Chuyên gia Cấn Văn Lực: Người Việt trung bình cần tích góp ít nhất 23,5 năm để mua nhà, trong khi Malaysia chỉ mất 8 năm

Trọng Nghĩa |

Người dân Indonesia mất 18,5 năm, Singapore mất 15,5 năm, Ấn Độ 9,2 năm và Malaysia chỉ mất 8,1 năm có thu nhập để mua được nhà ở - thông tin được đưa ra trong Hội nghị "Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững".

Sáng ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”. Dự hội nghị còn có lãnh đạo các Bộ cũng như đại diện một số doanh nghiệp trong ngành, các chuyên gia về tài chính, bất động sản,...

Là chuyên gia đầu tiên phát biểu tại Hội nghị, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, thị trường BĐS hiện nay có hiện tượng "bất thường", bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường BĐS lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Những nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của thị trường BĐS hiện nay, đó là: Thứ nhất là theo xu hướng điều chỉnh chung của thị trường BĐS thế giới và Việt Nam sau hơn 2 năm tăng trưởng khá nóng (giá BĐS thế giới tăng khoảng 10-20% và của Việt Nam tăng khoảng 20-50%).

Thứ hai, vướng mắc về pháp lý chưa được giải quyết kịp thời.

Thứ ba, nguồn vốn rõ ràng bị thu hẹp hơn trong năm vừa qua. Thứ tư, nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút, thanh khoản thị trường giảm nhanh. Cuối cùng là liên quan đến quan hệ cung cầu khiến cho việc giá cả chưa hợp lý.

Chuyên gia Cấn Văn Lực: Người Việt trung bình cần tích góp ít nhất 23,5 năm để mua nhà, trong khi Malaysia chỉ mất 8 năm - Ảnh 1.

Tiến sỹ Cấn Văn Lực.

TS Cấn Văn Lực cho rằng có 8 nhóm khó khăn, vướng mắc chính.

Một là, môi trường pháp lý còn nhiều điểm nghẽn. Đây là khó khăn lớn nhất hiện tại. Nhiều quy định còn chồng chéo, thiếu nhất quán, không rõ ràng, không được hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, chưa phù hợp với thực tiễn..., trong khi có tâm lý sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy ở một bộ phận cán bộ công chức khá rõ nét, khiến cho nhiều dự án không thể triển khai được, hoặc thời gian triển khai kéo dài, muốn bán hay chuyển nhượng cũng không được, muốn thế chấp cũng không xong, muốn nộp tiền thuê cũng khó...; dẫn đến bỏ hoang, tồn kho, lãng phí, tốn kém, suy giảm niềm tin...

Thứ hai, công tác quy hoạch, thực thi và giám sát thực thi quy hoạch còn nhiều bất cập.

Thứ ba, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ tư, biến động về chi phí đầu tư, xây dựng rất mạnh trong khi chúng ta ban hành nhiều đơn giá, định mức chưa kịp thời.

Thứ năm, cơ cấu thị trường mất cân đối nghiêm trọng như Thủ tướng đã chỉ ra chỗ này thì thừa, chỗ kia thì thiếu. Quan hệ cung - cầu lệch pha, giá cả chưa hợp lý.

Riêng về giá cả, hiện nay, giá BĐS của chúng ta đang ở mức tương đối cao so với thu nhập của đa số người dân. Người Việt Nam trung bình cần ít nhất 23,5 năm có thu nhập để mua được nhà ở, đứng thứ 14/107 quốc gia (càng cao, càng đắt) trên thế giới, tương đương Thái Lan, Hàn Quốc (trong khi thu nhập của chúng ta thấp hơn họ); cao hơn nhiều so với các nước Indonesia (18,5 năm), Singapore (15,5 năm), Ấn Độ (9,2 năm) và Malaysia (8,1 năm)....

Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn cung hạn chế, thiếu trầm trọng nhà ở phù hợp túi tiền và dư thừa ở một số phân khúc khác (đặc biệt là phân khúc cao cấp), chi phí ở các khâu làm dự án đều cao ...

Thứ sáu, nguồn vốn bị thu hẹp (nhất là năm 2022)

Thứ bảy, hoạt động thanh tra, kiểm tra và nỗi lo hình sự hóa vẫn còn.

Cuối cùng, một số khó khăn, thách thức bên ngoài như: lạm phát, lãi suất và tỷ giá; rủi ro khách quan khác như thiên tai, dịch bệnh…

Trong phần phát biểu của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nêu rõ một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản. Trong đó, Thủ tướng chỉ ra, giá cả bất động sản không hợp lý, không phù hợp với thu nhập bình quân đầu người; theo thông tin trên báo chí, phải mất 1 năm thu nhập bình quân đầu người mới mua được 2 m2 nhà ở cao cấp.

Theo kết quả sơ bộ từ Khảo sát mức sống dân cư năm 2022, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng /người/tháng (Nguồn: Tổng cục thống kê)

Về quan điểm, tư duy, phương pháp luận giải quyết vấn đề, Thủ tướng nêu rõ, càng trong khó khăn, thách thức, các chủ thể liên quan (cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng, khách hàng) càng phải đoàn kết, phát huy tinh thần trách nhiệm, cùng xử lý các vấn đề trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, cấu trúc này mà không hài hòa thì sẽ không ổn định và không ai phát triển được.

Cùng với đó, đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện và thực hiện có hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được. Vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa xử lý các vấn đề lâu dài, không chuyển trạng thái đột ngột, điều hành giật cục.

Tuân thủ quy luật thị trường, quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh, bất động sản bình đẳng với các ngành nghề, lĩnh vực khác. Trong đó, điểm cân bằng, dung hòa của cung cầu thể hiện ở giá cả bất động sản, giá cả phải là động lực để thúc đẩy sự phát triển, chứ không phải triệt tiêu sự phát triển.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại