Trong khi việc phục vụ trên tàu ngầm luôn là một nghề nghiệp tiềm ẩn nguy hiểm, Hải quân Hoa Kỳ đã duy trì được một hồ sơ an toàn đầy mẫu mực, khi nói đến hạm đội dưới biển của họ.
Thật vậy, lực lượng hải quân nước này đã không để mất bất kỳ một tàu ngầm nào trên biển trong hơn 5 thập kỷ qua. Tuy nhiên, những vụ tai nạn chết người là không thể tránh khỏi, như tai nạn vào năm 2005 khi tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles mang tên USS San Francisco va chạm với một ngọn núi dưới biển.
Mặc dù vậy, sự cố đó đã tiết lộ điều mà hải quân Hoa Kỳ đã học được từ những sai lầm trước đây và cách họ đã áp dụng những bài học đó cho hạm đội tàu ngầm của mình.
Quá khứ ảnh hưởng như thế nào đến tương lai
Mũi tàu USS San Francisco bị thiệt hại sau khi về tới căn cứ Guam.
Trong quá khứ, các tàu ngầm của Hải quân Hoa Kỳ không phải lúc nào cũng có thể tránh khỏi các vụ tai nạn hoặc rủi ro. Chẳng hạn như năm 1988, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên tàu ngầm USS Bonefish.
Và sự cố tàu ngầm bi thảm nhất - cũng là lần cuối cùng mà lực lượng này đánh mất một tàu ngầm trên biển - xảy ra vào năm 1963, khi tàu USS Thresher cùng với tất cả 129 thủy thủ trên tàu bị mất tích ngoài khơi Cape Cod khi đang tiến hành thử nghiệm lặn.
Sau khi tàu Thresher bị chìm, Hải quân đã thành lập một chương trình mang tên SUBSAFE, nhằm đảm bảo thiết kế, sản xuất và bảo trì phù hợp cho các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của mình để đảm bảo an toàn cho chúng.
Nhiều thập kỷ sau, quyết định này sẽ được đền đáp và minh chứng bằng việc giúp tránh được một tai nạn thảm khốc liên quan đến một chiếc tàu ngầm.
Một bi kịch đã được né tránh
USS San Francisco trong ụ tàu khi đang được sửa chữa phần mũi tàu bị hư hỏng, ngày 8/5/2005.
Năm 2005, tàu ngầm USS San Francisco lớp Los Angeles đã va chạm với một ngọn núi dưới biển khi đang chạy với tốc độ tối đa.
Để duy trì khả năng tàng hình, USS San Francisco đã không kích hoạt hệ thống quét sóng âm chủ động và đồng thời đã di chuyển quá nhanh để có thể sử dụng hiệu quả hệ thống quét sóng âm thụ động của mình. Cũng trong khi đó, thủy thủ đoàn đã không sử dụng các biểu đồ dẫn đường dưới biển được cập nhật mới nhất, và các biểu đồ lỗi thời mà họ đang sử dụng đã không cho thấy sự hiện diện của sự hình thành núi.
Khi con tàu đâm vào núi, vụ va chạm đã khiến toàn bộ thủy thủ đoàn bị thương - một số người trong số họ bị thương khá nặng - và cướp đi sinh mạng của một thủy thủ trên tàu.
Tuy nhiên, thủy thủ đoàn đã có thể giải cứu tình huống để tránh nó trở thành một thảm họa thực sự. Một trong số các thủy thủ đã có thể lật công tắc, cho phép tàu ngầm nổi lên khẩn cấp, mặc dù anh đã bị gãy hai cánh tay. Sau đó, thủy thủ đoàn đã có thể ứng biến đủ để đưa tàu ngầm di chuyển, và cuối cùng con tàu đã đến cảng Guam an toàn.
Tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles USS San Francisco di chuyển dưới cầu Cổng Vàng khi rời Vịnh San Francisco, ngày 12/10/2016.
Tất nhiên, cái chết của một thủy thủ Hải quân đã khiến đây là một sự kiện bi thảm, nhưng vụ va chạm có thể còn tồi tệ hơn nhiều. Rất may, mọi người còn lại đã an toàn, phần lớn là nhờ vào chương trình SUBSAFE được triển khai trước đó nhiều năm.
Hệ thống kiểm tra phức tạp trong thiết kế, xây dựng và bảo trì tàu ngầm đã được thực hiện và tạo ra sự tồn tại của hệ thống cứu hộ khẩn cấp, đảm bảo rằng các tàu ngầm dưới biển có thể nổi lên trong trường hợp nguy hiểm. Và điều này đã giúp mang lại cho USS San Francisco và thủy thủ đoàn của nó cơ hội mà họ cần, để tránh những gì có thể trở thành tổn thất toàn bộ của cả tàu và toàn bộ mọi người bên trong.
Tham khảo BI