Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN
Nhận định về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội đồng thời lưu ý những việc cần sớm triển khai nếu sử dụng phương án này.
Phù hợp chuẩn đầu ra
- Ông nhận định thế nào về dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 mà Bộ GD&ĐT vừa công bố?
- Trước khi nhận định về dự thảo phương án, chúng ta cần nhìn nhận Chương trình GDPT 2018 bắt đầu đưa vào triển khai ở cấp THPT từ năm học 2022 - 2023 và năm 2025 lứa học sinh THPT đầu tiên tốt nghiệp.
Chương trình tuyên bố các nhóm năng lực cốt lõi, phẩm chất học sinh đạt được sau khi hoàn thành cấp THPT. Theo đó, có 8 nhóm năng lực cốt lõi: Tự chủ và tự học; Giao tiếp và hợp tác; Giải quyết vấn đề và sáng tạo; Ngôn ngữ; Tính toán; Khoa học; Công nghệ; Tin học; Thẩm mĩ; Thể chất. Do vậy, khi xây dựng bài thi nào, nội dung gì, đều phải hướng tới đánh giá người học đạt được các nhóm năng lực cốt lõi như chương trình công bố.
Với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT, phương án đưa ra là thí sinh thi 4 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn (trong số 4 môn thí sinh lựa chọn học ở THPT). Phương án này theo tôi phù hợp với tuyên bố chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018; đồng thời cơ bản ổn định so với phương án thi hiện nay. Học sinh và phụ huynh đều mong muốn ổn định cách thức kiểm tra, đánh giá người học.
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo. Ảnh: NVCC
- Có ý kiến cho rằng, để giảm áp lực cho học sinh, nên tổ chức 4 môn bắt buộc; học sinh có nhu cầu xét tuyển đại học sẽ chủ động chọn môn tự chọn để thi. Ông nghĩ sao?
- Thông thường, khi chúng ta đề xuất môn thi này, môn thi kia, nhiều môn hay ít môn là cách tiếp cận truyền thống. Học sinh và phụ huynh, thậm chí cả giáo viên tiếp cận theo hướng học nhiều nhưng thi ít và thi thế nào thuận tiện, ít áp lực cho người học. Tuy nhiên, kỳ thi nào cũng có áp lực và thí sinh phải đối mặt. Thêm nữa, ai cũng mong muốn giáo dục phổ thông cho ra đời thế hệ học sinh toàn diện, không bỡ ngỡ khi bước vào đời, xa hơn nữa là thế hệ công dân toàn cầu.
Nếu chúng ta quan tâm đến thi 4 hay 6 môn là vẫn theo tư duy cũ, nặng về kiến thức. Bên cạnh đó, học gì thi nấy đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều người. Giáo dục “phổ thông” là đại trà, học sinh tốt nghiệp THPT phải có đủ kiến thức, kỹ năng, nhận thức cơ bản về tự nhiên, xã hội để bước vào đời. Đây là Kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh phải đạt được chuẩn đầu ra theo quy định của chương trình thì mới tốt nghiệp. Đó mới là điểm mấu chốt. Nói như vậy không nên hiểu đây là kỳ thi khó khăn mà hình dung phổ thông, đơn giản, dễ dàng nếu học sinh học tập bình thường ở THPT.
Bên cạnh đó, không phải thi 4 môn sẽ ít áp lực hơn thi 6 môn. Nếu 4 môn mà bài thi có nhiều câu hỏi ở mức độ vận dụng, vận dụng cao thì sẽ khó hơn rất nhiều so với 6 môn mà đề thi có nhiều câu hỏi ở mức nhận biết, thông hiểu, vận dụng. Độ khó các câu hỏi xây dựng theo ma trận chuẩn hóa đáp ứng với tính chất của kỳ thi tốt nghiệp, nên thí sinh sẽ không bị nhiều áp lực.
Thí sinh cũng không nên nghĩ tất cả các môn học mình đều phải đạt điểm xuất sắc. Những nội dung, kiến thức chuyên môn nào mạnh sẽ đạt điểm cao, không phải thế mạnh sẽ đạt điểm trung bình. Năng lực tự học là một trong những tiêu chí quan trọng. Học sinh có thể tự học thêm các môn lựa chọn, những môn không lựa chọn khám phá khoa học tự nhiên, xã hội. Như thế, chúng ta sẽ có một thế hệ được đào tạo khá toàn diện trước khi rời ghế nhà trường.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN
Nhanh chóng xây dựng ngân hàng câu hỏi
- Nhân câu chuyện về đề thi, dự thảo phương án của Bộ GD&ĐT, nhắc đến việc, để phù hợp với Chương trình GDPT 2018, ngân hàng câu hỏi thi cho tất cả các môn phải được làm mới hoàn toàn theo định hướng đánh giá năng lực đề đưa ra. Đây là việc khó và ông có gợi ý gì để có thể triển khai tốt nội dung này?
- Nếu Chương trình GDPT 2006 tuyên bố chuẩn đầu ra là đánh giá kiến thức, kỹ năng, thì Chương trình GDPT 2018 là đánh giá năng lực, phẩm chất, kiến thức người học. Như vậy phải xây dựng câu hỏi theo hướng đánh giá năng lực như tuyên bố của Bộ GD&ĐT là phù hợp chuẩn đầu ra và không có gì lạ lẫm. Điều lo lắng là, trong khoảng thời gian không còn dài, liệu chúng ta có thể xây dựng được ngân hàng câu hỏi đánh giá năng lực đủ lớn, chất lượng hay không?
Tôi cho rằng, ngay từ bây giờ, chúng ta cần bắt tay vào việc này. Quá trình thực hiện, xác định khối lượng kiến thức với lớp 10, lớp 11, lớp 12 trong đề như thế nào, tỷ phần bao nhiêu để xây dựng câu hỏi ngay. Việc xây dựng câu hỏi thi đánh giá năng lực phải trải qua bước thử nghiệm trên chính đối tượng dự thi. Do đó, các câu hỏi thuộc khối kiến thức lớp 10, 11 phải sớm thử nghiệm, không để hoàn thành tất cả mới làm sẽ không đủ thời gian.
Ngoài ra, dự thảo phương án mới đưa ra ở mức độ đề xuất các môn thi mà chưa đề cập đến cách thức tổ chức thi. Nếu kỳ thi tốt nghiệp tổ chức đồng loạt cùng một thời điểm sẽ vất vả khâu tổ chức thi nhưng giảm gánh nặng cho việc xây dựng ngân hàng câu hỏi. Tổ chức nhiều đợt thi, đặc biệt thi trên máy thì ngân hàng câu hỏi phải rất lớn. Ngân hàng càng lớn, càng đòi hỏi mức độ chuẩn hóa cao, để đảm bảo tính ổn định, cân bằng độ khó dễ của các mã đề thi và tránh lặp lại nhiều lần giữa các đợt thi.
- Theo ông, nên quan tâm đến độ phân hóa của đề thi thế nào để các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT trong xét tuyển?
- Quan điểm của tôi vẫn muốn kết quả thi tốt nghiệp THPT đủ độ tin cậy, thuận lợi để các trường đại học tin tưởng sử dụng xét tuyển. Do đó, mong rằng đề thi có tính phân loại nhất định. Đương nhiên, không thể kỳ vọng kết quả thi có thể đáp ứng tất cả các trường xét tuyển, nhưng về cơ bản có thể phục vụ khoảng 70% đã là rất tốt.
Trên thực tế, dù Kỳ thi tốt nghiệp THPT hay các kỳ thi riêng (đánh giá năng lực, đánh giá tư duy…) đều không thể phủ hết mong muốn của các trường. Đó là lý do, ở nước ngoài có kỳ thi đánh giá năng lực, nhưng đôi khi họ vẫn phỏng vấn nếu cần thiết để tìm thí sinh phù hợp với môi trường học thuật, động lực và khát vọng của thí sinh theo đuổi một ngành đào tạo.
Có thể nói, sẽ thuận lợi cho cả thí sinh và trường đại học nếu kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn được các trường đại học sử dụng xét tuyển. Kỳ thi riêng vẫn luôn tồn tại như một thực thể khách quan và phục vụ những ngành, trường nào thực sự có nhu cầu, đặc biệt đối với các trường yêu cầu đầu vào cao, cạnh tranh lớn, trường đào tạo ngành đặc thù…
Khi học sinh cũng như các trường đại học tham gia vào một sân chơi minh bạch, công bằng, sẽ tạo động lực cạnh tranh cho cả người thi và người tuyển, thu hút được những thí sinh chất lượng. Xu hướng của tuyển sinh đại học thời gian tới không còn tuyển đủ mà là tuyển đúng, tuyển được các thí sinh có chất lượng, khát khao học tập trong môi trường cạnh tranh và tự do học thuật.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT. Ảnh: ITN
Công phu công tác chuẩn bị thi trên máy
- Theo dự thảo, giai đoạn sau 2030, phấn đấu khi tất cả các địa phương trên toàn quốc đủ điều kiện để tổ chức thi trên máy tính sẽ chuyển sang tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm. Theo ông, cần chuẩn bị những gì để có thể triển khai được việc này?
- Để có thể tổ chức thi trên máy cho cả triệu thí sinh trong cùng đợt thi là thách thức không nhỏ. Như Đại học Quốc gia Hà Nội, dù tổ chức thi trên máy với quy mô không quá lớn - khoảng 20 nghìn thí sinh/đợt thi và 100 nghìn thí sinh của cả kỳ thi nhưng đã rất vất vả.
Khi tổ chức thi trên máy, công tác chuẩn bị không chỉ đơn thuần là có đủ một triệu máy tính, mà còn nhân lực để triển khai, dữ liệu ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, hệ thống phần mềm và nhiều vấn đề khác. Đơn cử, cần phải có đội ngũ: Cán bộ làm thi thật sự, cán bộ thông tin, cán bộ hỗ trợ, cán bộ tư vấn, phục vụ…
Hệ thống phần mềm cũng không đơn giản. Ngay như phần mềm xét tuyển, lọc ảo, đăng ký thi tốt nghiệp xây dựng từ năm 2017 nhưng năm nào cũng phát sinh vấn đề, thường xuyên nâng cấp, dù đó mới chỉ là khâu “tiếp đón”, chưa động chạm đến quá trình tổ chức thi. Thi hoàn toàn trên máy tính đòi hỏi tính hệ thống, liên thông và toàn vẹn dữ liệu – đây là thử thách lớn.
Thông thường, trên thế giới, các cuộc thi diện rộng cùng một thời điểm vẫn tổ chức thi trên giấy nhưng với barem rất chuẩn. Còn thi trên máy diễn ra đồng loạt trên quy mô cả nước thì phải có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng, từng bước thí điểm trước khi nhân rộng. Đây là công việc rất khó khăn, nhiều thách thức nếu thực hiện được trong thời gian ngắn.
Từ kinh nghiệm của Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi cho rằng, đầu tiên phải xây dựng một đầu bài chuẩn về thi trên máy; chuẩn hóa dữ liệu; phần mềm tổ chức quản lý thi, chấm thi, giám sát thi… phải đồng bộ, nhất quán ngay từ khi thiết kế. Ra được đầu bài này không đơn thuần là người làm công tác quản lý hay người làm công tác tổ chức thi.
Sau khi xây dựng, chúng ta phải có đội ngũ cán bộ CNTT về phần cứng, phần mềm để thử nghiệm, vận hành. Cần có thời gian đủ lớn mới có thể chuẩn bị được đội ngũ này. Máy móc có thể mua ngay, nhưng cán bộ không phải đào tạo ngay được, nhất là người phải vừa biết CNTT, vừa biết về quản lý đào tạo, đo lường và đảm bảo chất lượng, khảo thí.
Đồng thời, khi tổ chức thi trên máy thì ngân hàng câu hỏi phải đủ lớn, có tính chuẩn hóa. Để có được ngân hàng câu hỏi chuẩn hóa, từ xây dựng đến kiểm tra, thử nghiệm, phân tích, sàng lọc, loại bỏ… theo các bước cũng không thể nào hoàn thành trong thời gian ngắn. Cuối cùng là công tác chuẩn bị để có được đầy đủ trang thiết bị, máy tính, phần mềm...
- Cùng với những chia sẻ ở trên, ông có đóng góp ý kiến gì thêm để hoàn thiện cho dự thảo phương án?
- Về cơ bản, tôi thấy dự thảo phương án mới dừng ở mức độ đưa ra các môn thi và cách tiếp cận hiện nay là phù hợp với Chương trình GDPT tổng thể. Tuy nhiên, tôi mong muốn có thông tin cụ thể hơn về thời gian cho từng môn thi, thông tin về cấu trúc bài thi. Chúng ta cũng lưu ý, có thể xây dựng bài thi theo hướng tổ hợp hoặc tích hợp. Với việc thiết kế bài thi thích hợp, thí sinh không quá lo lắng việc học ít hay nhiều, áp lực hay không, nhiều môn thi hay ít môn mà hướng tới đánh giá năng lực học sinh.
Đơn cử phần kiến thức Văn học và Lịch sử có bắt buộc phải thành hai bài thi riêng biệt hay tổ hợp (hoặc tích hợp) trong một bài thi với khoảng thời gian nhất định. Có như vậy chúng ta sẽ giảm áp lực cho thí sinh và xã hội, đồng thời thực sự đánh giá được việc học thật, thi thật. Cách làm này rút ngắn được thời gian thi cho thí sinh mà vẫn đánh giá đầy đủ năng lực theo yêu cầu.
- Trân trọng cảm ơn GS.TS Nguyễn Tiến Thảo!