Chuyển đổi số là một trong những mục tiêu được quan tâm hàng đầu của nhiều doanh nghiệp công nghệ tại Việt Nam, khi Bộ Thông tin - truyền thông chính thức được Thủ tướng Chính phủ giao xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia và Đề án sẽ được trình Thủ tướng ngay trong năm 2019.
Trong khi Việt Nam chỉ vừa chính thức xác định vai trò Chuyển đổi số trong việc thúc đẩy nền kinh tế số bước vào kỷ nguyên số thì Thái Lan đã bắt tay vào thực hiện từ năm 2017 và gặt hái một số kết quả vĩ mô tích cực.
Chuyển đổi số là gì? Tại sao chuyển đổi số lại quan trọng như thế?
Chuyển đổi số (Digital transformation) là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào từng ngóc ngách trong quá trình hoạt động của tổ chức, với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, năng cao sự hài lòng của khách hàng và hơn nữa là tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Nghe thật hoàn hảo, nhưng chuyển đổi số đòi hỏi tổ chức phải có một quyết tâm thay đổi từ "gốc rễ", liên tục thách thức những thói quen, không ngừng thử nghiệm cái mới và học làm quen với thất bại. Chính vì thế, nhiều tổ chức rất chật vật trong quá trình chuyển đổi số vì không thể nào bỏ được những giá trị cốt lõi.
Bất chấp những khó khăn, hàng loạt tập đoàn vẫn tranh nhau chuyển đổi số vì vô số lợi ích mà nó mang lại.
John Marcante, Giám đốc công nghệ thông tin của Tập đoàn Vanguard cho hay: "Chúng ta có thể thấy rõ trên danh sách S&P 500 (500 công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ). Vào năm 1958, các tập đoàn trong danh sách này dễ dàng giữ vững vị trí của mình trung bình gần 61 năm. Nhưng đến năm 2011, "tuổi thọ" trên bị rút ngắn chỉ còn 18 năm.
Và cho đến ngày nay, các tập đoàn trong danh sách này liên tục bị soán ngôi chỉ trong 2 tuần, tất cả nhờ vào hiệu quả gia tăng chóng mặt của công nghệ và quyết tâm chuyển đổi số để vượt mặt đối thủ cạnh tranh."
Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) dự báo tổng số tiền đầu tư cho công nghệ và chuyển đổi số trên toàn thế giới sẽ đạt 1,97 nghìn tỷ USD vào năm 2022, trở thành một trong những xu hướng có khả năng thay đổi cán cân thương mại thế giới.
Thái Lan – Hình mẫu chuyển đổi số của Đông Nam Á
Chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức.
Trong khi chỉ có 0,4% lãnh đạo tin rằng chuyển đổi số có ảnh hưởng mang tính quyết định vào năm 2015, chỉ sau 2 năm ngắn ngủi, hơn 30% quản lý cấp cao đã thừa nhận khả năng trên.
Sự thay đổi nhận thức rõ ràng của các nhà lãnh đạo Thải Lan về tầm quan trọng của Chuyển đổi số
Nổi bật hơn cả là những bộ máy chính quyền, khi Chuyển đổi số thành công hứa hẹn gia tăng hiệu quả hoạt động và đảm bảo an ninh quốc gia, các quốc gia trên thế giới đã lập tức bước vào một cuộc đua quyền lực mới.
Đáng chú ý trong khu vực chính là Thái Lan, chính quyền nước này đã nhanh chóng bắt tay vào Chuyển đổi vào năm 2017 với một kế hoạch 5 năm đầy tham vọng: Chuyển đổi số cho toàn bộ hệ thống công quyền, từ quản lý công cộng cho đến hỗ trợ du lịch, cảnh báo thảm họa thiên nhiên và nâng cao hiệu quả của nông nghiệp.
Chiếc lược dài hạn trên được đánh dấu với lễ khánh thành Học viện Chuyển đổi số Thái Lan, nơi chuyên đào tạo kiến thức công nghệ cho các công chức nhà nước.
Tiếp đến có thể kể đến chiến dịch "Farmer One", một cổng thông tin được hỗ trợ bởi Bộ Khoa học và Công nghệ quốc gia, hỗ trợ các quy trình sản xuất nông nghiệp như: Đăng ký trồng trọt, liên hệ nguồn nguyên liệu đầu vào, tư vấn tình hình giá bán của từng loại nông phẩm …
Để thúc đẩy kinh tế tư nhân, cổng doanh nghiệp "Biz Portal" đã trở thành công cụ khởi nghiệp cực kỳ hữu ích cho mọi tầng lớp. Chỉ với một địa chỉ, các doanh nhân giờ đây có thể dễ dàng đăng ký kinh doanh, khai báo tình hình nhân sự, giấy phép, bảo hiểm …
Không dừng lại tại đó, Biz Portal còn giúp các doanh nghiệp dễ dàng đăng ký giấy phép xây dựng, gửi yêu cầu nối điện và nước cho hoạt động …
Muốn xác nhận thông tin nhanh chóng? Đã có hệ thống Kiosk thông minh của chính phủ, với hình dáng tương tự như những cây ATM, chiếc máy này có khả năng cung cấp dữ liệu 24/24 về bảo hiểm, hộ khẩu … thông qua số chứng minh thư của người truy cập.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng là Smart Service. Nhằm hướng đến một tương lai không dùng giấy, cổng thông tin này nhanh chóng hỗ trợ các thông tin được công bố rộng rãi đến công chúng, tránh việc in ấn tốn kém và tổn hại đến môi trường.
Nỗ lực không ngừng của tư nhân
Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy những doanh nghiệp Thái dường như biết rõ những gì đang xảy ra với Chuyển đổi số. Đa phần lãnh đạo (76%) nắm được khái niệm của công nghệ đột phá, trong đó có 69% thừa nhận rằng công nghệ đang gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh hiện nay của mình.
Tất cả đều kể tên được những công nghệ gây đột phá nhất, với 73% lãnh đạo doanh nghiệp tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng từ 3 đến 5 năm tới.
Phần lớn các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân tại Thái Lan tin rằng Công nghệ đột phá sẽ đem lại không ít rủi ro, nhưng có đến tận 71% tổ chức tự tin với khả năng Chuyển đổi số của mình.
PTT, một trong những tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực xăng dầu Thái Lan là một minh chứng về khả năng Chuyển đổi số rất hiệu quả của các doanh nghiệp tại xứ Chùa vàng.
Áp dụng dữ liệu lớn để phân tích hoạt động của tất cả trạm xăng trên cả nước, PTT nhận ra được nhu cầu mua sắm nước uống và hàng bách hóa của khách hàng khi đổ xăng, và ngay lập tức thành lập những cửa hàng tiện lợi tại đây.
PTT còn tạo nên khác biệt so với các nhãn hiệu khác bằng chương trình "PTT Blue Card", chiếc thẻ thành viên có khả năng tích điểm để đổi lấy những phần quà hấp dẫn, như một bữa ăn miễn phí hoặc phiếu mua hàng giảm giá.
Nhưng mục đích chính của chiếc thẻ này là thu thập thói quen của người dùng, với hơn 150.000 lượt đổ xăng mỗi ngày, với sự hỗ trợ của trí thông minh nhân tạo, phòng phân tích và chiến lược của PTT có thể liên tục đưa ra các phân tích và gợi ý phát triển tốt hơn cho ban lãnh đạo PTT.
Tiếp theo có thể kể đến tập đoàn xi măng Siam City Cement (SCC), tiên phong với việc hợp tác với Fujitsu nhằm Chuyển đổi số toàn bộ hệ thống quản lý hiện tại.
Với mục tiêu đầu tiên là cắt giảm chi phí, hệ thống mới của SCC nhanh chóng xác định được hàng loạt khâu sản xuất có khả năng cải thiện.
Vì quy trình hoạt động và hệ thống quản lý nhân sự đều đã được chuyển đổi số, SCC đã nhanh chóng thay đổi để gia tăng hiệu quả mà gần như không gặp bất cứ trở ngại nào.
Một ví dụ điển hình khác nằm ở ngành viễn thông của Thái Lan, hiện 2 trong tổng số 3 nhà mạng lớn đang liên tục bức phá về thị phần khi áp dụng những công nghệ số mới nhất cho khách hàng, bỏ lại phía sau thương hiệu viễn thông "già cỗi" không kịp đổi mới.
Theo một báo cáo gần đây, các nỗ lực Chuyển đổi số của chính phủ Thái Lan trong những năm vừa qua sẽ đem lại kết quả vĩ mô tích cực ngay trong năm 2019. Còn với các doanh nghiệp tư nhân, cuộc đua đang bước vào giai đoạn quyết liệt với những tập đoàn đã Chuyển đổi số thành công, thúc đẩy lợi nhuận, sự linh hoạt, tốc độ và lợi thế cạnh tranh lên mức cao nhất.
Việt Nam có 30 năm đổi mới đã đạt được những thành tựu quan trọng toàn diện trên mọi lĩnh vực nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và còn nhiều khó khăn, hạn chế. Động lực tăng trưởng dựa vào tài nguyên thiên nhiên, lao động giá rẻ, tăng vốn đầu tư, … không còn nhiều dư địa trong nền kinh tế số. Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có thu nhập trung bình cao, Việt Nam có nền kinh tế hiện đại, năng động, phát triển nhanh, bền vững, độc lập tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế cần có động lực tăng trưởng mới có tính đột phá.
Để góp phần phát triển các giải pháp đột phá phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức "Diễn đàn quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019", sẽ diễn ra vào Thứ 5, ngày 9/5/2019, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với chủ đề: "Khát vọng, tầm nhìn và định hướng phát triển vì một Việt Nam hùng cường".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và chủ trì hội nghị. Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ điều hành thảo luận tại diễn đàn
Sự kiện này sẽ có sự góp mặt của nhiều chính khách, doanh nhân nổi tiếng, đầu tư lớn, có nhiều kinh nghiệm trong ngành công nghệ: ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND TP Hà Nội; ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Tập đoàn CMC; bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, Chủ tịch Công ty VinFast; ông Hùng Trần – Giám đốc Công ty Got It, ông Nguyễn Thế Tân, TGĐ VCCORP; ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch – TGĐ Công ty VNG; ông Lữ Thành Long – Chủ tịch Công ty Misa; GS. Kim Hyun Chul, nguyên cố vấn kinh tế của Tổng thống Hàn Quốc; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright…