Chuyến công du bảy ngày chỉ một “điểm sáng” của Ngoại trưởng Mỹ

Minh Đức |

Điểm sáng này, bất ngờ thay lại đến từ những gì được thể hiện trên trang Twitter của Tổng thống Trump.

Hôm thứ Năm (26/10), phát biểu tại Geneva sau buổi gặp gỡ với Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Staffa de Mistura, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết: “Chúng tôi không tin rằng sẽ có một tương lai cho chính quyền Assad và gia đình Assad… Chế độ lãnh đạo của Assad đang đi đến hồi kết, và vấn đề duy nhất là việc đó sẽ xảy ra bằng cách nào.”

Mỹ vẫn kiên trì chính sách cũ về Syria?

Hãng tin Bloomberg nhận định, lời tuyên bố trên không chỉ đánh dấu cái kết cho chuyến công du đến 7 quốc gia – bao gồm cả Iraq và Afghanistan – của ông Tillerson trong tuần vừa rồi, mà nó còn tương tự như những gì mà Ngoại trưởng Mỹ tiền nhiệm, John Kerry, vẫn thường xuyên nhắc đến. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ rời bỏ vị trí hiện tại. Quyền lực của ông Assad được đánh giá là đang có nhiều chuyển biến tích cực kể từ khi Nga quyết định can thiệp vào cuộc xung đột Syria từ hai năm trước. Trong khi đó, sức ảnh hưởng của Mỹ lên kết cục tại Syria dường như ngày càng mờ nhạt hơn.

Trước thực tế vai trò của Mỹ trong cuộc chiến đã kéo dài 6 năm tại Syria không còn quá rõ nét, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã không ngừng nâng cao sự hiện diện của mình. Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp đến từ Thổ Nhĩ KỲ Recep Tayyip Erdogan đã thống nhất sẽ cùng phối hợp để thiết lập và giám sát một khu vực không chiến sự tại Syria.

Động thái trên xuất phát từ một thỏa thuận được ký kết giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, nhằm mở ra một khu vực giảm leo thang tại tỉnh Idlib của Syria, và giám sát các vi phạm mà những lực lượng chống đối hoặc trung thành với Tổng thống Assad, có thể gây ra.

Sau cuộc gặp với Đặc phái viên De Mistura, ông Tilleson đã cho thấy rõ, nước Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ cho Tiến trình đàm phán Geneva giữa chính phủ Syria và các lực lượng đối lập.

Ông De Mistura cũng kêu gọi tiến hành đàm phán để kết thúc xung đột. Việc đánh mất thành phố Raqqa (Syria) và bị bại trận tại Mosul (Iraq) đã khiến quy mô của nhóm khủng bố IS tập trung tại khu vực biên giới Iraq – Syria bị giảm đi đáng kể.

Chuyến công du 7 ngày buồn nhiều hơn vui?

Geneva là điểm cuối cùng trong chuyến công du 7 ngày của người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Mỹ. Sau khi dừng chân tại Arab Saudi và Qatar, Ngoại trưởng Tillerson đã có những chuyến thăm chỉ chớp nhoáng vài giờ đồng hồ tại Afghanistan và Iraq trong cùng một ngày, trước khi bay đến Pakistan và Ấn Độ.

Chuyến công du bảy ngày chỉ một “điểm sáng” của Ngoại trưởng Mỹ - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Rex Tilleson bắt tay với Thủ tướng Pakistan Shahid Khaqan Abbasi (ảnh: Reuters)

Hôm 24/10, ông Tillerson đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu Pakistan và chuyển đến thông điệp của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, nước này phải làm nhiều hơn nữa trong những nỗ lực tiêu diệu các nhóm khủng bố đang hoạt động tại đây. Chính phủ Pakistan bị cáo buộc đã “bật đèn xanh” để một số nhóm khủng bố tồn tại ngay bên trong lãnh thổ quốc gia mình.

“Chúng tôi có một vài yêu cầu và một vài mối quan ngại rất chính đáng cần phải có sự giúp đỡ của họ để giải quyết,” ông Tillerson nói. “Nếu anh không muốn làm điều đó, hoặc cảm thấy rằng anh có đủ khả năng – chúng tôi sẽ thay đổi chiến thuật và chiến lược của mình.”

Chuyến công dung được nhìn nhận như một thách thức với thực quyền và năng lực ngoại giao của Ngoại trưởng Mỹ. Ông đã không thành công trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Vùng vịnh khi Qatar bị bốn quốc gia Arab cô lập về cả ngoại giao và kinh tế. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Iraq cho rằng Tillerson can thiệp vào công việc nội bộ của nước mình, sau khi ông phát biểu rằng các lực lượng do Iraq “chống lưng” cần phải rời khỏi Iraq cùng với sự thất bại của IS.

Ngoài ra, quyết định chỉ ghé qua căn cứ không quân Bagram tại Afghanista thay vì gặp các nhà lãnh đạo nước này tại thủ đô Kabul – cũng đã khiến ông Tillerson phải đối mặt với nhiều chỉ trích. Một số quan chức và nhà bình luận cho rằng, Ngoại trưởng Mỹ đã không tôn trọng giới chức Afghanistan.

Tuy nhiên, theo Bloomberg, ít nhất cũng có một tín hiệu tích cực cho ông Tillerson. Khác với chuyến đi trước đến Trung Quốc, Tổng thống Trump lần này không hề thông qua Twitter để thể hiện sự đối lập hoặc không hài lòng với những hoạt động ngoại giao của Tilleson. Khi được hỏi về vấn đề này tại Geneva, ngài Ngoại trưởng cho biết, trước khi đi ông đã gặp mặt và thông báo về chuyến đi cho Tổng thống Trump; và phần lớn mọi việc đã diễn ra theo đúng kế hoạch.

“Không có bất ngờ xảy ra bởi vì mọi thứ đều diễn ra theo những gì mà chúng tôi mong đợi,” ông Tillerson nói. “Không có điều gì thực sự ngạc nhiên.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại