Chuyên gia 40 năm nghiên cứu giao thông: Giành lại vỉa hè nên lấy người dân làm trung tâm

Hoàng Hải |

Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, việc giành lại vỉa hè cho người đi bộ là việc trước sau gì cũng phải làm nhưng nên lấy người dân làm trung tâm.

Thời gian qua, tại nhiều nơi của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành các biện pháp khác nhau từ tuyên truyền, phổ biến đến xử lý hành chính để giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Trong đó, tại Hà Nội, vào sáng ngày 10/3, đồng loạt tất cả các phường, quận đã ra quân giành lại vỉa hè.

Chỉ trong vòng 1 ngày, hầu hết các vỉa hè tại các tuyến đường, phố lớn trên địa bàn đã trở lên thông thoáng, người đi bộ có thể đi lại thoải mái.

Trao đổi với PV về việc làm này của hai thành phố lớn, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Giao thông vận tải, người có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông đánh giá cao việc các cấp chính quyền tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh quyết tâm dọn dẹp vỉa hè, trả lại hành lang cho người đi bộ.

Chuyên gia 40 năm nghiên cứu giao thông: Giành lại vỉa hè phải lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 1.

TS Nguyễn Xuân Thủy (Ảnh: Tintuc24h)

PV: Thưa ông, thời gian qua hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã có những biện pháp để giành lại vỉa hè cho người đi bộ, chỉ trong một thời gian ngắn, rất nhiều khu vực vỉa hè bị lấn chiếm đã được trả lại. Quan điểm của ông về cách hai thành phố này dọn dẹp vỉa hè trong thời gian qua như thế nào?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Theo quan điểm của tôi, việc dọn dẹp vỉa hè để giành hành lang cho người đi bộ trước sau gì cũng phải làm vì vỉa hè là không gian của giao thông, của người đi bộ chứ không phải cá nhân ai.

Việc dọn dẹp vỉa hè, TP. Hồ Chí Minh là nơi triển khai trước, Hà Nội làm sau. TP. Hồ Chí Minh triển khai với tinh thần quyết liệt, mạnh mẽ, quyết đoán còn Hà Nội thì theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung là làm theo lộ trình, từng bước.

Theo tôi, mỗi cách triển khai sẽ có cái lợi riêng. Với TP. Hồ Chí Minh, hè phố biến thành của tư nhân, trở thành nơi buôn bán, để xe còn người đi bộ phải đi xuống lòng đường dẫn đến tai nạn, ùn tắc.

Vì thế, việc giành lại vỉa hè ở đây là càng sớm càng tốt.

Theo tôi, việc làm này là đúng và chính quyền không muốn việc dọn dẹp vỉa hè giậm chân tại chỗ, trì trệ, nghi ngờ nên đã làm mạnh mẽ, quyết đoán. 

Tuy nhiên, theo tôi, TP. Hồ Chí Minh khi thực hiện việc làm này nên giải thích cho người dân hiểu rõ vấn đề.

Bởi vì trước đó, khi người dân lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán đã không bị ngăn cản quyết liệt nên mới dẫn tới việc lấn chiếm. Giờ khi dọn dẹp vỉa hè đột ngột, quá nhanh sẽ gây bức xúc cho người dân làm ăn trên vỉa hè.

Vậy theo ông, việc giành lại vỉa hè trong thời gian qua sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với người dân?

Hiện tại, có hàng vạn người phụ thuộc vào vỉa hè để nuôi sống gia đình, hàng triệu phương tiện như xe máy phải để trên vỉa hè vì chưa có nơi để xe đúng quy định.

Việc một số nơi ở TP. Hồ Chí Minh quyết liệt, mạnh mẽ dọn dẹp vỉa hè có thể khiến cho cuộc sống của những người này trở nên khó khăn.

Đối với các hộ kinh doanh, buôn bán, vỉa hè thường là nơi khách để xe đến mua hàng, giờ không được để xe ở trước cửa hàng, các điểm trông xe cũng không có sẽ khiến cho việc kinh doanh trở nên khó khăn, doanh thu sụt giảm.

Hà Nội thực hiện việc dọn dẹp vỉa hè sau TP. Hồ Chí Minh nên đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.

Việc lấy lại vỉa hè có lộ trình theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, lực lượng chức năng có sự giải thích, có sự cam kết trong thời gian bao nhiêu lâu sẽ trả lại vỉa hè của người dân.

Đến ngày 10/3, lực lượng chức năng mới đồng loạt ra quân xử lý những điểm vi phạm nhưng cũng đã có thông báo từ trước, theo bản thân tôi thấy, việc làm này có tình, có lý hơn và có tính khả thi hơn những nơi khác.

Chuyên gia 40 năm nghiên cứu giao thông: Giành lại vỉa hè phải lấy người dân làm trung tâm - Ảnh 2.

Vỉa hè ở Hà Nội được trả lại cho người đi bộ.

Theo ông, để việc giành lại vỉa hè được lâu dài, bền chặt cần phải thực hiện như thế nào?

Theo tôi, khi vỉa hè được dọn dẹp để giành lại hành lang cho người đi bộ sẽ khiến cho nhiều người kiếm sống trên vỉa hè cảm thấy bức xúc và dễ gây ra việc tái chiếm lại.

Việc giành lại vỉa hè ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh nên có những chính sách, biện pháp lâu dài như xây dựng các điểm đỗ xe để người dân có nơi để xe và có nơi họp chợ cho người dân để bớt các chợ cóc, người bán hàng rong.

Mình làm phải lấy người dân làm trung tâm. Bởi khi lấy lại vỉa hè sẽ khiến cho hàng vạn người không có công ăn việc làm, hàng triệu chiếc xe không có chỗ để.

Vì vậy, kết quả sẽ tốt hơn nếu các cấp lãnh đạo ở các thành phố làm nhanh các dự án họp chợ và để xe cho người dân. Có như vậy, việc giành lại vỉa hè mới bền chặt. Nếu không dần dần, mọi thứ sẽ lại trở lại như cũ.

Đối với các vỉa hè có diện tích lớn thì để lại diện tích khoảng 2 mét chiều ngang cho người đi bộ, phần còn lại là nơi để xe hoặc tạo điều kiện cho người dân buôn bán giảm bớt khó khăn.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại