Chuyện đối mặt với "tử thần" của các thầy cô cắm bản nơi rẻo cao xứ Thanh

Ngọc Hưng |

Lên với vùng cao, chứng kiến bữa ăn với ếch, nhái, ễnh ương, những lớp học tranh tre nứa lá hay chuyện lội suối băng rừng của học sinh… không khỏi khiến chúng tôi ngậm ngùi rưng rơi nước mắt.

Cô Hạnh, thầy Đạt trong câu chuyện này cũng như hàng ngàn vạn giáo viên vùng cao xứ Thanh khác, bằng tình yêu nghề đang từng ngày bền trí, nỗ lực, vượt qua những khó khăn, thử thách để cắm bản, bám trường hoàn thành nhiệm vụ gieo con chữ nơi vùng cao đại ngàn.

Cắm bản vùng cao, đối mặt với tử thần

Ngược những con dốc lởm chởm sỏi đá, mạn bên của núi rừng Xuân Liên, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh - giáo viên trường Tiểu học Xuân Thắng (xã Xuân Thắng, huyện Thường Xuân) đang miệt mài uốn nắn học sinh trong tiết tập đọc lớp 4.

Sau giờ tan lớp, chúng tôi mới có dịp ngồi lại, lắng nghe những tâm sự về nghề và cái nghiệp gieo chữ suốt hơn 15 năm qua của cô.

Sinh ra và lớn lên từ huyện Nga Sơn, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981, xã Nga Hải) tình nguyện lên bản Én thuộc xã vùng cao Xuân Thắng, huyện Thường Xuân dạy học.

Có lẽ, phải vượt qua những khó khăn của núi rừng nơi rẻo cao đã khiến cho người con gái vốn là bông hoa của miền biển già đi trông thấy.

Chuyện đối mặt với tử thần của các thầy cô cắm bản nơi rẻo cao xứ Thanh - Ảnh 1.

Vượt qua muôn vàn khó khăn cô Hạnh vẫn kiên trì, âm thầm ngày đêm bám lớp

Kể về những khó khăn, với cô Hạnh đầu tiên chính là việc có lớp, có trường nhưng không có học sinh. Người bản Én chủ yếu là người Thái, không thông thạo tiếng phổ thông nên rào cản về ngôn ngữ là thử thách.

Để có thể giao tiếp, vận động học sinh đến lớp, cô Hạnh buộc phải học tiếng Thái.

Từ những ê a ban đầu, nhờ sự tận tình của người dân địa phương, của học sinh và sự động viên của gia đình, lãnh đạo ngành, cô Hạnh đã dần hoàn thiện khả năng giao tiếp cơ bản.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ, cô giáo Hạnh lại phải đối mặt với quan niệm việc học chưa được chú trọng khi nhiều phụ huynh cố chấp cho rằng, “việc học con chữ có làm cho cái bụng no không? Có làm ra cái bắp, bông lúa không?”…

Phải làm sao để phụ huynh thay đổi nhận thức là việc không đơn giản!

Đến từng gia đình, lên từng con rẫy, ăn cùng bữa cơm, rồi với chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”, cô mới khiến cho người dân nơi đây dần thay đổi. “Đi học, các cháu ngoan, lễ phép hơn, về biết làm việc nhà….

Thấy cái lợi từ việc học con chữ, nhiều gia đình mới không còn thành kiến. Bản thân người lớn cũng đến lớp để học con số, học con chữ. Phong trào học tập cũng từ đó mà được nâng lên” - cô Hạnh vui mừng.

Cô chia sẻ thêm: "Mình vất vả vận động, gây dựng phong trào học tập nhưng hễ mưa giông, gió bấc thì học sinh lại nghỉ học. Khách quan thì cũng phải chịu vì giao thông chia cắt, suối lớn, nước lũ to nên học sinh không thể đến trường.

Có thời điểm học sinh phải nghỉ cả nửa tháng, mình lại phải đi vận động lại từng nhà.

Chương trình, giáo án dạy học có khi cả năm rưỡi, hai năm mới dạy xong một lớp! Nhưng tình yêu nghề, sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh là những động lực giúp chúng tôi bước tiếp".

Khó khăn trong việc gieo chữ đã đành nhưng để giáo viên có thể bám bản, bám trường thì còn khó khăn hơn. Trong các khó khăn đó, không thể không kể tới nỗi nhớ nhà. Đã có một vài giáo viên sau khi xung phong lên miền ngược phải bỏ cuộc giữa chừng.

Nhìn lại mình, cô Hạnh bảo bản thân còn nhiều may mắn. Không lâu sau khi tình nguyện lên bản Én cắm bản, trong một chuyến xe “định mệnh” về quê, cô Hạnh đã tìm được ý chung nhân là anh Nguyễn Xuân Chinh (quê Mục Sơn, Thọ Xuân, Thanh Hóa).

Gặp nhau thấy tâm đầu ý hợp, một đám cưới ngập tràn hạnh phúc đã diễn ra. Rồi anh Chinh cũng lên dựng nhà, bám bản giúp cô bám lớp, bám trò.

Là một trong những người tiên phong trong phong trào dựng lớp xóa mù, thầy giáo Đinh Quốc Đạt - giáo viên trường Tiểu học xã Xuân Lộc (huyện Thường Xuân) có thâm niên gần 30 năm tiên phong lên cắm bản, khai mở những khu học mới.

Tháng 9/1990, rời ghế nhà trường tình nguyện lên công tác vùng cao giáp biên xã Bát Mọt (huyện Thường Xuân). Từ trung tâm huyện lên được với xã rồi vào được tới bản, theo nhẩm tính của thầy Đạt cũng ngót gần 80km.

Cuốc bộ 2 ngày ròng vượt núi, leo đồi mới tới nơi. Chế độ đãi ngộ là 30 nghìn đồng tiền lương, tương đương với 50 kg thóc bấy giờ…

Hơn 1 năm cống hiến, gây dựng phong trào học tập, xóa mù tại xã Bát Mọt, thầy Đạt lại được điều động lên xã Xuân Liên, vùng giáp biên với tỉnh bạn.

Nhiệm vụ với thầy là tiếp tục công tác mở lớp xóa mù và gây dựng phong trào học tập ở bản vùng biên.

Bát Mọt là một thử thách đầy khó khăn, lên với Xuân Liên, thầy Đạt bảo “tôi đã thấy tử thần” với 2 lần sốt rét, cáng truyền về viện.

Nói vui như thầy Hoàng Cao Khải - Hiệu trưởng trường TH Xuân Lộc thì trong người thầy Đạt nếu mổ ra chắc phải được 1 thúng ấu trùng sốt rét.

Nhớ lại ngày tháng ở Xuân Liên, với thầy Đạt như một cơn ác mộng. Sau khi lên gây dựng cơ sở được hơn 1 tháng, cơn sốt rét triền miên kéo dài suốt một tuần khiến thầy từ một thanh niên có da, có thịt, trọng lượng 51kg tụt xuống còn 38kg.

Lần sốt rét thứ hai cách đó 3 năm sau, khi thầy Đạt và các thầy cô khác được phân công mở lớp mới ở khu Hón Mong. Sau khi bà con, thầy trò góp tre, góp luồng dựng lớp, gây dựng được học sinh thì cơn sốt rét lại kéo đến hành hạ.

Thầy Đạt nhớ, thời điểm đó “đại dịch sốt rét” chính là bờ vực “tử thần” thách thức thầy cô. Nhấp ngụm trà, thầy Đạt thở dài: “Sốt rét bấy giờ đã cướp đi 1 đồng nghiệp của tôi.

Sông suối, mưa lũ cũng cuốn thêm một đồng nghiệp cắm bản khác. Mình còn cống hiến được đến ngày nay, gần 30 năm qua xem ra hãy còn may mắn!”

Giờ đây thầy Đạt, cô Hạnh đã được chuyển về khu chính, song những ký ức khó khăn một thời mở lớp, dựng trường với các thầy, cô vẫn không thể nào quên.

Nỗi niềm giáo viên vùng cao

Nhiều cô giáo đã phải từ bỏ tuổi thanh xuân, những mối tình đẹp như mơ ở miền xuôi để lên cắm bản, bám trường. Xa quê, xa nhà, nỗi nhớ gặm nhấm các cô từng đêm.

Dẫu rằng, trước khi lên với bản, với trường các cô, các thầy vẫn nuôi hi vọng, rồi sẽ sớm được luân chuyển về xuôi.

Tuy nhiên, khó khăn của ngành, của cơ chế, nhiều thầy cô như thầy Đạt gần 30 năm bám bản, bám trường đã khiến niềm hi vọng dần “nguội tắt”.

Chuyện đối mặt với tử thần của các thầy cô cắm bản nơi rẻo cao xứ Thanh - Ảnh 2.

Cô giáo tiểu học Nguyễn Thị Hạnh (SN 1981, xã Nga Hải) tình nguyện lên vùng cao bản Én (xã Xuân Thắng) kể về những khó khăn.

Thầy Lang Trọng Hưng - Hiệu trưởng trưởng Tiểu học Xuân Thắng cho biết: “Nhiều thầy cô miền xuôi tình nguyện lên cắm bản, bám trường, ban đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Vượt qua những vất vả ban đầu, các thầy cô nuôi hy vọng từ hợp đồng được vào biên chế, rồi được luân chuyển về xuôi.

Song, sau nhiều năm tháng bám bản, ở lâu thành quen, một số thầy cô đã lập gia đình, gắn bó với cuộc sống vùng cao, cũng không còn mong muốn về xuôi nữa”.

Được biết toàn huyện Thường Xuân còn có tới gần 200 điểm trường lẻ còn nhiều khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất. Có cả nghìn giáo viên đang tình nguyện bám bản, bám trường gieo con chữ nơi ngàn cao.

Nói như thầy Lâm Anh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Thường Xuân thì ngoài những chính sách quan tâm, thu hút của ngành giáo dục, đời sống của cán bộ, giáo viên đã phần nào được cải thiện hơn so với trước.

Song, so với mặt bằng chung thì đời sống người giáo viên cắm bản vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là những trăn trở về chế độ lương thưởng sau khi về hưu.

Và các thầy cô vẫn mong lắm một sự quan tâm nhiều hơn của Đảng, Nhà nước dành cho ngành giáo dục nói chung và đối với những người thầy người cô nói riêng đang gắn bó cả cuộc đời ở những rẻo cao nơi nhọc nhằn con chữ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại