Kì thượng đỉnh Mỹ - Nga
Ngày 16/7 tới này ở thủ đô Helsinki của Phần Lan, tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau trong khuôn khổ cuộc cấp cao đầu tiên giữa Mỹ và Nga ở thời ông Trump là tổng thống Mỹ.
Chuyện quan hệ của Mỹ với Nga trong bối cảnh tình hình hiện tại ở Mỹ ẩn chứa không ít rủi ro chính trị đối với ông Trump.
Nhưng sau chuyện ông Trump quyết gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thì việc ông Trump gặp ông Putin bất chấp bối cảnh tình hình ấy ở Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Ông Trump muốn có sự kiện lớn mới. Ông Putin cũng được lợi rất nhiều trên nhiều phương diện từ cuộc gặp với ông Trump.
Cũng vì thế mà ngay từ khi thoả thuận gặp nhau, hai người này chắc chắn đã phải xác định quyết tâm là cùng nhau làm cho cuộc gặp thành công hết mức và chỉ có thể thành công chứ không được thất bại.
Nhìn lại lịch sử, hầu hết các cuộc gặp cấp cao đã từng được tổ chức giữa Mỹ với Liên Xô trước đây và Nga hiện tại đều không mấy thành công, đều không giúp mối quan hệ giữa hai nước từ sau đấy có được bước phát triển đáng kể mới.
[TIME-LAPSE] Chiêm ngưỡng 27 tháng xây dựng “thần tốc” cây cầu nối liền Nga - Crimea
Ông Trump và ông Putin chắc chắn đã có chủ ý khắc phục cái dớp ấy. Trên thực tế, không chỉ sẽ rất tai hại mà thậm chí còn có thể rất nguy hiểm về chính trị đối nội đối với cả hai nước nếu để cái dớp tiếp tục phát tác ở sự kiện lớn sắp tới này.
Những phát biểu của cả hai về Crimea trước cuộc gặp cần được nhìn nhận và suy xét trong mối liên hệ ấy.
Mỹ - Nga ngầm nhất quán chuyện Crimea
Ông Putin cho biết sẵn sàng thảo luận và thoả thuận với ông Trump về mọi chủ đề nội dung, trừ về Crimea.
Từ phía Mỹ, Nhà Trắng cho biết Mỹ không công nhận Crimea là một phần của Nga. Quan điểm này của phía Nga và phía Mỹ vốn không mới lạ gì.
Nhưng nó được đưa ra và khẳng định vào thời điểm hiện tại lại có chủ ý. Ông Putin muốn phát đi thông điệp là Nga không nhượng bộ trong vấn đề Crimea và ông Trump không nên đề cập vấn đề này trong cuộc cấp cao tới.
Ông Putin cho biết sẵn sàng thảo luận và thoả thuận với ông Trump về mọi chủ đề nội dung, trừ về Crimea.
Còn thông điệp của phía Mỹ là ông Putin không nên làm ông Trump khó xử với ý định thuyết phục phía Mỹ công nhận Crimea thuộc về Nga. Họ làm vậy để ngay từ đầu mối bất hoà này không ảnh hưởng gì đến diễn biến và kết quả của cuộc gặp, làm cho vấn đề này trong thực chất không nằm trên chương trình nghị sự của cuộc gặp.
Đối với nước Nga và cá nhân ông Putin, Crimea không chỉ là chuyện đã rồi mà còn là thực tế không thể thay đổi được nữa.
Nó là chuyện lợi ích chiến lược lâu dài và thể diện quốc gia. Đối với Mỹ và cá nhân ông Trump, chuyện này không hẳn là quả đắng như đối với EU và NATO, nhưng vẫn là một con chủ bài sáng giá mới cho việc xử lý quan hệ của Mỹ với Nga và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu.
Một khi ông Trump đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel thì khả năng ông Trump công nhận Crimea thuộc về Nga không phải hoàn toàn không có. Người này đã một vài lần thổ lộ rằng "có thể hiểu được" chuyện Crimea thuộc về Nga.
Chỉ cần được phía Nga trả giá đúng mức và đúng lúc thì chắc ông Trump sẽ không ngại ngần nhượng bộ Nga.
Đồng thời, ông Trump lại còn có thể dùng chuyện này để gây áp lực với các đồng minh và đối tác ở châu Âu.
Chỉ cần phía Mỹ công nhận Crimea thuộc về Nga thì toàn bộ chính sách của Phương Tây đối với Nga sẽ không còn có thể được thống nhất và mạnh mẽ như lâu nay nữa.
Một khi Mỹ chơi cuộc chơi riêng với Nga thì EU và NATO đâu có khác gì bị tước bỏ vũ khí trong quan hệ của họ với Nga.
Hiện tại, giữa Mỹ và Nga vẫn còn quá sớm để có thể có được sự nhất trí quan điểm với nhau về vấn đề này. Hai bên muốn cuộc gặp cấp cao đầu tiên phải thành công nên không thể không gạt bỏ mọi bất hoà và những gì có thể gây bất hoà sang bên để cùng nhau nhằm tới đồng thuận quan điểm.
Những phát biểu của hai bên về Crimea không hẳn hàm ý là hai bên không thể nhất trí được với nhau mà chẳng qua chỉ muốn biểu lộ rằng hiện tại họ không đặt ra vấn đề thương thảo và nhất trí với nhau về chuyện này mà thôi.