Ngọc |

Mô hình 3D cho thấy hàm răng và bàn chân của Pharaoh Tutankhamun đều có vấn đề.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Trong xã hội Ai Cập cổ đại hàng ngàn năm trước, Tutankhamun (người trị vì vào khoảng những năm 1332 TCN -1323 TCN) không phải là vị Pharaoh xuất sắc nhất nhưng lăng mộ của ông lại được bảo quản rất tốt, giữ lại được nhiều cổ vật giá trị.

Các nhà khảo cổ học người Anh đã sử dụng kỹ thuật chụp X-quang, chụp CT kết hợp với nhiều công nghệ hiện đại khác để khôi phục chân dung của vị Pharaoh nổi tiếng này.

Chuyên gia chụp 2000 tấm ảnh X-quang, tái hiện dung mạo Pharaoh Tutankhamun - Răng và bàn chân đều có vấn đề - Ảnh 1.

Thung lũng các vị Vua. Nguồn: Sohu

Lăng mộ Pharaoh Tutankhamun

Thung lũng các vị Vua tọa lạc bên bờ Tây sông Nile luôn là thiên đường của các nhà khảo cổ học, nơi đây tập trung rất nhiều lăng mộ của các pharaoh Ai Cập cổ đại, và lăng mộ của Tutankhamun là một trong những lăng mộ nổi tiếng nhất.

Cuộc đời của Pharaoh Tutankhamun chỉ kéo dài vỏn vẹn 19 năm, ông lên ngôi từ năm 9 tuổi. Trong 10 năm cầm quyền, xét cho cùng Tutankhamun vẫn chỉ là một thiếu niên, công tích cũng chẳng có là bao, thế nhưng việc khai quật lăng mộ của ông lại là một sự kiện đi vào lịch sử loài người.

Là lăng mộ duy nhất còn giữ nguyên được hiện trạng sau 3300 năm, lăng mộ của Tutankhamun có giá trị nghiên cứu rất lớn. Đây cũng là lăng mộ xa hoa thịnh vượng nhất của Ai Cập cổ đại với các bức tường được chạm nổi bằng vàng ròng; quan tài, ngai vàng được đúc bằng vàng nguyên khối; chưa kể đến vô số trang sức bằng vàng bạc đá quý đi cùng.

Trong hơn 10.000 bảo vật được tìm thấy trong lăng, nổi tiếng nhất là chiếc mặt nạ vàng trên nắp quan tài của Pharaoh Tutankhamun. Chiếc mặt nạ này được làm bằng vàng nguyên chất, khảm đá quý và thủy tinh màu.

Điều đặc biệt đó là kích thước của mặt nạ hoàn toàn trùng khớp với kích thước một khuôn mặt người thật. Điều này đã thể hiện trình độ thủ công tinh tế đến khó tin của người Ai Cập cổ đại.

Chuyên gia chụp 2000 tấm ảnh X-quang, tái hiện dung mạo Pharaoh Tutankhamun - Răng và bàn chân đều có vấn đề - Ảnh 3.

Một góc bảo vật được tìm thấy trong lăng mộ. Nguồn: Internet

Một trong những câu hỏi gây ra nhiều tranh luận nhất là tại sao Pharaoh Tutankhamun lại chết ở tuổi 19?

Nhiều chuyên gia phán đoán rằng ông đã bị Pharaoh Ay (trị vì vào khoảng những năm 1324 TCN- 1320 TCN) sát hại. Ay từng là tể tướng trong triều, việc ông ám sát vị Pharaoh trẻ tuổi và non nớt để nắm quyền là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Tuy nhiên, khi các chuyên gia dùng kỹ thuật xét nghiệm ADN, họ phát hiện ra rằng Pharaoh Tutankhamun mắc phải nhiều căn bệnh di truyền. Rất có thể những căn bệnh này đã cướp đi sinh mạng của ông.

Dung mạo thực sự của vị Pharaoh

Cùng lúc với việc nghiên cứu nguyên nhân cái chết, các chuyên gia cũng đã sử dụng công nghệ chụp CT kỹ thuật cao để khôi phục vẻ ngoài của Tutankhamun. Họ sở hữu còn một tài liệu tham khảo quan trọng có sẵn đó là chiếc mặt nạ trên nắp quan tài.

Qua quan sát, các chuyên gia nhận thấy Pharaoh Tutankhamun có sống mũi thẳng, má hơi hóp, đây chắc chắn là một chàng trai trẻ với gương mặt thanh tú.

Tiếp theo, các chuyên gia đã sử dụng công nghệ chụp CT để tiến hành quét toàn bộ cơ thể của Tutankhamun. Trong 2000 bức ảnh X quang chụp được, 300 bức ảnh tiêu biểu đã được lựa chọn.

Những tấm hình này sau đó được phân tích tỉ mỉ trên máy tính, kết hợp với công nghệ mô hình 3D và các kiến ​​thức liên quan về giải phẫu học để xây dựng hình ảnh cuối cùng về vị Pharaoh này.

Dựa trên hình ảnh 3D thu được, nhóm chuyên gia nghiên cứu về xương cũng có những phát hiện mới. Họ đánh giá rằng răng của Pharaoh Tutankhamun rất đặc biệt, cả 2 răng cửa giữa và 2 chiếc răng cửa bên đều có dấu hiệu nhô ra, còn bàn chân trái thì "mọc ngược".

Chuyên gia chụp 2000 tấm ảnh X-quang, tái hiện dung mạo Pharaoh Tutankhamun - Răng và bàn chân đều có vấn đề - Ảnh 5.

Chân dung 3D được dựng lại trong máy tính. Nguồn: Sohu

Vấn đề về bàn chân "mọc ngược" này rất nghiêm trọng, ông sẽ cần dùng nạng để đi lại suốt đời. Điều này cũng giải thích tại sao trong lăng mộ có tới 130 chiếc nạng. Tuy nhiên, cơ mông của Tutankhamun rất săn chắc, chứng tỏ rằng điều kiện dinh dưỡng của ông thời đó rất tốt.

Trong quá trình phân tích ADN xác ướp của vua Tutankhamun, các nhà khoa học cũng đã phát hiện ra ADN của ký sinh trùng gây nên bệnh sốt rét nhiệt đới trong cơ thể của ông, nó được coi là bằng chứng về mặt di truyền học lâu đời nhất của căn bệnh này.

Điều thú vị là, có nhiều chủng mầm bệnh sốt rét đã được tìm thấy và nó chỉ ra rằng vua Tutankhamun đã bị bội nhiễm sốt rét trong suốt cuộc đời của ông. Bệnh sốt rét đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch và gây trở ngại cho quá trình chữa trị bàn chân của ông. Có thể đây là nguyên nhân cuối cùng đã giết chết vị vua trẻ tuổi đáng thương này.

Bài viết tham khảo từ Sohu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại