Chuyên gia Anh: Các biện pháp khẩn cấp Việt Nam triển khai để chống dịch là cần thiết

Quang Dũng |

"Chiến lược vaccine hợp lý có thể đưa cuộc sống dần khôi phục “bình thường mới” và có thể đối phó với những làn sóng Covid-19 tiếp theo trong tương lai".

“Kinh nghiệm từ Anh, châu Âu và Mỹ cùng nhiều nước khác là triển khai chiến lược vaccine hợp lý để phát huy hiệu quả tốt nhất và tôi tin Việt Nam sẽ làm tốt.” Đó là khẳng định của ông Jeremy Farrar, thành viên Hội đồng tư vấn Thủ tướng Anh về Covid-19 (SAGE), Giám đốc Quỹ nghiên cứu y tế lớn thứ hai thế giới Wellcome Trust trong cuộc trò chuyện cuối tuần qua do Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu tổ chức.

Từng có thời gian gắn bó công tác tại Việt Nam khi dịch SARS bùng phát năm 2003 và từng được nhận Huân chương Hồ Chí Minh vì có nhiều đóng góp phát triển y tế tại Việt Nam, ông Farrar chia sẻ thiết thực về vấn đề triển khai chiến lược vaccine tại Việt Nam hiện nay.

Chuyên gia Anh: Các biện pháp khẩn cấp Việt Nam triển khai để chống dịch là cần thiết - Ảnh 1.

Giám đốc Wellcome Trust - Jeremy Farrar.

Chuyên gia Jeremy Farrar đánh giá năm 2020, Việt Nam đã chống dịch rất tốt và là tấm gương để các nước khác học tập. Việt Nam có hệ thống y tế công cộng tốt, các cơ sở y tế tuyến dưới khá vững và nhiều viện nghiên cứu tốt. Tuy nhiên, với sự lây lan quá nhanh và nguy hiểm của chủng Delta, hiện tình hình ở Việt Nam khá căng thẳng và các biện pháp khẩn cấp đang được triển khai là cần thiết.

Ông Jeremy Farrar nói: “Trước đó 6-9 tháng, nhiều người vẫn nghĩ rằng Việt Nam có thể tránh được nguy cơ đại dịch bùng phát. Nhưng virus lây lan quá nhanh, và những người có hệ miễn dịch kém đã không tránh khỏi lây nhiễm, đặc biệt khi nhiều người nhiễm virus nhưng không hề có biểu hiện gì nên vẫn lây lan được sang cho người khác.

Bài học kinh nghiệm từ nhiều nước, trong đó có Việt Nam là chúng ta phải làm mạnh mẽ và nghiêm khắc hơn tình hình đòi hỏi, bởi chúng ta không thể biết mọi việc đang thực sự diễn ra ở mức độ nào. Không ai thích giãn cách, cấm trường học, cấm đi lại, cấm kinh doanh… nhưng tất cả các quốc gia đều phải áp dụng các biện pháp đó dù ngắn dù dài; dù ít dù nhiều để kiểm soát dịch bệnh không lây lan khi đang chạy đua để có đủ vaccine”.

Theo chuyên gia hàng đầu về Covid-19 tại Anh, thì Anh và châu Âu đang trải qua làn sóng thứ 4 của đại dịch Covid-19 và có nhiều các bài học kinh nghiệm từ những làn sóng dịch trước đó mà Việt Nam có thể học hỏi. Đó là nhờ triển khai chiến lược vaccine hợp lý, có thể đưa cuộc sống dần khôi phục “bình thường mới” và có thể đối phó với những làn sóng Covid-19 tiếp theo trong tương lai. Điều mà ông lo lắng là tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam hiện còn thấp và cần phải thúc đẩy mạnh mẽ trong những tháng tới.

Ông Jeremy Farrar nói: “Vaccine không đảm bảo chắc chắn rằng sau tiêm, mọi người sẽ không bị lây nhiễm virus nhưng giúp tránh được các bệnh nặng nếu có nhiễm. Điều này được chứng minh rất rõ ràng tại Anh, châu Âu và các nước khác.

Cần triển khai vaccine theo chiến lược bài bản để phát huy tác dụng tốt nhất; xác định và tiêm sớm nhất cho các đối tượng ưu tiên. Đầu tiên là các bác sĩ, y tá, nhân viên y tế - những người phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao và sứ mệnh của họ là giữ cho hệ thống y tế vững vàng để cứu người. Tiếp đó là người già từ khoảng 60-65 tuổi trở lên, đặc biệt những người nhiều bệnh nền – đây là đối tượng dễ bị trở bệnh nặng nếu nhiễm virus nên phải ưu tiên tiêm sớm”.

Từ bài học ở các nước phát triển như Anh, Pháp, Israel… ông Farrar nhấn mạnh dịch Covid-19 sẽ còn kéo dài, với nhiều làn sóng tiếp theo trong tương lai. Thậm chí không loại bỏ nguy cơ virus Covid-19 không biến mất như SARS mà sẽ tồn tại như virus cúm; nhưng nghiêm trọng hơn có thể không xuất hiện theo mùa mà dai dẳng cả năm. Giải pháp duy nhất là triển khai tiêm vaccine rộng khắp và củng cố hệ thống y tế vững mạnh.

Trong vai trò giám đốc Quỹ nghiên cứu y tế lớn thứ hai thế giới, ông Farrar là một trong những người ủng hộ mạnh mẽ nhất các chiến lược hỗ trợ vaccine cho các nước đang phát triển và các nước nghèo. Bởi theo ông, đó là để đảm bảo cho toàn thế giới không phải chịu sự hoành hành của các chủng biến thể mới có thể làm vô hiệu hóa các loại vaccine đang có.

Với kinh nghiệm từng làm việc tại Việt Nam năm 2003 khi dịch SARS bùng phát, ông Farrar nhấn mạnh Việt Nam cần đặc biệt chú ý sắp tới giai đoạn chuyển mùa, có thể tạo điều kiện thuận lợi cho chủng Delta lây lan mạnh hơn ở miền Bắc, đặc biệt ở Hà Nội./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại