Chuyên gia cảnh báo: Mỹ đang vô tình tạo cho Iran "cái cớ" để sở hữu Uranium cấp vũ khí?

Hoài Giang |

Bằng hành động được cho là "cố chấp" trong việc thay thế nhiên liệu hạt nhân an toàn cho Hải quân Mỹ, Washington đã vô tình tạo cho Iran cơ hội để sở hữu Uranium cấp vũ khí?

Mới đây, trang War on the Rock đăng tải bài phân tích nhan đề "America Shouldn't Restart Production of Weapons-Grade Uranium" (tạm dịch: Mỹ không nên tái khởi động việc sản xuất Uranium cấp vũ khí) của nhà phân tích Alan J.Kuperman.

Nhằm đem lại cho độc giả cái nhìn khách quan trong bối cảnh căng thẳng Mỹ và Iran vẫn tiếp diễn liên quan tới xung đột ở Trung Đông và các vấn đề liên quan tới năng lực phát triển vũ khí hạt nhân, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

Mỹ đang tạo "cơ hội vàng" để Iran có cớ sở hữu Uranium cấp vũ khí?

Năm 2020 là một năm khủng khiếp đối với việc kiểm soát vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Cùng với việc rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), Mỹ đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, đồng thời đe dọa sẽ không tiếp tục gia hạn Hiệp ước hạn chế vũ khí hạt nhân tầm xa New START.

Quân đội Mỹ đang lên kế hoạch cho việc nối lại thử nghiệm vũ khí hạt nhân dưới lòng đất, hành động vi phạm rõ ràng Hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) mà Mỹ đã đặt bút ký - mặc dù vẫn chưa có hiệu lực.

Vấn đề càng ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi Bộ năng lượng Mỹ công bố kế hoạch tái khởi động lại việc sản xuất Uranium làm giàu cao (HEU) - nguyên liệu cho vũ khí hạt nhân sau gần 30 gián đoạn.

Tháng 4/2020, Bộ năng lượng tuyên bố căn cứ vào cái gọi là "Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia của Mỹ" cho thấy việc sản xuất HEU làm nhiên liệu cho các lò phản ứng của Hải quân Mỹ vào những năm 2050 là cần thiết, khi kho dự trữ hiện tại được cho là sẽ cạn kiệt.

Chuyên gia cảnh báo: Mỹ đang vô tình tạo cho Iran cái cớ để sở hữu Uranium cấp vũ khí? - Ảnh 1.

Phế thải hạt nhân sau khi sử dụng cho lò phản ứng trên tàu ngầm được Hải quân Mỹ lưu trữ trong sa mạc (Nguồn: Harford Washington).

Trong khi yêu cầu Iran và các quốc gia khác không được sản xuất HEU (theo lý thuyết, Uranium làm giàu cao để đạt cấp vũ khí là trên 20%) thì người Mỹ sẽ đơn phương làm điều mà họ đã cấm các nước khác.

Thật khó để tưởng tượng một chính sách gây sẽ tổn hại nhiều hơn là củng cố an ninh quốc gia của Mỹ trong việc ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân.

May mắn thay, "thảm họa" về chính sách này có thể tránh được thông qua việc đổi mới công nghệ.

Như Quốc hội Mỹ đã liên tục thúc ép trong 5 năm, Hải quân Mỹ nên đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thế hệ tàu sân bay và tàu ngầm mới với các lò phản ứng hạt nhân quân sự vận hành bằng Uranium làm giàu thấp (LEU).

Điều này không chỉ tránh được việc khởi động lại sản xuất HEU gây tranh cãi mà còn có thể ngăn các quốc gia khác như Iran tuyên bố sản xuất Uranium cấp vũ khí "cho các lò phản ứng trên tàu ngầm", và giảm rủi ro khủng bố tại cơ sở hạt nhân dân sự của Mỹ.

Rõ ràng việc thay thế nhiên liệu hạt nhân cho các lò phản ứng quân sự từ HEU sang LEU sẽ an toàn hơn - điều đó đã được chứng minh thông qua việc vận hành các lò phản ứng LEU của Hải quân Pháp và Trung Quốc.

Một phóng sự về cơ sở làm giàu hạt nhân Fordow của Iran.

Vì sao Hải quân Mỹ "tiền hậu bất nhất" trong việc sử dụng nhiên liệu LEU?

Ban đầu chính Hải quân Mỹ đã cho rằng việc thay thế LEU cho HEU làm nhiên liệu của các lò phản ứng quân sự có thể khả thi, nhưng bây giờ cũng chính họ đã chống lại ý tưởng này vì một nguyên tắc có phần bảo thủ là "nếu nó không bị hỏng, đừng cố sửa nó".

Các quan chức Hải quân Mỹ tin rằng việc không phổ biến vũ khí hạt nhân là "công việc của những người khác", vì vậy họ thấy không có lý do gì để phải đối mặt với các rắc rối kỹ thuật và chi phí có thể phát sinh khi thay đổi nhiên liệu.

Cần phải làm rõ rằng quan điểm của Hải quân Mỹ đã thay đổi hoàn toàn dưới thời của Tổng thống Donald Trump.

Trong một báo cáo năm 2014 trước Quốc hội Mỹ, Hải quân Mỹ cho rằng các lò phản ứng tiên tiến có thể sử dụng nhiên liệu LEU để cung cấp năng lượng cho các tàu sân bay và tàu ngầm hạt nhân.

Một báo cáo khác vào năm 2016 còn chi tiết hơn: "Một lò phản ứng LEU có thể lắp đặt trên diện tích có sẵn (của một lò phản ứng HEU để lại) và có khả năng đáp ứng các yêu cầu về năng lượng của một hàng không mẫu hạm.

Nếu triển khai theo hướng này, các tàu hiện có có thể chuyển sang một loại nhiên liệu an toàn hơn mà không làm thay đổi lịch trình triển khai (quân sự)".

USS Gerald R. Ford của là chiếc đầu tiên thuộc lớp Ford mới nhất của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên 2 lò phản ứng hạt nhân của tàu vẫn sử dụng nhiên liệu HEU - Uranium cấp vũ khí (Nguồn CNN).

Tuy nhiên các tàu ngầm phải đối mặt với một số giới hạn bao gồm cả về không gian lắp đặt lò phản ứng và giảm thiểu tiếng ồn. Chính vì vậy báo cáo năm 2016 cho biết các tàu ngầm sẽ chưa được "giải quyết" cho tới khi thu được kinh nghiệm trong các lò phản ứng LEU của tàu sân bay.

Theo kế hoạch nói trên, Mỹ có thể tránh việc tái sản xuất HEU. Báo cáo của Hải quân năm 2016 cũng chỉ ra rằng việc ứng dụng LEU trong quân sự sẽ thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc giảm sử dụng HEU và đạt được các mục tiêu không phổ biến vũ khí hạt nhân.

Nếu mọi sự diễn ra tốt đẹp, Hải quân Mỹ có thể bắt đầu sử dụng LEU cho các tàu sân bay vào những năm 2030, kho dự trữ HEU sẽ đủ để cung cấp nhiên liệu cho tàu ngầm cho đến những năm 2070.

May mắn thay, hầu hết các tàu ngầm Mỹ sẽ chuyển sang sử dụng LEU trước đó do kế hoạch phát triển tàu ngầm tấn công thế hệ tiếp theo dự kiến sẽ triển khai vào những năm 2040 sẽ được điều chỉnh để phù hợp với LEU.

Theo báo cáo năm 2016, tổng chi phí để phát triển nhiên liệu LEU của Hải quân Mỹ trong 15 năm tới dự kiến là 1 tỷ USD. Chi phí bổ sung vẫn chưa rõ ràng và phụ thuộc vào kết quả nghiên cứu và phát triển.

Tuy nhiên chắc chắn nó sẽ tiết kiệm chi phí an ninh để bảo vệ hàng tấn uranium cấp vũ khí tại các cơ sở sản xuất dân sự. Tuy nhiên, bất kỳ chi phí nào cũng sẽ không đáng kể so với khoảng 300 tỷ USD để xây dựng "hạm đội hạt nhân" của Hải quân Mỹ, chưa bao gồm chi phí vận hành.

Quốc hội Mỹ đã ủng hộ kế hoạch 5 năm này và dành 40 triệu USD để bắt đầu phát triển nhiên liệu LEU cho Hải quân. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump đã phản đối quyết liệt, dường như tin rằng việc nỗ lực để không phổ biến vũ khí hạt nhân là "không đáng".

Năm 2018, đảo ngược quyết định của người tiền nhiệm Obama hai năm trước đó, những người phụ trách năng lượng và hải quân đã phản hồi Quốc hội Mỹ rằng:

"Cùng nhau, chúng tôi xác nhận rằng Mỹ không nên theo đuổi việc nghiên cứu và phát triển nhiên liệu hạt nhân mới dựa trên Uranium làm giàu thấp (LEU)".

Chuyên gia cảnh báo: Mỹ đang vô tình tạo cho Iran cái cớ để sở hữu Uranium cấp vũ khí? - Ảnh 6.

Bản đồ vị trí các cơ sở khai thác, "chế biến" uranium và các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ (Nguồn: iInvestorIntel).

"Chìa khóa" giải quyết vấn đề: Ngân sách quốc phòng Mỹ năm 2021?

Ngân sách quốc phòng của năm 2021 hiện đang được Quốc hội Mỹ bàn thảo.

Nếu họ ra quyết định tiếp tục tài trợ cho chương trình LEU của Hải quân Mỹ, chính quyền của ông Trump sẽ có rất ít sự lựa chọn ngoài việc đẩy nhanh tốc độ của chương trình và bác bỏ các phương án tái sản xuất HEU.

Nhưng nếu Ủy ban Quân vụ Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát quyết định "khai tử" chương trình này, Mỹ chắc chắn sẽ cần phải khởi động lại việc sản xuất uranium cấp vũ khí và do đó làm tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân.

Nhà phân tích Alan J. Kuperman là Phó Giáo sư tại Trường Quan hệ Công chúng LBJ thuộc Đại học Texas ở Austin, Mỹ và cũng là Điều phối viên của Dự án Ngăn ngừa Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPPP).

Cảnh quay một căn cứ tên lửa ngầm của Iran vào tháng 5/2019.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại