Chuyện của những bác sĩ thường xuyên bị bệnh nhân… đuổi đánh

Lại Thìn |

Nhân viên y tế điều trị cho người bệnh tâm thần gặp rất nhiều rủi ro, bị người bệnh hành hung là chuyện thường tình.

Chị Đỗ Thị Huyền, y tá, công tác tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng vẫn nhớ như in những ngày đầu về Trung tâm.

Nhiều lúc chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân, chị phải bỏ chạy thoát thân khi người bệnh tâm thần lên cơn, hò hét và đuổi đánh; đồng thời gọi đồng nghiệp đến để giữ bệnh nhân, cho uống hoặc tiêm thuốc.

Có hôm đi làm về nhà, thấy tay chân con gái sưng tấy, bố mẹ gặng hỏi thì chị nói bị ngã xe. Nếu nói ra sự thật là bị bệnh nhân hành hung trong vô thức, thì có lẽ bố mẹ bắt chị chuyển công tác.

“Lúc bệnh nhân lên cơn, tôi chỉ nghĩ làm sao điều trị tốt nhất cho họ. Sau này, khi được học sâu hơn về chuyên khoa cũng như nghề công tác xã hội, tôi đã nắm bắt được tâm lý, biểu hiện của người bệnh để có biện pháp điều trị kịp thời, hiệu quả” – chị Huyền chia sẻ.

BSCK 1 tâm thần Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Giám đốc Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương cho biết, nhân viên y tế điều trị cho người tâm thần gặp rất nhiều rủi ro, nhất là khi bệnh nhân mới nhập viện hoặc vào Trung tâm, chưa được điều trị, chăm sóc.

Cán bộ, nhân viên Trung tâm bị người bệnh hành hung là chuyện thường tình. Rất nhiều cán bộ bị bệnh nhân đánh trong lúc cho ăn hay điều trị cho bệnh nhân.

Tuy chửi bới, hung hăng là vậy, nhưng sau khi được điều trị cắt cơn, người tâm thần lại rất tình cảm, gọi bác sĩ là mẹ, xưng con; họ xin lỗi rất nhiều và nói không biết lúc đó “ma xui quỷ khiến” thế nào mà lại hành xử như vậy.

Những cán bộ làm công tác chăm sóc, chữa trị cho người tâm thần ở Trung tâm cho biết, nếu như ở bệnh viện tâm thần, bệnh nhân vào điều trị rồi ra viện, thì ở Trung tâm, có những bệnh nhân ở với họ cả đời.

Do đó, các nhân viên y tế đều hiểu được tâm tính, sở thích, hoàn cảnh gia đình của từng bệnh nhân để điều trị.

Bác sĩ tâm thần đang thiếu trầm trọng

Bác sĩ Nguyễn Thị Minh Hương tâm sự, khi theo đuổi nghề bác sĩ tâm thần, bạn bè, đồng nghiệp, gia đình chị không ai đồng ý.

Lúc đầu vào Trung tâm làm việc, chị cũng rất buồn chán vì thu nhập rất thấp, môi trường không tốt như các đồng nghiệp khác công tác trong lĩnh vực sản nhi, nội, ngoại khoa…

Nhưng sau nhiều năm gắn bó với nghề, chị nhận thấy bệnh nhân tâm thần là người khổ nhất trong số những người bệnh.

Bởi vì những bệnh nhân khác, họ ý thức được việc phải chữa bệnh, nhưng bệnh nhân tâm thần thì không. Họ ăn bẩn, đánh đập người xung quanh, thậm chí giết người thân cũng không ý thức được.

Chị đã từng chứng kiến nhiều mảnh đời bệnh nhân rất thương tâm. Nhiều người được điều trị ổn định, rất muốn về nhà nhưng gia đình không chấp nhận, ngại đón về bởi còn tâm lý kỳ thị người tâm thần.

Gia đình có người mắc bệnh thì anh chị em của họ rất khó kết hôn, nên không muốn “chứa” người tâm thần trong nhà. Những trường hợp bị người thân bỏ rơi, sống suốt đời ở Trung tâm không thiếu.

“Nói thế này thì bảo là sáo rỗng, nhưng đúng là chúng tôi chăm sóc bệnh nhân tâm thần như người thân của mình, thậm chí hơn thế. Bởi bệnh nhân được chăm sóc tốt, được quan sát, điều trị kịp thời thì họ không mắc những bệnh khác, chúng tôi cũng nhàn hơn.

Còn để họ lên cơn, ốm đau thì gần như một tay chúng tôi chăm sóc, điều trị từ A đến Z. Nhiều khi chúng tôi nói đùa, ở với người bệnh nhiều dễ khiến chúng tôi cũng điên theo mất” – bác sĩ Minh Hương chia sẻ.

Theo đánh giá, đội ngũ bác sĩ chuyên ngành tâm thần đang thiếu trầm trọng, sinh viên y không mặn mà với ngành học này.

Như tại Trung tâm nuôi dưỡng tâm thần người có công và xã hội Hải Dương, hiện có 108 y, bác sĩ đang làm việc thì chỉ có 1 bác sỹ chuyên khoa tâm thần, 8 người đang đi học bác sĩ.

Tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Hải Phòng - nơi chăm sóc, nuôi dưỡng gần 330 bệnh nhân cũng chỉ có 2 bác sĩ...

Đáng lưu ý, còn thiếu các cơ sở chuyên khoa tâm thần chuyên biệt để điều trị. Các Trung tâm bảo trợ xã hội, phục hồi chức năng tâm thần mới chỉ có ở 16/63 tỉnh/thành, tại nơi đó cũng mới đáp ứng được gần 1/3 nhu cầu.

Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập chưa phát triển. Hơn nữa, mới chỉ chú trọng đến các bệnh loạn thần trong khi các sang chấn stress, rối loạn tâm thần do rượu, lo âu... chưa được quan tâm.

Theo các chuyên gia, số người bị rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng và nếu không được phát hiện sớm, điều trị, quản lý đúng hướng, kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả nặng nề cho chính bản thân người bệnh, gia đình và xã hội./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại