Hình minh họa.
Từ chương trình đặc biệt của Mỹ
Máy bay không người lái (UAV) đã hiện diện trong hầu hết các cuộc xung đột trên thế giới nhưng hạn chế về khả năng trinh sát, giá thành cao và việc dễ bị tai nạn là điểm trừ nếu so chúng với máy bay có người lái.
Quay trở lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh, khi Mỹ và Liên Xô tập trung phát triển các loạt vũ khí chiến lược có khả năng hủy diệt diện rộng thì một loạt các cuộc xung đột cục bộ và khu vực đã nổ ra trên khắp thế giới.
Và hóa ra là các lực lượng không quân hiện đại đã không chứng minh được hiệu quả trong chiến tranh du kích.
Nhận ra vấn đề này, người Mỹ đã phát triển một chương trình được gọi là COIN (Counter-Insurgency - Chống nổi dậy) nhằm tạo ra một cường kích hạng nhẹ, giá rẻ và đa năng để trinh sát, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu đơn lẻ và được bảo vệ kém.
Được biết mỗi một chiếc Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất có giá thành khoảng 5 triệu USD tuy nhiên UAV này thường xuyên là mục tiêu của các hệ thống phòng không Nga.
Tới cường kích hạng nhẹ "Made in Brazil"
Cất cánh lần đầu vào năm 1999 và chính thức ra mắt vào năm 2003, máy bay động cơ cánh quạt EMB 314 Super Tucano (còn được gọi là ALX hay A-29) của tập đoàn Embraer (Brazil) mặc dù được miêu tả là huấn luyện nhưng được thiết kế chính xác theo các yêu cầu về COIN.
Với động cơ và rất nhiều thành phần khác đến từ Mỹ, Super Tucano nặng 5 tấn có tầm bay 1.130 km, trần bay 10,67 km, tốc độ tối đa 593 km/h, độ bền 6,5 giờ.
Không những vậy, với radar hồng ngoại và hệ thống điều khiển hỏa lực chiếc máy bay có thể trút tới 1,5 tấn vũ khí (đạn 12,7 mm, pháo 20 mm, rocket 70 mm, bom có và không điều khiển và tên lửa không đối không tầm ngắn) và các mục tiêu.
Quan trọng hơn nó có giá khoảng chỉ khoảng 9 triệu USD và chi phí hoạt động khoảng 1.000 USD/giờ bay.
Hơn 200 chiếc Super Tucano đã được sản xuất cho không quân các nước bao gồm Mỹ, Brazil, Colombia, Dominicana và thậm chí là "công ty an ninh tư nhân" khét tiếng Blackwater (nay là Academi).
Một chiếc Super Tucano mang cờ Mỹ ném bom dẫn đường bằng laser được cho là GBU-12 Paveway II. Nhà sản xuất Embraer cũng đang có kế hoạch xuất khẩu rộng rãi máy bay.
"Thiên địch của UAV"
Bình luận về năng lực của Super Tucano trên bài viết được Topcor.ru đăng tải hôm 1/6, nhà phân tích người Nga Sergey Marzhetsky lưu ý:
"EMB 314 Super Tucano quá yếu để so sánh với cường kích Su-25 của chúng ta (Nga). Tuy nhiên cần lưu ý rằng nó có một số lợi thế đáng kể so với các máy bay hiện đại hơn.
Đầu tiên là nó ít bị chú ý hơn nhiều do không có khí thải từ động cơ phản lực. Ngoài ra, một điểm cộng lớn của cường kích hạng nhẹ này là chi phí mua sắm và bảo dưỡng thấp.
Không quân Mỹ đã mua một lô 20 chiếc EMB-314 với giá 355 triệu USD (17,75 triệu USD mỗi chiếc), Không quân Colombia mua 25 chiếc với giá chỉ 235 triệu USD (9,4 triệu USD mỗi chiếc) còn với Không quân Brazil, máy bay loại này có giá từ 8 đến 12 triệu USD.
Chi phí 1 giờ bay thậm chí còn đáng chú ý hơn nữa, Theo một số nguồn khoản tiền này là từ 1 đến 2,000 USD và thậm chí là chỉ 600 USD...
Nếu những máy bay loại này nằm trong trang bị của Không quân Vũ trụ Nga (VKS), chúng có thể phục vụ tốt cho chúng ta. Một vấn đề lớn đối với Quân đội Nga và các đồng minh là thiếu UAV trinh sát và tấn công (UCAV) còn ở bên kia chiến tuyến thì lại quá thừa khí tài này.
Nói cách khác Quân đội Nga đang rất cần lấp đầy khoảng trống này bằng thứ gì đó có khả năng trinh sát, yểm trợ đường không và đặc biệt là năng lực "săn" UAV . Không một UAV nào - bao gồm cả UCAV - có thể chạy thoát khỏi một cường kích với vận tốc tối đa gần 600 km/h.
Đồng thời một chiếc Super Tucano có khả năng mang nhiều vũ khí hơn bất kỳ UAV nào hiện có ở Nga và với tuổi thọ động cơ cao và chi phí giờ bay thấp, nó có thể tuần tra và trinh sát trên không trong thời gian dài, tiêu diệt cơ giới và binh lực đối phương nếu phát hiện...
Nói cách khác, một máy bay cánh quạt đơn giản và rẻ sẽ phù hợp hơn với tư cách là một "thiên địch của UAV" và một cường kích hạng nhẹ".
Trọng lượng số vũ khí mà 1 chiếc Super Tucano có thể mang theo lên tới 1,5 tấn.
Nga cũng có thứ tương tự Super Tucano?
"Liệu Nga có thứ gì đó tương tự Super Tucano hay không? Câu trả lời là có" - Ông Sergey Marzhetsky tỏ ra tự tin.
"Sau cuộc chiến Afghanistan (1979-1989), việc chế tạo cường kích hạng nhẹ Yak-52B đã được Liên Xô tiến hành. Người ta đã lắp đặt hai mấu cứng với các khối UB-32 (cụm 32 ống phóng rocket 57 mm) trên cánh chiếc máy bay đơn giản và tin cậy này.
Suân đội (Liên Xô và Nga) sau đó đã tỏ ra không quan tâm đến cường kích COIN và sau thử nghiệm tại nhà máy, nguyên mẫu duy nhất của Yak-52B đã được chuyển đến bảo tàng.
Nếu những chiếc Yak-52 được lắp đặt các thiết bị và vũ khí hiện đại - chúng ta có thể có trong tay một cường kích hạng nhẹ tốt, tin cậy với chi phí sản xuất và bảo trì hợp lý cho nhiều loại nhiệm vụ khác nhau.
Lẽ dĩ nhiên đây không phải là giải pháp thay thế cho Su-25 - mà là bổ sung cho nó".
Chiếc Yak-52B với 2 cụm ống phóng UB-32. Được biết khoảng 1.800 chiếc Yak-52 đã được Liên Xô và Nga sản xuất và nằm trong trang bị của không quân nhiều quốc gia trên thế giới.