Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016 cả nước có khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, chiếm khoảng 2,3% lực lượng lao động.
Trong đó, lao động nữ có tỷ lệ thất nghiệp chiếm 72,27%. Theo kết quả nghiên cứu của Viện Công nhân và công đoàn, năm 2016 có tới trên 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị đào thải hoặc tự bỏ việc.
Vì sao ở tuổi 35 - cái tuổi đang sung sức mà đã thất nghiệp? Việc này sẽ gây ra những hệ lụy gì? Giải pháp để giải quyết vấn đề quan trọng này?
Phóng viên VOV trao đổi với ông Ngọ Duy Hiểu – Phó trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về vấn đề này.
Ông Ngọ Duy Hiểu trao đổi với phóng viên VOV
PV: Là Trưởng ban Quan hệ Lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông nhìn nhận thế nào về con số khoảng 1,2 triệu người lao động bị thất nghiệp năm 2016 và trên 80% lao động nữ trên 35 tuổi bị đào thải hoặc tự bỏ việc?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Đó là những con số tin cậy và dễ làm chúng ta sốc.
Chúng ta không còn xa lạ với tình trạng thất nghiệp, bất kỳ nước nào, kể cả những nước phát triển cũng có người thất nghiệp.
Song con số, tỷ lệ lao động trẻ thất nghiệp sớm dù là do khách quan hay chủ quan đều làm chúng ta thấy lo lắng.
Làm thế nào để giảm bớt, hướng tới giảm nhiều nhất tỷ lệ này là bài toàn đòi hỏi cả nước, toàn xã hội phải cố gắng, nỗ lực trong thời gian tới.
PV: Những trường hợp thất nghiệp do bị sa thải, theo ông là do khoảng trống pháp luật hay còn có những nguyên nhân nào khác?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Có nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan và chủ quan.
Pháp luật đã hình thành nhiều quy định bảo vệ quyền có việc làm ổn định của người lao động nhưng vẫn bị chi phối bởi quy luật của kinh tế thị trường.
Mâu thuẫn giữa mục tiêu tạo việc làm ổn định và tính năng động, linh hoạt của doanh nghiệp, vì lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp là việc không dễ giải quyết.
Một bộ phận doanh nghiệp tìm đủ cách để lách luật, trong đó có việc thải loại lao động ở tuổi 35-40 để giảm gánh nặng trả lương cao và đóng BHXH nhiều.
Không ít trường hợp do người lao động không đáp ứng được yêu cầu về trình độ kỹ thuật, vi phạm kỷ luật lao động, có những trường hợp do lương thấp, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, phá sản, kể cả việc người lao động mong muốn tìm được việc làm mới, hay lý do gia đình.
PV: Tại sao tình trạng bị sa thải chủ yếu xảy ra ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trước hết có thể thấy rằng nhiều chủ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài rất tinh khôn trong việc lách luật, đưa ra rất nhiều lý do, quy định mà người lao động nếu không tỉnh táo rất dễ bị mắc bẫy.
Mặt khác, ở doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, phần lớn có công nghệ tiên tiến hoặc khá tiên tiến nên khi người lao động không đáp ứng được, thường họ sẽ đưa ra lý do là cơ cấu lại doanh nghiệp, thay đổi công nghệ, những lý do mà gần như pháp luật cho phép, họ lấy đó là căn cứ để thải loại người lao động.
Ở một khía cạnh nào đó, chúng ta cũng thấy rằng công nghệ phát triển thường xuyên, thực tế người lao động có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng là một câu chuyện.
Tôi nghĩ rằng khi người lao động bắt đầu lớn tuổi, không đáp ứng được, không còn đảm bảo được yêu cầu của doanh nghiệp, rất dễ trở thành điều kiện hợp lý để doanh nghiệp thải loại.
Một lý do khác là do một phần lao động tính tuân thủ nguyên tắc làm việc chưa cao. Phần lớn công nhân Việt Nam chậm tiếp cận và hình thành tác phong lao động công nghiệp.
Lý do khách quan là hôm nay họ có thể là nông dân mai họ có thể là công nhân nếu họ trúng tuyển vào làm ở một xí nghiệp may.
Điều này lý giải về ý thức tuân thủ kỷ luật lao động, tác phong công nghiệp của công nhân, người lao động Việt Nam nói chung chưa cao. Đây cũng là lý do để doanh nghiệp thải loại lao động.
PV: Thực tế ở nước ta tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ, rất thấp; chủ yếu làm công việc đơn giản. Phải chăng đây cũng là lý do dẫn đến tình trạng thất nghiệp?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Trong các nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng lao động sớm có nguyên nhân người lao động không đáp ứng yêu cầu và năng lực trình độ kỹ thuật, nhất là doanh nghiệp đổi mới công nghệ và tổ chức lại sản xuất.
Mặt bằng chung, trình độ của lao động, công nhân Việt Nam, tay nghề còn thấp, ý thức tự học nâng cao trình độ của một bộ phận chưa cao, thực tế này khó tránh khỏi việc doanh nghiệp phải chấm dứt sớm hợp đồng lao động.
Vấn đề đặt ra là chiến lược đào tạo nghề của chúng ta như thế nào trong thời gian tới, phải đổi mới tư duy về đào tạo nghề và học nghề, nếu làm không nhanh, khẩn trương sẽ rất dễ bị tụt hậu, phải trả giá rất đắt.
PV: Như vậy, người lao động cần được trang bị những gì để thích ứng với điều kiện hiện nay khi mà máy móc, thiết bị ngày càng hiện đại, thưa ông?
Ông Ngọ Duy Hiểu: Cuộc Cách mạng công nghệ thứ 4 hay còn gọi là 4.0 đang gõ cửa từng nhà, từng người, từng ngành. Niềm vui rất lớn nhưng thách thức cũng lớn không kém, nhất là khi nước ta có tỷ lệ lao động thô sơ, đơn giản khá cao.
Để thích ứng với điều kiện mới, từng người lao động, nhất là các bạn trẻ cần chủ động nâng cao trình độ tay nghề một cách thực chất; phải đổi mới tư duy lao động theo hướng xây dựng tác phong công nghiệp hiện đại; rèn luyện kỹ năng và phương pháp lao động mới; nêu cao kỷ luật kỷ cương; xây dựng thói quen tiết kiệm, trang bị kiến thức pháp luật, nhất là những quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động.
Bản thân từng người lao động phải chuẩn bị tốt cho mình những điều kiện để tiếp cận điều kiện lao động mới. Chỉ có chính mình và hơn ai hết mới là người bảo vệ được điều kiện làm việc cũng như công việc của mình.
Ông Ngọ Duy Hiểu: Đây là vấn đề lớn đòi hỏi sự chung tay, nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cơ quan với hành động phải thực sự quyết liệt, kịp thời; các giải pháp đưa ra phải thực sự khoa học. Tôi có thể nêu ra 5 giải pháp cơ bản: |
Thứ nhất, phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Bộ luật Lao động theo hướng quy định chặt chẽ điều kiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhất là từ phía người sử dụng lao động.
Pháp luật phải dự liệu và khắc phục được tình trạng tạo cớ và lách luật của rất nhiều chủ sử dụng lao động hiện nay.
Thứ hai, Nhà nước và toàn xã hội phải quyết liệt, chung tay tạo ra được nhiều việc làm, loại hình việc làm cho người lao động để người lao động dù ở tuổi nào, sức khỏe giảm sút ra sao vẫn có cơ hội tiếp cận việc làm.
Một xã hội có nhiều việc làm là điều kiện để mọi đối tượng lao động đều có thể tiếp cận được việc làm và có việc làm bền vững.
Thứ ba, bản thân từng lao động phải không ngừng học tập và nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng làm việc để thích ứng với mọi môi trường lao động, trong đó có môi trường công nghệ cao hiện nay.
Việc này đòi hỏi xã hội, Chính phủ, doanh nghiệp phải nỗ lực, bản thân từng công dân, từng lao động phải nỗ lực hơn ai hết.
Thứ tư, phải làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật và xử lý nghiêm những chủ sử dụng lao động lợi dụng quy định của pháp luật để sa thải người lao động trái pháp luật.
Thứ năm, tổ chức công đoàn các cấp, nhất là công đoàn cơ sở cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của người đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, có tiếng nói cần thiết và khi cần có thể đưa ra pháp luật những vụ việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, đồng thời động viên người lao động phải học tập nâng cao trình độ, gắn bó và nỗ lực vì sự phát triển của doanh nghiệp; tham gia thương lượng tập thể để có được những thỏa ước lao động tập thể thực sự chất lượng, thiết thực, đảm bảo cao nhất quyền lợi của người lao động.
PV: Xin cảm ông./.