Chuyên gia: 8 biện pháp Mỹ cần làm để "mạnh tay" với Trung Quốc

Tuệ Minh |

Theo chuyên gia của National Interest, Mỹ đã đối xử với Trung Quốc khá “dễ dãi” trong suốt 45 năm qua và giờ đã đến lúc phải cứng rắn hơn.

Việc Bắc Kinh cho xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông là bằng chứng mới nhất cho thấy hầu hết các nhà phân tích đã “đánh giá thấp” Trung Quốc. May mắn là, vấn đề Biển Đông hiện nay đã gây được sự chú ý thích hợp.

Mục tiêu của Trung Quốc ít nhất là trở thành bá chủ khu vực. Mặc dù Mỹ cần phải giữ một danh giới nhất định ở Đông Á nhưng vấn đề Biển Đông sẽ không thể được giải quyết một cách đơn giản giữa các nước trong khu vực.

Hoa Kỳ cần phải là quốc gia đi đầu và phát triển một chiến lược toàn diện, tương tự như phạm vi rộng lớn mà Mỹ sử dụng để bảo vệ lợi ích của mình trước Liên bang Xô Viết.

Mặc dù nỗ lực này sẽ hiệu quả hơn nếu có sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhưng không có một quốc gia đơn lẻ nào hay các quốc gia ở châu Á kết hợp lại cũng khó có thể ngăn cản được Trung Quốc.

Dù muốn hay không, nước Mỹ vẫn cần phải đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực kiềm chế sự bành trướng của Bắc Kinh.

Chuyên gia của National Interest đã đưa ra một số giải pháp mà Mỹ có thể áp dụng để thể hiện sự quyết liệt đối với hành động của Trung Quốc:

Khẳng định lợi ích trung tâm của Mỹ

Trung Quốc luôn yêu cầu các nước tôn trọng “những lợi ích cốt lõi” của mình và tuyên bố không thể xâm phạm những lợi ích đó. Vì vậy, Mỹ cũng cần phải tuyên bố công khai rằng Washington cũng có lợi ích riêng ở châu Á và sẵn sàng bảo vệ lợi ích này.

Điều này không phải chỉ nói suông mà các lực lượng Mỹ cần phải duy trì sự hiện diện rõ ràng, thường xuyên, tin cậy ở khu vực Biển Đông và biển Hoa Đông.

Thường xuyên hiện diện trên Biển Đông

Thay vì những lời phản đối nửa vời, kém hiệu quả, Mỹ cần công khai chỉ trích các hoạt động leo thang quân sự của Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn.

Không nên im lặng cho qua mà luôn luôn đáp trả và chuẩn bị sẵn sàng biện pháp đối phó khi các tàu thuyền Trung Quốc tìm cách cản trở các tàu của Mỹ.

Mỹ cần áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với Trung Quốc.
Mỹ cần áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn để đối phó với Trung Quốc.

Làm rõ và tăng cường mối quan hệ Mỹ - Nhật Bản

Củng cố mối liên hệ giữa các lực lượng Nhật Bản và Mỹ, cả hai nước sẽ khó có thể duy trì vị trí ở châu Á - Thái Bình Dương nếu không có sự hỗ trợ đầy đủ từ phía kia. Mỹ và Nhật cần tiếp tục thống nhất các năng lực quân sự của mình, bao gồm lên kế hoạch, tập trận và tuần tra chung cũng như lắp đặt các hệ thống kiểm soát và chỉ huy.

Một lý do thuyết phục Nhật Bản phát triển mối quan hệ này là một khi Trung Quốc giải quyết xong vấn đề Biển Đông thì mục tiêu tiếp theo chắc chắn sẽ là Hoa Đông.

Việc liên kết giữa các lực lượng Mỹ và Lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng sẽ tác động đến các nước khác trong khu vực đang quan sát mọi động thái của Trung Quốc cũng như đánh giá vai trò “đầu tàu” của Mỹ.

Điều này sẽ thúc đẩy các quốc gia ASEAN hành động nhiều hơn như tham gia tuần tra và tập trận đa phương trên Biển Đông và các vùng biển lân cận.

Hạn chế những ràng buộc về lợi ích với Trung Quốc

Mỹ cần phải hạn chế mọi mối ràng buộc với quân đội Trung Quốc xuống mức chuyên nghiệp và cần thiết. Chính sách ràng buộc vì lợi ích tồn tại lâu nay giữa Mỹ và Trung Quốc không làm cho Bắc Kinh bớt hiếu chiến mà chỉ cung cấp cho nước này thêm “đòn bẩy”.

Để ngăn chặn thái độ đó của Bắc Kinh, Mỹ nên hủy lời mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận RIMPAC 2016 vào tháng 7 tới tại Hawaii. Dù đã vạch rõ ranh giới ở Biển Đông nhưng Hoa Kỳ cần tạo áp lực cần thiết đối với Trung Quốc qua nhiều kênh khác nhau.

Gây áp lực về kinh tế

Đã rất lâu kể từ khi Trung Quốc tuân thủ theo các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới. Thay vì tiếp tục cho phép những ngoại lệ như vậy, Mỹ nên kiên quyết theo tiêu chuẩn của Washington buộc Bắc Kinh phải tuân thủ các quy định về thương mại quốc tế.

Bên cạnh đó, Mỹ cũng cần yêu cầu Trung Quốc cho phép các công ty Hoa Kỳ và nước ngoài tiếp cận thị trường và có thể tương tác song phương.

Các vụ việc ăn cắp bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ của Trung Quốc từ lâu nay cần phải bị xử lý một cách nghiêm khắc với những biện pháp trừng phạt thích đáng. Có rất nhiều cơ hội áp dụng trừng phạt có hiệu quả.

Việc chính phủ Mỹ mới đây đã đưa ra những lệnh trừng phạt cứng rắn đối với công ty điện tử ZTE của Trung Quốc vì giao dịch trái phép với Iran và các nước đang chịu lệnh cấm vận, là một ví dụ tốt.

Biện pháp này sẽ càng hiệu quả hơn nếu các lệnh trừng phạt được duy trì dài hơn hai tuần như hiện nay.

Sử dụng luật pháp quốc tế để thách thức Trung Quốc

Mỹ nên đưa các vấn đề tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc ra các diễn đàn quốc tế để tìm cách giải quyết, và khuyến khích các nước khác cũng làm như vậy.

Thêm vào đó, trong các diễn đàn luật pháp này, Mỹ cần phải đáp trả và lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông gây ảnh hưởng tới môi trường và tuyến đường hàng hải thương mại ra sao.

Tuy sử dụng luật pháp quốc tế là hữu ích nhưng không mang tính chất quyết định. Luật pháp quốc tế cũng có những hạn chế mà Trung Quốc sẽ chấp nhận chỉ trích hoặc bỏ qua.

Theo quan điểm của Bắc Kinh, chỉ trích là cái giá quá nhỏ phải trả nếu có được Biển Đông và các vùng lãnh thổ hữu ích khác.

Cần có sự phối hợp giữa các Bộ ngành

Khi chưa có một chiến lược quốc gia rõ ràng để đối phó với thái độ hung hăng và bành trướng của Trung Quốc, sẽ không có gì ngạc nhiên khi biện pháp của Mỹ vẫn chưa có hiệu quả.

Đó là bởi vì chưa có một cách tiếp cận đồng bộ và mạnh mẽ từ các cơ quan đầu não của Mỹ cũng như thiếu sự liên kết giữa Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Thay vì chỉ đưa ra những phát ngôn như “hết sức quan ngại, bày tỏ sự không hài lòng” từ người phát ngôn Bộ Ngoại giao hay các quan chức bộ ngành khác, Mỹ cần phải đưa ra những tiếng nói chắc chắn hơn, rõ ràng hơn và quyết liệt hơn nữa.

Công khai nạn tham nhũng ở Trung Quốc

Sự tức giận của công chúng trước vấn nạn tham nhũng có lẽ là điều khiến giới chức Trung Quốc lo sợ nhất. Vì vậy, Mỹ cần phải ngăn chặn dòng tiền bất hợp pháp này.

Những nỗ lực của đảng cầm quyền Bắc Kinh trong việc ngăn chặn Hồ sơ Panama vì có liên quan đến người thân của các lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc, cũng như việc nước này kiện New York Times và Bloomberg một vài năm trước vì đưa tin quan chức nước này tham nhũng cho thấy vấn đề này khiến giới chức Bắc Kinh lo lắng ra sao.

Sau khi công khai các bằng chứng về nạn tham nhũng ở Trung Quốc, Mỹ cần các công dân nước này phải minh bạch về các khoản tài chính, bất động sản nếu muốn có được “tấm thẻ xanh” của Washington. Hay chỉ đơn giản yêu cầu các nhà đầu tư Trung Quốc tại Mỹ chứng minh nguồn tiền của họ là hợp pháp.

Những biện pháp gợi ý nói trên không phải nhằm để “tấn công” Trung Quốc mà là cách để Mỹ thể hiện lập trường cũng như trách nhiệm với cộng đồng quốc tế của mình.

Bằng cách kiềm chế Bắc Kinh, Washington có thể bảo vệ được lợi ích của mình cũng như lợi ích của một thế giới tự do theo tôn chỉ luật pháp quốc tế và gạt bỏ khái niệm rằng những nước lớn không thể bị đánh bại hay có thể tước đi mọi thứ của các quốc gia nhỏ hơn.

Ngược lại, nếu như thua trong cuộc chiến với Trung Quốc, Mỹ sẽ mất dần vị thế, hình ảnh trong mắt các bạn bè, đồng minh ở châu Á cũng như ảnh hưởng tới tương lai toàn cầu và trong khu vực của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại